29/11/2017 11:02
Nhà nước bán 53,59% vốn tại Sabeco với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu thu về 5 tỷ USD
Bộ Công Thương sẽ chào bán 343.662.587 cổ phiếu SAB của Bia Sài Gòn để thu về khoảng 5 tỉ USD.
Sáng 29/11, Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch và phương án thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Ông Trương Thanh Hoài, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong đợt chào bán lần này, số lượng cổ phần chào bán là 343.662.587 cổ phiếu, tương đương 53,59% vốn điều lệ mà Nhà nước đang nắm giữ. Loại cổ phần chào bán là cổ phần phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá thời điểm chào bán cổ phiếu SAB là 320.000 đồng/cổ phiếu.
“Mức giá này được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong các mức giá sau: Mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn Nhà nước tại SAB là 281.500 đồng/cổ phiếu. Mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn là 184.700 đồng/cổ phiếu. Giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin là 320.000 đồng/cổ phiếu”, ông Hoài nói.
Đến ngày 18/12, Sabeco sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh. Tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán. Về nguyên tắc đấu giá, số lượng tối thiểu mà nhà đầu tư đăng ký mua là 20.000 cổ phiếu và số lượng được mua tối đa là 343.662.587 cổ phần. Tuy nhiên, chỉ có nhà đầu tư trong nước mới được mua với tỉ lệ này.
Còn các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua tối đa 49% vốn điều lệ của Sabeco nên sau khi trừ đi khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ thì số lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài được mua trong đợt chào bán này là 247.470.409 cổ phần, tương ứng 38,59% vốn điều lệ Sabeco.
Hiện tại, SAB đang giao dịch ở mức giá 320.000 đồng/cổ phần, tăng hơn 50% so với đầu năm. SAB đã trở thành cổ phiếu duy nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến hiện tại có mức giá trên 300.000 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất mà một cổ phiếu có thể đạt được trong vòng 10 năm trở lại đây.
Với hơn 614 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SAB đã đạt mức vốn hóa 198.000 tỉ đồng và trở thành cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn nhất thị trường hiện nay.
Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết, trong hai buổi Roashow ở Singaopre và Vương quốc Anh, Sabeco đã nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư như. Sabeco đã có 15 buổi tiếp xúc riêng với các nhà đầu tư rất lớn, đại diện những quỹ đầu tư thuộc hàng lớn nhất thế giới đang quản lý từ vài chục đến vài trăm tỉ USD.
Tuy nhiên, mức giá chào bán 320.000 đồng/cổ phiếu mà Bộ Công thương chào bán ở Sabeco khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngại. Dư luận cũng đặt vấn đề, nhà đầu tư chiến lược nào sẽ sẵn sàng tham gia mua cổ phần Sabeco với mức giá quá cao như vậy?
Đa số các nhà đầu tư quốc tế đều có chung một nhận định là giá cổ phiếu Sabeco đang quá cao nếu tham chiếu so với giá cổ phiếu Vinamilk. Trong khi đó, EPS của SAB chỉ khoảng 6.970 đồng/cổ phiếu, mức P/E tương ứng là 45,9 lần và giá trị sổ sách 23.120 đồng/cổ phiếu.
Về câu chuyện giữ thương hiệu Sabeco sau khi Nhà nước thoái vốn, ông Trương Thanh Hoài cho biết khi đề tiếp xúc với các nhà đầu tư thì họ đều cam kết sẽ giữ gìn thương hiệu Sabeco. Họ bỏ tiền ra mua cổ phiếu SAB với giá cao, trong đó có cả việc mua thương hiệu Sabeco. Hơn nữa, theo Nghị định 59 của Chính phủ thì Sabeco là thương hiệu Quốc gia nên phải được giữ gìn.
Sau khi bán 53,59% tại Sabeco thì Nhà nước còn nắm giữ 36% vốn. Ông Hoài khẳng định, dựa vào kết quả của đợt chào bán này và tình hình sản xuất kinh doanh của Sabeco trong thời gian tới để Bộ Công thương tiếp tục có kế hoạch bán 36% vốn còn lại.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp