19/11/2019 15:10
Nhà xây không phép có được đăng ký tạm trú?
Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là bước không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký cư trú. Vậy, nhà xây không phép có đăng ký tạm trú được không?
Các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú
1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở (đã có nhà ở trên đất đó);
- Giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã);
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
- Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở.
Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của UBND cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.
2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp:
- Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
Lưu ý:
Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân không cần công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã;
Nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Ví dụ: Diện tích ở bình quân đối với nhà thuê đến hết năm 2020 để được đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội tối thiểu là 15m2 sàn/đầu người (Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND được kéo dài thời hạn áp dụng theo Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND).
3. Giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo về việc công dân có chỗ ở;
4. Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức);
5. Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu nêu trên.
Nhà xây không phép đăng ký tạm trú được không?
Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Và trước khi xây dựng công trình, chủ nhà/ chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng trừ 10 trường hợp được miễn giấy phép.
Thêm vào đó, như đã nêu ở trên, đối với trường hợp phải cấp phép thì giấy phép xây dựng là giấy tờ bắt buộc để chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú.
Do vậy, trường hợp nhà xây dựng không có giấy phép mà không thuộc trường hợp được miễn giấy phép thì sẽ không đăng ký tạm trú tại đó được.
(Nguồn: LuatVietNam)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp