Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhà máy nhựa tái chế 60 triệu USD của Duy Tân và cơ hội từ phế liệu

Doanh nghiệp

14/11/2023 09:26

Rác thải nhựa là một thách thức lớn về môi trường không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác thì đó là cơ hội đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế phế liệu.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn rác nhựa được thải ra mỗi năm, trong đó ít nhất 10% chưa được quản lý hiệu quả và đã đổ vào sông, biển.

Điều này làm cho Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia hàng đầu thế giới gây ô nhiễm nhựa đối với đại dương. Rác thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng, trong đó 60% là nhựa dùng một lần.

Theo báo cáo “Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam – Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do IFC công bố cho biết mỗi năm có khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế, phần còn lại bị thải bỏ, dẫn đến lãng phí từ 2,2–2,9 tỉ USD mỗi năm.

Vì hoạt động tái chế nhựa ở Việt Nam đang phát triển, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ thuật và công nghệ. Công nghệ tái chế chủ yếu tạo ra sản phẩm hạt nhựa giá trị thấp, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu. Bên cạnh đó còn đối mặt với vấn đề vệ sinh và nguy cơ phát thải chất độc hại ra môi trường.

Nhà máy nhựa tái chế 60 triệu USD của Duy Tân và cơ hội từ phế liệu- Ảnh 1.
Nhà máy nhựa tái chế 60 triệu USD của Duy Tân và cơ hội từ phế liệu- Ảnh 2.

Hoạt động sản xuất nhựa tái chế tại nhà máy nhựa Duy Tân. Ảnh: Cẩm Viên. 

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới đã chuyển đổi theo xu hướng doanh nghiệp xanh bền vững, tái chế và tuần hoàn đặc biệt trong lĩnh vực nhựa tái chế. Tại Việt Nam một vài doanh nghiệp nhựa cũng đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến tái sinh rác thải đón đầu xu hướng. Có thể kể đến như nhà máy nhựa tái chế của Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (Long An) với diện tích 65.000 m2, được đầu tư hơn 60 triệu USD.  

Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân khởi công năm 2019 và đưa vào vận hành 2021, với công nghệ từ châu Âu, có thể tái chế nhiều sản phẩm lên đến 20 lần, gia tăng tuổi thọ của nhựa. Gần như các sản phẩm trong nhà máy đều vận động tuần hoàn.

Hiện tại nhà máy nhựa tái chế Duy Tân đáp ứng được 90% tiêu chuẩn "3 không", không khí thải, không rác thải, không nước thải. Đặc biệt 90% nước thải sau khi được xử lý trở lại quy trình sản xuất, trong khi 20% được sử dụng cho mục đích cảnh quan và không có nước thải đưa ra hệ thống xử lý chung của cụm công nghiệp.

Năm 2023, Duy Tân mở rộng sản lượng, đạt khoảng 40.000 tấn và mục tiêu lớn hơn vào năm 2026 là đạt sản lượng 100.000 tấn/năm. Hiện tại hạt nhựa tái chế Duy Tân đã xuất khẩu đến 12 quốc gia, đặc biệt là thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Duy Tân cũng đã mở một công ty chi nhánh tại Mỹ tạo ra các sản phẩm chai nhựa.

Theo ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân, Duy Tân đã thu gom và tái chế thành công 1,3 tỉ chai nhựa, tạo ra 30.000 tấn hạt nhựa tái sinh, bao gồm rPET, rHDPE, và rPP, được ứng dụng rộng rãi trong việc sản xuất vỏ chai nước, lọ đựng hóa mỹ phẩm và pallet.

Trong năm 2022, Duy Tân đã tiêu thụ tổng cộng 12.000 tấn hạt nhựa thành phẩm, trong đó một nửa xuất khẩu sang Mỹ và phần còn lại bán trong thị trường nội địa, chủ yếu cho các công ty đa quốc gia như Lavie, Unilever, Coca-Cola Việt Nam và nhiều thương hiệu khác.

Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành tái chế nhựa sẽ là "điểm vàng" với những khoản đầu tư chất lượng đang dần được rót vào ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam.

Đây là tín hiệu cho thấy nhiều doanh nghiệp "đi tắt đón đầu", đạt được sự bài bản trong đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường vốn có tỷ suất đầu tư rất lớn.

Với tiền đề là chính sách tốt, cơ hội thị trường rộng mở, doanh nghiệp tái chế sẽ tích cực, chủ động tìm kiếm thêm nhiều đối tác nước ngoài chất lượng cao, từng bước nâng tầm ngành công nghiệp đã từng èo uột, manh mún suốt hơn 40 năm.

Đứng trước cơ hội rộng mở, tuy nhiên doanh nghiệp nhựa tái sinh cũng đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Giá thành sản giá thành sản phẩm từ nhựa tái chế hiện vẫn cao hơn khoảng 30% so với nhựa nguyên sinh và thu mua nguyên liệu đạt chuẩn, đảm bảo đầu ra đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác mua hàng cũng như câu chuyện phân loại rác thải tại nguồn.

Nhà máy nhựa tái chế 60 triệu USD của Duy Tân và cơ hội từ phế liệu- Ảnh 3.

Những hạt nhựa tái sinh từ rác thải sẽ được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Cẩm Viên.

Theo ông Lê Anh, thị trường phế liệu tại Việt Nam đang phát triển tự phát, với nhiều hoạt động thu mua ve chai nhỏ lẻ, nguyên liệu thường bị trộn lẫn với nhiều tạp chất và không đạt chuẩn.

Vấn đề phân loại không đạt chuẩn làm tăng tỉ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất của Duy Tân lên đến 40-45%, đồng thời là nguyên nhân chính khiến chi phí tái chế vẫn duy trì ở mức cao. Để giảm tỉ lệ hao hụt và tối ưu hóa quá trình sản xuất, Duy Tân cần đối mặt với thách thức của việc thu mua nguyên liệu phế liệu đúng chất lượng. 

Hiện tại, Duy Tân đã áp dụng bộ tiêu chí thu mua cho hơn 100 đại lý từ Đà Nẵng đến Cà Mau, với sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn/tháng. Chính sách này nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho đối tác thu mua và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi và hỗ trợ của các đại lý trong quá trình thu mua nguyên liệu phế liệu nhựa.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, ông Hoàng Đức Vượng cho biết, ngành công nghiệp tái chế từ trước đến nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thậm chí một số đơn vị không đảm bảo các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, gây ra ô nhiễm thứ cấp. 

Tuy nhiên, với dòng tài chính từ công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), doanh nghiệp tái chế sẽ được tiếp thêm nguồn lực để đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam mới đây được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng, trong bối cảnh dòng tiền bị thắt chặt. 

Doanh nghiệp ngành tái chế nói riêng và doanh nghiệp thực hiện các dự án bảo vệ môi trường nói chung được tạo điều kiện vay vốn lên đến 26 tỷ đồng/dự án, với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 2,6 – 3,8 %/năm.

Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế, hướng đi mới của nền kinh tế. Cùng với sự thay đổi tư duy từ các doanh nghiệp nhựa tái chế và sự hỗ trợ của nhà nước, ngành nhựa tái chế sẽ đứng trước nhiều cơ hội trong tương lai. 

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Chiến lược "xanh hóa" nền kinh tế của Việt Nam được xây dựng thông qua việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Bắt đầu từ năm 2010, Việt Nam đã triển khai chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh và đến nay đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, nhiều trong số đó đặt ra những yêu cầu khắt khe về môi trường và phát triển bền vững.

Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong ngữ cảnh "xanh hóa", doanh nghiệp cần tập trung vào việc làm cho sản phẩm của mình tuân thủ các tiêu chuẩn xanh, chú trọng vào quản lý chi phí và tối ưu hóa các khâu trong quy trình sản xuất.

Việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu "xanh" của thị trường là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận và tham gia vào kinh tế xanh. Đối với ngành sản xuất, việc giảm phát thải và quản lý chất thải một cách hiệu quả cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Để tạo cơ hội để chia sẻ thông tin, kiến thức, và trải nghiệm thực tế về các mô hình kinh tế tuần hoàn, và kinh tế xanh – bền vững; chung sức cùng TP.HCM để thúc đẩy chuyển đổi và xây dựng mô hình kinh tế xanh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức "Tour trải nghiệm Xanh" tham quan nhiều môi hình, nhà máy xanh tuần hoàn trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.

VIÊN VIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement