Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhận định chứng khoán tuần 4-8/12: Đà tăng của VnIndex có thể tiếp tục

Chứng khoán

03/12/2017 18:30

Chỉ số VnIndex trong tuần tới sẽ nhanh chóng quay lại trạng thái tăng điểm, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức tốt, xu hướng tăng vẫn đang vững vàng.

Khớp lệnh nhiều nhất trong lịch sử

Tuần giao dịch từ 27/11- 1/12, thị trường đón nhận khá nhiều thông tin tích cực, từ việc Bộ Công Thương công bố thông tin đợt chào bán tiếp 343.662.587 cổ phần Nhà nước của Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn-Sabeco (SAB), Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) thuộc Bộ Xây dựng thực hiện thoái vốn Nhà nước.

Việc thoái vốn cổ phần nhà nước không những giúp cho thị giá của các cổ phiếu này tăng đột biến mà còn giúp cho thị trường chung giao dịch tích cực trong tuần qua.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VnIndex tăng 24,76 điểm lên 960,33 điểm. HnxIndex tăng 4,66 điểm lên 115,49 điểm. Thanh khoản trên hai sàn trung bình mỗi phiên hơn 7.300 tỉ đồng. SAB là một trong những trụ đẩy mạnh nhất trên thị trường trong các phiên giữa tuần. Kết thúc tuần vừa rồi, cổ phiếu SAB có mức tăng trưởng 3,5%.

Ngoài ra, thị trường còn được dẫn dắt bởi các mã lớn khác như VNM của Vinamilk tăng trưởng tới 5,9%, MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan tăng 6,5%, BHN của Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội tăng 7,9%.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy diễn biến phân hóa đã diễn ra ở nhóm cổ phiếu lớn. Cụ thể là tại phiên giao dịch ngày 28/11 và 30/11 sự phân hóa diễn ra khá mạnh do áp lực chốt lời gia tăng.

Kết thúc tuần qua, chỉ số VnIndex đang ở mức 960,33 điểm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tuần từ 4-8/12.
Kết thúc tuần qua, chỉ số VnIndex đang ở mức 960,33 điểm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tuần từ 4-8/12.

Mặc dù vậy thị trường vẫn có xu hướng tăng khá ổn định, nhờ dòng tiền luân chuyển đều đặn giữa các mã trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VnIndex dễ dàng vượt qua mốc 940, 950 và 960 nhờ các mã VNM, SAB, VIC, MSN, VRE, BVH… thay phiên nhau đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường.

Theo giới phân tích, kịch bản trên có thể sẽ tếp tục diễn ra trong tuần tới và thị trường nhiều khả năng tiếp tục tăng điểm nhờ vào sự luân phiên dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Diễn biến của thị trường tuần qua cũng cho thấy, dòng tiền đang có sự lan tỏa khá tốt giữa các nhóm ngành cổ phiếu khác nhau. Điển hình như nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng và nhóm cổ phiếu chính dầu khí đều có mức tăng trưởng rất mạnh.

Cụ thể, trong nhóm cổ phiếu ngân hàng gần như tất cả các mã đều tăng trưởng như SHB tăng 13,3%, MBB tăng 3%, STB tăng 4,8%, VPB tăng 2,9%, CTG tăng 2,8%, ACB tăng 3,2%, VCB tăng 1,9%, BID tăng 0,8%, NVB tăng 15,9%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tích cực do ăn theo diễn biến giá dầu thế giới, với các cổ phiếu tiêu biểu như PLX tăng 8,3%, PVS tăng 3,8%, GAS tăng 2%.

Sự tích cực không chỉ dừng lại tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu trụ cột mà còn lan sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điển hình là mã DIG của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng. DIG có khối lượng giao dịch đột biến hơn 30 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 538% so với tuần trước đó. Đây cũng là con số kỷ lục mà DIG đạt được.

Sự tích cực của cổ phiếu DIG có được từ câu chuyện thoái vốn Nhà nước. Theo đó giao dịch của cổ phiếu DIG tăng mạnh từ giữa tháng 11, sau khi thông tin Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ hơn 118 triệu cổ phiếu, tương đương gần 50% vốn điều lệ từ 17/11-16/12/2017.

Tuy nhiên trong tuần qua, phiên giao dịch ngày 28/11, Bộ Xây dựng đã chính thức thoái hết gần 50% vốn tại DIG. Đây là phiên giao dịch mà DIG khớp hơn 128 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu DIG tăng giá từ 7.740 đồng/cổ phiếu ở ngày 3/1 lên mức giá 20.650 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên giao dịch ngày 1/12. Như vậy cổ phiếu DIG đã tăng hơn 166,7% kể từ đầu năm.

Sự hưng phấn lan rộng ra toàn thị trường, thể hiện rõ ở chuỗi bứt phá mạnh của nhiều cổ phiếu nóng như TDG của Công ty Cổ phần Dầu khí Thái Dương tăng tới 18,9%, HVG của Công ty Cổ phần Hùng Vương tăng 14,5%, DLG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tăng 12%, FCN của Công ty Cổ phần FECON tăng 10,2%…

Đáng chú ý, cổ phiếu ngành điện đã có cơ hội bứt phá mạnh trong tuần giao dịch qua do thông tin tăng giá điện. Theo đó, ngày 1/12 giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành.

Trước khi có quyết định tăng giá điện có hiệu lực và được công bố thì hàng loạt cổ phiếu ngành điện đã tăng giá khá mạnh. Sự tăng giá của các cổ phiếu này thể hiện rõ nét nhất trong tháng 11 khi vấn đề tăng giá điện được đề cập nhiều.

Cụ thể, giá cổ phiếu PPC của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đã tăng 5 phiên liên tiếp kể từ 27/11đến 1/12. Cổ phiếu PPC đã tăng từ mức giá 20.950 đồng ở phiên giao dịch 1/11 lên mức giá 24.250 đồng trong phiên giao dịch 1/12. Như vậy cổ phiếu PPC đã tăng giá trên 15,7% kể từ đầu tháng 11 đến nay.

Diễn biến và số lượng các mã tăng, giảm và đứng giá trên thị trường chứng khoán trong tuần qua, từ ngày 27/11-1/12.
Diễn biến và số lượng các mã tăng, giảm và đứng giá trên thị trường chứng khoán trong tuần qua, từ ngày 27/11-1/12.

Cổ phiếu SEB của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung tăng 6,5% trong tháng 11 và tiếp tục tăng tới 3,2% vào phiên giao dịch ngày 1/12.

Giá cổ phiếu TMP của Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ cũng tăng mạnh liên tiếp hồi giữa tháng 11. Kết thúc tháng 11, cổ phiếu TMP đạt 33.500 đồng, tăng hơn 5% so với đầu tháng. Tuy nhiên đến phiên giao dịch ngày 1/12 cổ phiếu này lại điều chỉnh giảm 4,48%.

Cổ phiếu VSH của Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh tăng 5,35% từ đầu tháng 11 cho đến nay. SBA của Công ty Cổ phần Sông Ba tăng hơn 7,32% trong tháng 11 và tiếp tục tăng 2,32% trong phiên giao dịch 1/12.

Giới quan sát cho rằng, trong những lần EVN tăng giá điện trước đây, cổ phiếu ngành điện cũng được đà tăng theo, mặc cho thị trường chung không mấy thuận lợi.

Nhìn vào diễn biến thị trường tuần qua có thể thấy, dòng tiền đang đổ vào thị trường, thanh khoản trên hai sàn ở mức cao với trung bình mỗi phiên hơn 7.300 tỉ đồng. Đặc biệt sự sôi động được thể hiện qua khối lượng khớp lệnh trong tuần qua trên sàn HOSE lớn nhất trong lịch sử với gần 1,2 tỉ cổ phiếu.

Một điểm tích cực nữa của thị trường là nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 1.808 tỉ đồng trên cả hai sàn trong tuần giao dịch vừa qua. Trong đó, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 1.561 tỉ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 247 tỉ đồng.

Đà tăng trưởng vững vàng

Với những diễn biến của thị trường hiện tại, các công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá tích cực cho diễn biến tuần giao dịch sắp tới. Trong đó nghiêng về quan điểm xu hướng tăng vẫn đang vững vàng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC cho rằng, các chỉ số nhanh chóng quay lại trạng thái tăng điểm. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức tốt. Xu hướng tăng vẫn đang vững vàng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội-SHS nhận định, với tình hình hiện tại thì đà tăng có thể tiếp tục trong tuần tới, tuy nhiên mức tăng có thể bị thu hẹp do áp lực chốt lời từ nhà đầu tư. SHS dự báo, trong tuần giao dịch 4-8/12, VnIndex có thể tiếp tục tăng điểm để chinh phục ngưỡng tâm lý tiếp theo tại 970 điểm.

Nhiều nhà đầu tư lạc quan,chỉ số VnIndex trong tuần 4-8/12 có thể đạt ngưỡng 1.000 điểm.
Nhiều nhà đầu tư lạc quan,chỉ số VnIndex trong tuần 4-8/12 có thể đạt ngưỡng 1.000 điểm.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC, việc dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các Bluechips thuộc các nhóm ngành khác nhau đã và đang tạo ra trụ đỡ vững chắc cho chỉ số VnIndex. Các phiên điều chỉnh sâu vì thế cũng khó diễn ra. Dòng tiền được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn này trong các phiên đầu tuần tới.

Sự lan tỏa sang nhóm Midcap (cổ phiếu vốn hóa vừa) và Penny (cổ phiếu vốn hóa nhỏ) có thể cũng sẽ diễn ra nhưng hiệu ứng nhiều khả năng không thật sự mạnh và vững chắc.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Maritime-MSI cho rằng, các chỉ số chính của thị trường tiếp tục nằm ngoài khả năng điều chỉnh của các chỉ báo kỹ thuật chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Rủi ro thị trường vẫn ở mức rất cao.

Do đó MSI bảo lưu quan điểm thận trọng và kiểm soát rủi ro chặt chẽ. Tuần tới, sự phân hóa mạnh mẽ của thị trường vẫn có thể tiếp diễn, xuất hiện các cơ hội ngắn hạn, phù hợp với các nhà đầu tư chịu đựng được rủi ro cao.

Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT-FPTS nhận định, dù xu hướng thị trường chung vẫn đang thể hiện sự tích cực cao độ nhưng theo quan sát thì nhóm cổ phiếu trụ cột đang có dấu hiệu phân hóa mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, nhiều cơ hội cũng đang được nhận diện tại những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nhưng chưa tăng giá.

Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc việc cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỉ trọng cổ phiếu đã tăng nóng và tìm kiếm cơ hội tại các mã cơ bản chưa tăng để tận dụng tốt hơn hiệu ứng lan tỏa của dòng tiền trên các ngưỡng đỉnh cao mới cũng như giảm thiểu rủi ro nếu rung lắc mạnh tái diễn.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement