28/06/2017 01:56
Nhiều dự án trên 'đất vàng' TP.HCM 10 năm vẫn 'án binh bất động'
Giữa lòng TP.HCM vẫn tồn tại nhiều dự án bất động sản án ngữ ở những vị trí đắc địa nhưng hiện vẫn chưa được triển khai.
Từ năm 2007, UBND TP.HCM đã quy hoạch khoảng 50 ha thuộc những vị trí vàng tại khu trung tâm thành phố để kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực. Tuy nhiên, tại một số vị trí khá đắc địa trong hơn 10 năm qua, nhiều dự án vẫn án binh bất động.
Đa số các khu đất này được chủ đầu tư cho thuê lại để làm bãi giữ xe hoặc bỏ không. Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đích danh 3 dự án chậm triển khai đang làm xấu bộ mặt thành phố.
Đầu tiên phải kể đến khu đất tọa lạc mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, khu vực thuộc vào hạng đắt đỏ nhất TP HCM đang được dùng làm bãi giữ xe. Khu đất này trước đây là trụ sở một số cơ quan, doanh nghiệp của Bộ Công nghiệp, sau đó được thu hồi để đầu tư dự án Lavenue Crown do liên danh giữa Công ty cổ phần Kinh Đô, Công ty TNHH Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM và Mayflower Investment góp vốn đầu tư.
Hiện nay, dù bên ngoài đã được quây tôn với những hình ảnh dự án rất hoành tráng, nhưng bên trong vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy dự án đã được triển khai.
Dự án thứ hai là tòa tháp SJC có địa chỉ tại khu đất nằm 4 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, được UBND thành phố phê duyệt cho Công ty CP Sài Gòn kim cương làm chủ đầu tư. Tòa tháp SJC Tower nếu được xây dựng sẽ cao 52 tầng và có tổng vốn đầu tư trên 137 triệu USD. Thế nhưng, hiện tại khu đất này cũng đang sử dụng để làm bãi giữ xe.
Thứ ba là dự án Saigon One Tower tại số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, quận 1 được khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011, nhưng mới hoàn thành phần xây thô rồi dừng lại cho đến nay, dù dự án nằm ngay vị trí rất đẹp, đối diện với Ba Son mà hiện nay do Vingoup khai thác.
Được biết, dự án do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 256 triệu USD với quy mô 41 tầng, các chức năng văn phòng, căn hộ cho thuê cao cấp.
Theo ông Doãn Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Cục quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân cho sự chậm trễ triển khai dự án ở các khu "đất vàng".
“Có rất nhiều yếu tố liên quan như các quy định về quy hoạch cũng như các quy định triển khai về vốn… đã tạo ra các rào cản, gây khó khăn trong triển khai dự án, không hẳn chỉ là là về năng lực”, ông Hùng nhận định.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam cho biết, lý do lớn nhất mà nhiều dự án chậm triển khai tại các khu đất này là do khó khăn trong việc đền bù, giải tỏa. Chủ đầu tư mất nhiều thời gian để đi đến sự thống nhất trong phương án về giá đền bù, tái định cư.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đầu tư lớn khác trên thế giới không mặn mà với dự án tại những khu đất này, dù điều kiện tài chính tốt, do gặp quá nhiều thủ tục rườm rà trong thực hiện dự án.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần thẩm định năng lực của chủ đầu tư trước khi cấp giấy phép đầu tư dự án hoặc đưa các dự án ra đấu thầu, buộc chủ đầu tư ký quỹ cam kết phát triển dự án.
“Một vài khu đất sẽ được bán cho các chủ đầu tư khác để tiếp tục kinh doanh. Những khu đất đó hiện tại đã có chủ mới và trong thời gian gần các chủ đầu tư mới sẽ phát triển dự án”, bà Dung nói.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nằm trên các khu "đất vàng", mới đây Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa đã chỉ đạo, rà soát và xử lý các dự án đã được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai thực hiện.
Cụ thể, đối với các dự án đang thi công dở dang, thành phố giao Sở Xây dựng thông báo đến chủ đầu tư yêu cầu nhanh chóng triển khai theo đúng nội dung giấy phép xây dựng đã cấp trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi nhận thông báo để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Nếu quá thời hạn trên chủ đầu tư chưa triển khai lại dự án, Sở Xây dựng thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định hiện hành. Lãnh đạo thành phố cũng cho biết sẽ không cấp phép đầu tư mới cho các chủ đầu tư chậm triển khai dự án.
“Thành phố tạo mọi điều kiện và thúc đẩy các chủ đầu tư tiếp nhận đất triển khai nhanh dự án và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục. Từ nay đến cuối năm các dự án sẽ khởi động lại và nhà đầu tư mới sẽ có đủ năng lực, điều kiện để đưa dự án vào hoạt động”, ông Khoa cho biết.
Hiện nay, dự án Saigon One Tower đã có chủ đầu tư mới chuẩn bị triển khai xây dựng. Những dự án khác nếu đấu giá đúng luật, thành phố sẽ xem xét kiến nghị Trung ương để tháo gỡ khó khăn về quy định.
Theo các chuyên gia, hiện nay vẫn còn khá nhiều lỗ hỗng trong các quy định về định giá đất, đất giá đầu thầu cần phải giải quyết để ngăn tình trạng chủ đầu tư để dự án chậm triển khai tại các khu “đất vàng”.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, lựa chọn được chủ đầu tư đủ uy tín và đủ năng lực thực hiện dự án.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp