Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhà ở mở rộng cửa đón khách ngoại

Luật Nhà ở đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng cởi mở hơn để người nước ngoài, Việt kiều dễ dàng sở hữu nhà tại Việt Nam.

Khuyến khích người nước ngoài mua nhà

Chính sách cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước bắt đầu được quy định tại Nghị quyết số 19/2008 của Quốc hội. Tiếp đó, Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không nhiều, khoảng hơn 3.000 căn. Phân khúc chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Người nước ngoài mua nhà chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malaysia…

Do vậy, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, bên cạnh việc kế thừa luật cũ, cơ quan soạn thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Chẳng hạn, theo Bộ Xây dựng, không nên quy định người nước ngoài phải có quốc tịch Việt Nam mới được mua, sở hữu nhà ở, mà chỉ cần quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam” như dự thảo Luật. Đồng thời, không cần thiết phải quy định người nước ngoài phải mua nhà thông qua tổ chức trung gian.

Nhà ở mở rộng cửa đón khách ngoại - Ảnh 1.

Hiện tại, không dễ để người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở trong nước. Ảnh: Lê Toàn

Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, đây là chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế, do đó không nên thu hẹp phạm vi đối tượng. Việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước, bởi pháp luật hiện hành cũng như dự thảo luật mới đã có các quy định chặt chẽ về điều kiện mua và sở hữu nhà của các đối tượng này.

Chẳng hạn, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở trong dự án nhà ở thương mại, dự án phải nằm trong khu vực được phép bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu quá 30% căn hộ trong một tòa nhà hoặc không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trong dự án. Người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tối đa 50 năm…

Là người nước ngoài sinh sống lâu năm tại Việt Nam, ông Kenneth M Atkinson, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, cần thiết phải xây dựng luật pháp và quy định rõ ràng việc phê duyệt bán nhà cho người nước ngoài và Việt kiều. Cần sửa đổi các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để phù hợp với thực tế hiện nay.

“Tại Thái Lan, người dân châu Âu sinh sống làm việc rất nhiều. Thực tế này giúp đẩy mạnh phát triển địa ốc cũng như du lịch, bởi khi họ có nhà tại Thái Lan, họ sẽ quay lại hàng năm. Tương tự, nếu Việt Nam nới điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà thì họ cũng sẽ thường xuyên quay lại”, ông Kenneth M Atkinson nhấn mạnh.

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (Việt kiều Canada) cũng cho rằng, cần sửa đổi chính sách để Việt kiều có thể dễ dàng mua bất động sản tại Việt Nam. Nếu điều này được thực hiện, nguồn kiều hối (ước tính vào năm 2023 khoảng 19,2 tỷ USD) có thể được sử dụng nhiều hơn để vực dậy thị trường bất động sản.

Hiện tại, nhiều Việt kiều mong muốn định cư tại Việt Nam, nhưng họ gặp khó khăn trong việc mua nhà, cũng không biết nơi mua, giá cả và quyền sở hữu như thế nào. Ông Peter Hồng lưu ý rằng, nhiều Việt kiều đã sống hàng chục năm ở nước ngoài, gửi tiền vào ngân hàng không có lãi suất, thậm chí còn phải trả phí. Do đó, họ muốn đầu tư, mua bất động sản tại Việt Nam và để lại cho con cháu trong tương lai thì cần sửa đổi luật để thu hút nguồn vốn rất lớn này.

Tăng sức cầu hàng cao cấp

Cần sửa đổi chính sách để Việt kiều có thể dễ dàng mua bất động sản tại Việt Nam. Nếu điều này được thực hiện, nguồn kiều hối (ước tính vào năm 2023 khoảng 19,2 tỷ USD) có thể được sử dụng nhiều hơn để vực dậy thị trường bất động sản.

Được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội mới đây, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã thu hút sự quan tâm theo dõi từ các thành viên thị trường bất động sản với mong muốn có thêm sức cầu từ nguồn lực tài chính từ bên ngoài.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, có thể xem xét mở rộng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo thêm động lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, khi việc sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam thuận lợi hơn sẽ kích cầu sản phẩm nhà ở cao cấp.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Kinh doanh, CBRE Việt Nam, năm 2022, nguồn cung căn hộ cao cấp và hạng sang tại TP.HCM chiếm tới 94% tổng nguồn cung mới. Tại Hà Nội, tình trạng lệch pha cung - cầu cũng đang lặp lại kịch bản của TP.HCM, khi sản phẩm hạng sang và cao cấp đang chiếm tới 56% tổng nguồn cung mới và dự báo trong 3 năm tới, đa phần nguồn cung mới tại địa bàn Thủ đô cũng thuộc phân khúc trung và cao cấp.

Đại diện CBRE Việt Nam cho biết, người nước ngoài đánh giá rất cao thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng khó khăn về pháp lý đang là rào cản chính. CBRE đã thực hiện nhiều giao dịch với người nước ngoài và nhận thấy nhu cầu của họ rất cao. Trong gần 10 năm qua, với gần 5.000 giao dịch đã được CBRE thực hiện, có tới 45% thuộc về khách hàng nước ngoài, dẫn đầu là khách hàng Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore..., tiếp đó là châu Âu, Mỹ.

Theo ông Kiệt, phân khúc khách hàng nước ngoài đang có sự chuyển dịch rõ ràng. Ở TP.HCM, trên 75% nhu cầu tập trung ở khu Đông và đang chuyển dịch sang phía Nam và khu trung tâm. Chủng loại sản phẩm cũng thay đổi, khoảng 5-6 năm trước họ thích sản phẩm căn hộ có một phòng ngủ, nhưng nay sản phẩm 2-3 phòng ngủ được quan tâm nhiều, cho thấy xu hướng đưa cả gia đình sang Việt Nam sinh sống lâu dài.

“Hiện nay, nguồn cung nhà ở giá cao chiếm tỷ trọng lớn, nếu nới điều kiện cho phép người nước ngoài được sở hữu sẽ kích cầu mạnh mẽ phân khúc này. Chưa kể, việc không thu hẹp diện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một giải pháp thu hút lao động giỏi, thu hút nhân tài. Khi những người giỏi vào Việt Nam làm việc, họ gắn bó lâu dài ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ có nhu cầu về chỗ ăn, chỗ ở và khi đó sẽ kích thích đầu tư…”, đại diện CBRE phân tích.

Còn ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện có hơn 10 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong số này, có khoảng 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu. Đặc điểm của nhóm người ở tuổi này là có tích sản và trong số đó, hơn 3 triệu người có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Số lượng người có tiền mua căn hộ giá 20-30 tỷ đồng rất nhiều. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan đã cho người nước ngoài sở hữu 99 năm.

“Sức cầu sản phẩm bất động sản từ hàng triệu Việt kiều mong muốn trở về quê hương sinh sống là rất lớn”, ông Bảo nói và cho rằng, chúng ta vẫn đang kiểm soát chặt vấn đề này nên không quá đáng ngại. Việc khuyến khích người nước ngoài mua và sở hữu nhà, trước mắt giúp vực dậy thị trường bất động sản, về lâu dài còn là yếu tố hỗ trợ môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

VIỆT DŨNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement