15/07/2019 08:55
Nhiều đề xuất hoàn thiện thị trường vàng
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) hôm cuối tuần đã tổ chức Đại hội toàn thể hội viên nhiệm kỳ 4 (2019-2023).
Tại đây, nhiều kiến nghị đóng góp cho hoạt động phát triển thị trường vàng đã được VGTA nêu ra và tổng hợp nhằm từng bước hoàn thiện thị trường vàng chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VGTA, đến thời điểm này, thị trường vàng cơ bản ổn định, đa số các tổ chức, đơn vị kinh doanh vàng trong nước đều vận hành khá suôn sẻ. Tổng hợp của VGTA cho thấy, với vai trò đầu mối, trong giai đoạn 2012-2018 vừa qua hiệp hội này đã rất tích cực các hoạt động phổ biến pháp luật về kinh doanh vàng đến các hội viên và các thành phần tham gia thị trường vàng trong nước.
Theo đó, VGTA đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Ngoại hối (NHNN) phổ biến Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng đến tất cả các hội viên; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị với các đối tác kinh doanh vàng trong và ngoài nước để tuân thủ các quy định về kinh doanh vàng mà Chính phủ và NHNN đã đặt ra nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa và biến tướng kinh doanh vàng gây bất lợi cho điều hành kinh tế vĩ mô.
Ảnh minh họa |
Trong giai đoạn 2012-2018, VGTA cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam… để phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật và các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng đến tất cả các thành viên tham gia thị trường.
Trong suốt 5 năm vừa qua, để tư vấn, tham mưu cho NHNN đưa ra các chính sách phù hợp quản lý thị trường vàng, VGTA đã tập trung đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến hoạt động vay vốn, đầu tư vàng, kinh doanh, xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ và đẩy mạnh hoàn thiện các lỗ hổng pháp lý trong kinh doanh vàng.
Cụ thể, Hiệp hội này đã đề xuất NHNN cho phép các DN có đủ điều kiện kinh doanh vàng được vay vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ; đề xuất hàng loạt cơ chế cho phép các đơn vị được vay vàng của người dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức. Hiệp hội cũng đã kiến nghị NHNN nghiên cứu, sửa đổi một số quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP cho phù hợp hơn với thực tế hiện nay, chẳng hạn: cho phép các đơn vị kinh doanh vàng khi thay đổi, bổ sung mạng lưới kinh doanh thì có thể chủ động hơn trong các chế độ báo cáo; đơn giản hóa các thủ tục cấp phép để các DN có thể chủ động hơn trong việc đăng ký nhập khẩu vàng nguyên liệu…
Về hoạt động xuất nhập khẩu vàng, VGTA cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh các mức thuế cho phù hợp với thực tiễn thị trường. Theo đó, từ đầu 2014, kiến nghị của VGTA cũng đã được Bộ Tài chính chấp thuận và điều chỉnh mức thuế xuất khẩu vàng về 0%, sau đó nâng lên 2% đối với các loại vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ 95% trở lên để giảm tránh các gian lận thương mại.
Ngoài các kiến nghị trên, trong suốt giai đoạn 2012-2018 vừa qua, theo ông Nguyễn Thành Long, VGTA cũng đã đề xuất nhiều quy định nhằm quản lý chuyên nghiệp hơn đối với thị trường vàng tại Việt Nam.
Theo đó, Hiệp hội đã kiến nghị NHNN nghiên cứu để có thể đưa phần quản lý hoạt động sản xuất gia công vàng trang sức mỹ nghệ ra khỏi Nghị định 24/2012/NĐ-CP vì mảng kinh doanh này không còn thuộc về nhóm ngành kinh doanh có điều kiện theo Luật Thương mại.
Hiệp hội cũng đã góp ý với Bộ Tài chính nhằm đưa ra dự thảo Luật thuế liên quan đến lĩnh vực vàng bạc đá quý; góp ý cho dự thảo Thông tư của Bộ Khoa học Công nghệ quy định về quản lý đo lường chất lượng trong kinh doanh vàng. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã kiến nghị với các bộ, ngành liên quan đề xuất, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Trong giai đoạn 2018 đến nay, VGTA cũng là thành viên quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và thực thi Đề án hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 do NHNN khởi xướng và chỉ đạo thực hiện.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement