Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhạc Bolero bùng nổ: 'Thực sự phù hợp thì hãy đụng vào'

Thời trang

23/08/2017 01:50

Thủy Tiên chuẩn bị làm album Bolero để "đổi gió". Trước đó, nhiều ngôi sao nhạc trẻ như Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương và cả nhạc đỏ như Anh Thơ cũng dấn thân vào dòng nhạc này.

Ca sĩ chạy theo trào lưu vốn không phải là biểu hiện xa lạ trong làng nhạc Việt. Vào giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước, bắt nguồn từ việc một số giọng ca hải ngoại như Ngọc Lan, Tô Chấn Phong "làm mưa làm gió" với những ca khúc nhạc Hoa lời Việt, nhiều ca sĩ trẻ trong nước cũng đổ xô vào "mảnh đất" này.

Thị trường nhạc Việt khi đó còn xuất hiện những nhạc sĩ chuyên đặt lời Việt cho các ca khúc nhạc Hoa. Một loạt gương mặt ca sĩ trẻ như Đan Trường, Lam Trường, Cẩm Ly nổi lên nhờ bắt kịp xu thế.

Những năm gần đây, nhạc Bolero bùng nổ chưa từng thấy. Đâu đâu cũng thấy Bolero, từ sân khấu lớn đến sân khấu nhỏ. Game show về Bolero cũng phủ sóng truyền hình. Giữa cơn bão đó, một "mốt mới mà cũ" được hình thành. Đó là ca sĩ Việt đổ xô hát Bolero.

Hồ Việt Trung - một trong những ca sĩ rẽ hướng thành công từ nhạc trẻ sang nhạc bolero.

Những phép thử thành công và trào lưu bùng nổ

Những phép thử đầu tiên với Bolero được bắt đầu từ các giọng ca có tiếng như Phương Thanh hay Hồ Quỳnh Hương. Cả hai đều đã làm album Bolero. Một giọng ca chuyên trị nhạc Pop-Ballad khác là Nam Cường cũng có CD của dòng nhạc này. Và mới đây, Thủy Tiên cũng tiết lộ trênZing.vnvề việc chuẩn bị ra mắt một album Bolero để "thay đổi".

Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương, Nam Cường... được cho là vẫn hát Pop-Ballad là chính, và chỉ chuyển sang Bolero để "đổi gió". Nhưng một số ca sĩ khác sau khi chuyển từ nhạc nhẹ sang Bolero thì đã ở luôn "mảnh đất" này. Lệ Quyên là một ví dụ tiêu biểu.

Đến nay, Lệ Quyên trở thành một trong những giọng ca đắt show, kiếm bội tiền nhờ Bolero. Và không khó để nhận ra, nhờ chuyển sang dòng nhạc còn bị nhiều người đánh giá là "sến" này, Lệ Quyên mới có được tên tuổi của ngày hôm nay.

Trước Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng cũng chuyển sang hát Bolero và thành công không kém. Giọng caSay tìnhcòn vừa làm hẳn đêm nhạc tại TP.HCM về dòng nhạc này.

Thực tế, Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương hay cả Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên đều không được đánh giá là sở hữu giọng "Bolero thuần". Tuy vậy, Mr. Đàm và Lệ Quyên vẫn có chất Bolero trong cách xử lý ca khúc và được nhiều người yêu thích.

Từ sự thành công của hai giọng ca này, nhiều ca sĩ trẻ cũng tấn công Bolero bởi không chỉ hợp "mốt" mà còn đắt show, dễ kiếm tiền, dễ lên truyền hình và hiển nhiên dễ nổi tiếng.

Hồ Việt Trungtừ lâu đã là cái tên ăn khách của thị trường miền Tây, miền Trung nhờ nhiều bài hit của dòng nhạc trẻ và chuỗi phim ngắn hài - ca nhạcGiải cứu tiểu thưnhận hàng chục triệu lượt xem trên YouTube.

Tuy nhiên một năm trở lại đây, giọng ca miền Tây chính thức thử sức với dòng nhạc Bolero từ chương trình Tuyệt đỉnh song ca phiên bản Cặp đôi vàng được tổ chức cuối năm 2016.

Nói về cơ duyên rẽ hướng sang Bolero, anh nói mình được nhiều anh chị trong nghề nhận xét chất giọng có “màu” và cách nhấn nhá ra chất Bolero, nếu đi theo con đường này sẽ có cơ hội thành công.

Cộng thêm đam mê có sẵn nên anh nên muốn thử sức và học hỏi thêm bằng cách tham gia một game show. Tại Tuyệt đỉnh song ca, anh lần đầu hát Bolero và may mắn là các fan rất ủng hộ. Sau đó, nam ca sĩ tham gia tiếp chương trình Hãy nghe tôi hát và được giải á quân

Hỏi Hồ Việt Trung việc hát Bolero để có thể diễn ở trong nước lẫn hải ngoại, kiếm được nhiều tiền, anh trả lời:“Theo tôi, nói Bolero kiếm tiền nhiều là không đúng.

Dòng nhạc này rất kén khán giả. Những người nghe nhạc Bolero thường lớn tuổi, ít khi nghe nhạc ở tụ điểm, do đó, nếu muốn kéo họ đến sân khấu không phải là điều đơn giản. Hơn nữa, hát Bolero cũng cần có sự đầu tư chỉn chu vì thể hiện dòng nhạc này không đơn giản”.

Tương tự, nhiều ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc Bolero khá đắt show hiện nay đều có xuất phát không hề “liên quan”. Ví dự như Thu Hằng, quán quân Solo cùng Bolero mùa 2 xuất thân từ học Trung cấp nhạc viện, khoa nhạc cụ dân tộc.

Quán quân Thần tượng Bolero mùa 1 Trung Quang học chuyên ngành opera thính phòng của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. “Ngọc nữ Bolero” Tố My tốt nghiệp cử nhân luật.

Đáng nói hơn, ngoài những giọng ca tên tuổi chuyển sang hát Bolero để "đổi gió" hoặc những ca sĩ trẻ theo đuổi Bolero như chạy theo số đông, một số ca sĩ nhạc đỏ có tiếng cũng để ngỏ khả năng hát Bolero.

Công chúng nhạc thính phòng gần đây không khỏi "giật mình" khi Lan Anh - một giọng ca thính phòng hàng đầu Việt Nam - hát Bolero trên truyền hình, tự quay clip hát Bolero đăng trên trang cá nhân. Trước câu hỏi về việc liệu có chuyển sang hát Bolero khi nhạc này đang thịnh, Lan Anh trả lời úp mở: "Chuyện tương lai, chưa biết được".

Anh Thơ trong một lần song ca với Chế Linh trên sân khấu. Ảnh:Quang Minh.

Trước đó, Anh Thơ - giọng ca nhạc đỏ "chạy không hết show" - cũng hát Bolero trong đêm nhạc Chế Linh, thậm chí còn song ca với đàn anh một ca khúc không thuộc sở trường.

Không ít người đặt câu hỏi tại sao chưa thấy ca sĩ Bolero thuần nào chuyển sang theo đuổi nhạc thính phòng, vậy mà một số ca sĩ thính phòng lại sẵn sàng hát Bolero. Địa hạt và con đường riêng biệt của ca sĩ liệu có tồn tại không, và nếu tồn tại thì ranh giới nằm ở đâu?

Khi giọng ca nhí hát Bolero

Một hiện tượng đáng chú ý lànhiều giọng ca nhí, xuất thân từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em cũng được định hướng thể hiện các sáng tác bolero chủ đề quê hương, đất nước, tình cảm gia đình.

Cô bé Thiện Nhân vừa 14 tuổi nhưng đã cùng Cao Công Nghĩa đăng quang cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca - Cặp đôi vàng khi chinh phục loạt ca khúc Bolero nổi tiếng nhưDuyên phận - Vùng lá me bay, Hạ buồn, Chuyện đêm mưa, Gái nhà nghèo… Thời điểm đêm chung kết The Voice Kids 2014, cô bé đến từ Bình Định cũng nhận nhiều lời khen khi thể hiện ca khúc BoleroĐèn khuya.

Chia sẻ về định hướng của Thiện Nhân, thầy của cô bé là nhạc sĩ Minh Vy chia sẻ bản thân và bà xã Cẩm Ly không hề ép cô bé hay bất cứ học trò nào theo một dòng nhạc nhất định mà chỉ vạch ra đâu là con đường phù hợp.

Theo thời gian trải nghiệp với nhiều dòng nhạc, Thiện Nhân sẽ lựa chọn dựa trên thế mạnh và đam mê của mình. Với cô bé này do có sẵn thế mạnh ở dòng nhạc dân ca miền Bắc lẫn Nam bộ nên chuyển sang Bolero có lợi thế hơn.

Thiện Nhân và Cao Công Nghĩa giành quán quân Tuyệt đỉnh song ca phiên bản Cặp đôi vàng.

Hay như Phương Mỹ Chi, với sở trường dân ca cùng sự đầu tư của gia đình và ba nuôi Quang Lê, cô bé không khó để chuyển sang dòng nhạc Bolero. Các bản thuChờ người,Con đường xưa em đi,Ngày buồn,Tôi vẫn nhớcủa Mỹ Chi nhận nhiều lời khen nhờ cách hát chỉn chu, mượt mà không thua kém các ca sĩ trưởng thành.

Dĩ nhiên, cả hai vẫn chưa dám thể hiện các ca khúc có chủ đề tình yêu đôi lứa vì chưa đủ tuổi cũng như chưa có nhiều trải nghiệm.

Lớn hơn Thiện Nhân và Phương Mỹ Chi là Jang Mi và Quỳnh Trang, hai giọng ca được xem như lớp kế thừa sáng giá các ca sĩ nữ hát bolero vừa có thanh lẫn sắc là Jang Mi và Quỳnh Trang.

Sở hữu chất giọng đẹp, ngoại hình sáng, hai cô gái vừa bước qua tuổi 20, 21 này hoàn toàn có cơ hội phát triển trong dòng nhạc trẻ. Vì sao họ lại chọn hát Bolero?

Với Jang Mi, cô cho biết “mối tình” này được bắt nguồn từ thói quen nghe nhạc của gia đình. Được nghe những giai điệu nhẹ nhàng, mượt mà của dòng nhạc này từ nhỏ, nên đến khi lớn lên, bolero thấm sâu vào máu của Jang Mi như một lẽ thường tình. Để đầu tư thêm tương lai, hàng ngày Jang Mi vẫn đến lớp thanh nhạc thay vì hài lòng với thành công có sẵn.

Trong khi đó, Quỳnh Trang chia sẻ Bolero với cô là lựa chọn duy nhất bởi từ 4 tuổi đã nghe Bolero và tập tành hát theo. Giọng ca được khán giả ưu ái gọi “thiên thần Bolero” thú nhận hầu như không nghe bất cứ dòng nhạc nào khác ngoài Bolero.

Và hai cô gái vẫn rất đắt show, vẫn được khán giả ủng hộ vô điều kiện khi chọn đi trên con đường không hề dễ dàng này.

'Phù hợp với Bolero thì hãy đụng vào'

Trước làn sóng ca sĩ Việt đổ xô hát Bolero, bình luận vớiZing.vn, Tùng Dương cho rằng đó là lựa chọn không khôn ngoan vì nếu không có chất thực sự có thể thất bại.

Trong khi đó, ca sĩ Tuấn Hiệp - người có nhiều năm hát và nghiên cứu nhạc Bolero - khẳng định nhiều ca sĩ trẻ sau khi loay hoay với những dòng nhạc khác không thành mới quyết định chọn Bolero vì nghĩ rằng Bolero dễ thành danh, dễ kiếm tiền, dễ có đất sống.

"Nhưng thực tế không phải vậy, theo đuổi Bolero không hề đơn giản. Hát dòng nhạc này, trước hết phải có tình, tình cảm là yếu tố quan trọng nhất, sau đó mới đến các yếu tố khác. Biết áp dụng thanh nhạc vào Bolero cũng rất tốt nhưng cần áp dụng một cách tự nhiên, không có chủ đích", Tuấn Hiệp nhấn mạnh.

Lệ Quyên có chung quan điểm như vậy. Trả lờiZing.vnmới đây, "nữ hoàng phòng trà" cho biết: "Một yếu tố là phải thực sự phù hợp với Bolero thì hãy đụng vào, còn không rất khó được đón nhận".

Lệ Quyên là một trong những giọng ca Bolero đắt show nhất hiện nay.

Khác với quan điểm của ca sĩ Tuấn Hiệp hay Lệ Quyên, danh ca Chế Linh - một tên tuổi gạo cội của Bolero - lại thấy hạnh phúc khi có nhiều giọng ca trẻ chọn Bolero để theo đuổi.

Nhưng trước câu hỏi về việc nhiều ca sĩ trẻ hát Bolero theo cách mới, ông thẳng thắn: "Theo tôi thì tùy không gian, thời gian các bạn có thể thay đổi tiết tấu để những ca khúc bolero trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng xin đừng phá nó".

Lời than "Xin đừng phá nó" của Chế Linh không phải là không có căn cứ. Rõ ràng, Bolero chẳng những đang bùng nổ ngoài sức tưởng tượng mà còn bị "lẩu thập cẩm" vì quá nhiều người không có chất nhưng vẫn đứng trên sân khấu hát theo một cách nào đó.

QUANG THẮNG - PHƯƠNG GIANG (Zing)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement