11/09/2017 06:29
Nhập máy đào bitcoin: Chế tài nào quản lý 'tiền ảo', giao dịch thật?
Một doanh nghiệp làm thủ tục xin nhập 100 kiện hàng hóa là thiết bị xử lý dữ liệu bitmain (máy đào tiền bitcoin) nhưng cơ quan hải quan lại lúng túng, chưa có hướng xử lý.
Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam cho thấy, máy đào tiền ảo đã hoạt động công khai từ lâu. Một bộ phận người dân cũng đã chấp nhận tiền ảo. Song, cơ quan quản lý Nhà nước thì vẫn nói không.
Không cho nhập nhưng vẫn bày bán tràn lan
Liên quan đến số máy đào tiền ảo nói trên, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Lô hàng đã về tới kho hải quan hơn nửa tháng nay nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể nhận hàng. Lý do là lô hàng không thuộc diện cấm nhập khẩu nhưng cũng không nằm trong bất cứ danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu nào mà pháp luật Việt Nam đang điều chỉnh”.
“Đồng thời, tiền ảo vẫn chưa được thừa nhận tại Việt Nam nên chưa có cơ sở để cho doanh nghiệp thông quan. Do đó, tổng cục Hải quan đã có công văn gửi 3 cơ quan (Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước) cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất phương án xử lý”, vị này cho biết thêm. Theo tìm hiểu của PV, lô hàng nói trên được nhập về từ Trung Quốc và là hàng của doanh nghiệp A.VN. có địa chỉ tại quận 1 (TP.HCM).
Trong khi cơ quan chức năng lúng túng trong việc cho doanh nghiệp nhập khẩu loại máy này thì trên thực tế, các máy đào tiền ảo vẫn đang được chào bán và hoạt động rầm rộ tại nhiều điểm trên cả nước. Tại TP.HCM, hiện đang có hai dòng máy được các điểm kinh doanh rao bán là máy chuyên dụng và máy PC được gắn thêm VGA, cài thêm phần mềm để đào bitcoin và các loại tiền ảo khác.
Theo kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Đăng Ngọc (hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài tại Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, TP.HCM): “Dòng máy chuyên dụng có ưu điểm là đào tiền ảo cực tốt. Nhưng máy cũng có hạn chế là chỉ đào được mỗi tiền bitcoin. Máy PC phải lắp ghép, có thể đào được nhiều dòng tiền ảo khác ngoài bitcoin như: Etherum, litecoin...”.
Để rõ hơn về các loại máy đào tiền ảo này, PV đã đến một số điểm cung cấp thử tìm mua. Tại một điểm cung cấp máy đào tiền ảo chuyên dụng trên đường Nguyễn Phúc Chu (quận Tân Bình), người tên Hải cho biết: “Gần đây, khách tìm mua máy này khá nhiều. Hiện, bên em bán với giá 60 triệu đồng/máy. Nếu mua, anh phải đặt hàng, ít nhất vài ba ngày sau mới có”.
Ngoài các loại máy chuyên dụng đào tiền ảo, trên thị trường cũng xuất hiện hàng loạt “phụ kiện”, linh kiện đi kèm như: Mainboard, card, nguồn... đáp ứng việc lắp ráp, nâng cấp máy cho người dùng. Theo tìm hiểu của PV, tại Việt Nam con số thống kê chưa chính thức cho thấy có cả triệu người tham gia “đào coin” để tìm kiếm tiền.
Chấp nhận hay tẩy chay?
Các chuyên gia cho rằng, phải xem đây là “tiền điện tử”, chứ không phải “tiền ảo”, vì nó được giao dịch thật và nên tập trung quản lý. Vào thời điểm PV viết bài này, trên “chợ bitcoin”, giá bán đang ở mức gần 95,2 triệu đồng/bitcoin và giá mua cũng gần 93,7 triệu đồng/bitcoin. Theo một số chuyên gia tài chính thì việc chấp nhận hay không đồng tiền ảo đang là vấn đề “nhạy cảm”. Bởi, sự tiện lợi và linh hoạt của loại tiền này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để quản lý và phát huy hiệu quả của nó lại là việc không đơn giản.
Luật sư Nguyễn Đình Thái, đoàn Luật sư TP.HCM đưa ra ví dụ: “Ngày trước, chúng ta phản ứng Grab, Uber bao nhiêu thì bây giờ đang sử dụng họ bấy nhiêu. Bởi không ai phủ nhận sự linh hoạt, tiện lợi và giá rẻ của các hãng vận chuyển này. Chỉ cần thông qua trung gian, người dùng có thể dễ dàng di chuyển với chiếc smartphone của mình. Và hiện nay, pháp luật đã có các quy định để điều chỉnh với loại hình này. Tương tự, tôi tin rằng, tiền ảo sẽ có chỗ đứng, vấn đề là thời gian sớm hay muộn. Thực tế thì nó đã tồn tại ở Việt Nam rồi”.
Cũng theo luật sư này: “Để đưa đồng tiền này vào thị trường, rất cần công cụ quản lý của Nhà nước. Chúng ta có thể cho thí điểm ở một số lĩnh vực, sau đó dần dần mở rộng ra sẽ hợp lý hơn. Còn nếu chúng ta cứ chạy theo nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Trí Hiếu cũng cho rằng, sự gia tăng một cách mạnh mẽ của người chơi đồng tiền này khiến cho giá trị của nó ngày một tăng lên. Việc đồng tiền này hiện rơi vào khoảng trên 4.000 USD/bitcoin so với lúc khởi điểm chỉ khoảng dưới 1 USD/bitcoin đã nói lên điều đó.
“Do đó, chúng ta cần phải có biện pháp để quản lý theo hướng chấp nhận như một loại hàng hóa mang tính chất tiền tệ. Nghĩa là chấp nhận việc người chơi bitcoin giao dịch, trao đổi với nhau và chỉ có giá trị trong phạm vi đó nhưng không cho phép thanh toán mua bán hàng hóa như tiền”, TS.Hiếu nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những “biến tướng” của đồng tiền này khi du nhập vào Việt Nam. TS. Hà Văn Dũng, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, dù nhiều quốc gia phát triển đã chấp nhận đồng tiền này, tuy nhiên, khi vào Việt Nam, đồng tiền ảo bị biến tướng thành đa cấp.
“Bản thân đồng tiền điện tử là phục vụ nhu cầu thực tế của xã hội nhưng một số thành phần đã lợi dụng việc tăng giảm, có lãi suất tăng cao của nó trong giai đoạn ngắn hạn để tuyên truyền sai sự thật, đánh vào lòng tham của mọi người. Nhiều người đã tin vào những lời quảng cáo có cánh, không nắm được thị trường đã mua với giá cao nhưng sau đó bị rớt giá thê thảm.
Vì thế, không ít người đã lún sâu vào việc ham làm giàu nhanh dẫn tới phá sản. Do đó, khi quyết định đầu tư đồng tiền này, người đầu tư tìm hiểu kỹ. Bởi, không có sản phẩm nào, kể cả tiền điện tử có lợi nhuận mà không có rủi ro”, TS. Dũng phân tích.
TS. Dũng cho rằng: “Để loại tiền này không bị lợi dụng và có công dụng đúng như bản thân nó hình thành, chúng ta nên tập trung quản lý. Việt Nam cần phải xây dựng các quy định để cho phép các sàn giao dịch tiền điện tử ra đời, như chứng khoán. Kinh nghiệm về các sàn này có thể tham khảo ở một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc – những quốc gia mà tôi cho rằng đang quản lý tốt loại tiền này. Theo đó, sẽ cho các công ty giao dịch trên sàn nhưng bắt buộc họ phải chứng minh được vốn, năng lực tài chính và một số yêu cầu khác liên quan”.
Đã có đề án
Theo thông tin PV có được, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án (Quyết định số 1255/QĐ-TTg) hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan... dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2018.
Bên cạnh đó, bộ Tư pháp sẽ chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo (hoàn thành vào tháng 12/2018); nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo (hoàn thành vào tháng 9/2019); nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo (hoàn thành vào tháng 12/2020). Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8/2018 phải hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong một thông cáo báo chí phát đi vào 27/2/2014, NHNN cho rằng: “Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và NH, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ”. Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, phía NHNN cho rằng: “Về bản chất tiền điện tử chính là tiền thật nhưng được các ngân hàng giao dịch thanh toán qua mạng nên gọi là điện tử. Còn tiền ảo, tài sản ảo là không hề có thật”.
Advertisement
Advertisement