21/08/2020 16:03
Nhiều Bộ, địa phương xin trả gần 6.400 tỷ đồng vốn đầu tư công
Tổng số vốn đầu tư công mà các Bộ ngành và địa phương đề nghị trả lại là 6.338 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Tại Hội nghị đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hôm nay (21/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện có 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác.
Theo đó, tổng vốn đầu tư công mà các Bộ ngành và địa phương đề nghị trả là 6.338 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ảnh: VGP |
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của 7 Bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương, với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.
Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến cuối tháng 7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến cuối tháng 8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%).
Theo thống kê, hiện có 5 Bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, đặc biệt là các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm.
“Tại sao tình trạng có nơi làm tốt, có nơi hầu như không giải ngân được, do công tác chuẩn bị đầu tư hay người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc, hay nhà đầu tư, cán bộ quản lý, ban quản lý yếu kém”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng, đây là nguồn quan trọng cho tăng trưởng, giải quyết nhiều việc làm. Chỉ còn hơn 4 tháng là kết thúc năm 2020, nhiệm vụ rất nặng nề để giải ngân hết trên 55% số vốn đầu tư còn lại (khoảng 350.000 tỷ đồng).
Ông khẳng định giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ ngành, địa phương cần quán triệt. Ví dụ như khâu giải phóng mặt bằng là một ách tắc, nếu không vào cuộc tích cực, vận động thì sẽ khó khăn.
Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ… Ảnh: TTO |
Một số dự án, công trình quan trọng cần được giải quyết là dự án đường cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ…
Đối với dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 thì tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh quyết toán vốn cho nhà thầu, đừng để kéo dài.
Đối với dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu.
Đối với dự án khởi công mới, khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, sớm thi công.
Đối với các dự án đã hoàn thành, Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh công tác quyết toán, không để dồn lại cuối năm mới quyết toán, có quy định chế tài cụ thể việc này.
Thủ tướng yêu cầu tất cả các Bộ phải rà soát, không để hồ sơ chậm trễ, xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ.
Advertisement
Advertisement