02/11/2018 09:57
Nhà nước chỉ hỗ trợ nông dân, không can thiệp giá gạo
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại hội nghị phổ biến Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Bộ Công Thương sẽ không kiểm soát giá cả. Nhà nước cũng sẽ không can thiệp vào thị trường gạo bằng cách kiểm soát giá gạo hay các biện pháp hành chính để kiểm soát giá, mặc dù đây là mặt hàng rất quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Thay vào đó sẽ có những biện pháp hỗ trợ giá cho người nông dân, hay những biện pháp bảo đảm giá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng ổn định... nhưng không phải bằng biện pháp hành chính.
Nghị định 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10 xóa bỏ hàng loạt yêu cầu như doanh nghiệp xuất khẩu bắt buộc phải sở hữu về cơ sở xay xát, kho bãi. Thay vào đó doanh nghiệp có thể đi thuê. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lực và chi phí, có thể tận dụng các cơ sở dư thừa của các doanh nghiệp khác...
Đồng thời, Nghị định này cũng bãi bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, cho phép thương nhân không cần phải có giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn có thể xuất khẩu khi tập trung các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo bổ sung vi chất… Điều này được xem như một hình thức khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào gạo an toàn, gạo có các chứng nhận cao như hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP.
![]() |
Ngành hàng gạo đang được vận hành theo thị trường. |
Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp để bảo đảm ổn định giá gạo, nếu như có biến động thì cũng ở mức thị trường chấp nhận. Vì gạo vẫn là mặt hàng thiết yếu trong đời sống tiêu dùng, nên sẽ không để xuất hiện những biến động quá lớn.
Những biện pháp được áp dụng sắp tới sẽ mang tính kinh tế chứ không phải là biện pháp hành chính. Chẳng hạn Nhà nước sẽ áp dụng luật cạnh tranh để xử lý các hình thức cạnh tranh không lành mạnh.
Nhà nước sẽ hỗ trợ thị trường bằng những hình thức như cung cấp những thông tin tổng hợp, chẳng hạn như từng thời điểm sẽ công bố lượng gạo xuất khẩu, cơ cấu từng loại gạo xuất khẩu… Khi cơ cấu tiến tới một ranh giới có thể xuất hiện rủi ro, Nhà nước sẽ đưa ra cảnh báo với doanh nghiệp và nông dân để hạn chế thiệt hại.
Điều này từng diễn ra, khi Bộ Công Thương đã từng đưa ra cảnh báo rủi ro khi Việt Nam quá thiên về sản xuất, xuất khẩu gạo nếp sang thị trường Trung Quốc. Hay khi các nhà xuất khẩu quá tập trung vào một thị trường nào đó thì cũng phải cảnh báo để tìm cách đa dạng hóa thị trường.
Theo đánh giá cả các doanh nghiệp, Nghị định 107 sẽ mở ra một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Tôn trọng quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, cho phép nhiều doanh nghiệp hơn tham gia vào thị trường kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tất nhiên, khi có nhiều doanh nghiệp tham gia thì mức độ cạnh tranh sẽ lớn hơn. Câu chuyện tranh mua tranh bán, doanh nghiệp chào bán bằng hình thức bất chấp, giá nào cũng xuất khẩu. Được hợp đồng thì quay lại ép giá nông dân… có thể xảy ra. Điều này, đại diện Bộ Công Thương đánh giá là không đáng lo. Vì nếu tình trạng này xuất hiện cũng sẽ chỉ là cục bộ xảy ra trong những thời điểm nhất định và chỉ ở quy mô nhỏ. Vì giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo chưa được xóa bỏ hoàn toàn.
Trước đây nhiều người cho rằng có quá ít doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, trên thực tế lại khác. Mặc dù trước đây Nghị định 109 có những yêu cầu rất cao, nhưng thực tế vẫn có 142 doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo. Con số này không hề nhỏ. Và những năm vừa qua, hiện tượng tranh mua tranh bán đã giảm hẳn.
Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp gia tăng trong thời gian tới do tác động của Nghị định 107 sẽ không nhiều. Hơn nữa, trong số 142 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, đã có vài chục doanh nghiệp nòng cốt trong ngành này. Những doanh nghiệp nòng cốt này sẽ giúp thị trường vận hành ổn định.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp