06/08/2018 22:46
Nhà đầu tư chú ý: Sự kiện chứng khoán nổi cộm ngày 7/8
Thông tin và lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 7/8 về các doanh nghiệp trên sàn như HBC, GKM, AAA, VIF, DIG, TRA, NTC, VPH, DNS, VDS, PTB, FLC.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố ký hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Nam- Thành Nam Group. Theo đó, hai bên hợp tác nghiên cứu các giải pháp công nghệ, thiết kế, thi công những hạng mục công trình thuộc dự án do Thành Nam Group đầu tư, phát triển.
Mở đầu cho sự hợp tác, Thành Nam Group giao Hòa Bình làm tổng thầu phụ trách thiết kế và thi công xây dựng đối với 2 dự án là Khách sạn và căn hộ cho thuê tại Sơn Trà Đà Nẵng và dự án Khách sạn Vườn Đào tại Hạ Long Quảng Ninh. Giá trị tạm tính hai gói thầu khoảng 2.800 tỷ đồng.
Hai bên cũng ký thêm hợp đồng tư vấn thiết kế dự án dự án khách sạn và căn hộ cho thuê tại Đà Nẵng với giá trị là 4,9 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn. Trong tháng 7, Hòa Bình trúng thầu hơn 6.200 tỷ đồng từ các dự án Empire City, Mizuki Park, Celadon City...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2018 mới được công bố, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Gạch Khang Minh (GKM) đạt 38,6 tỷ đồng, tăng 14%. Giá vốn hàng bán chiếm gần 33 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp ghi nhận 5,64 tỷ đồng, tăng 59% so cùng kỳ.
HBC và Thành Nam Group hợp tác 2 dự án. |
Hoạt động tài chính kỳ này âm 237 triệu đồng, nhờ phát sinh khoản 805 triệu đồng do số dư tiền gửi ngân hàng tăng đột biến từ 3 tỷ đồng của đầu năm lên 75 tỷ đồng. Nguồn tiền này chủ yếu đến từ việc GKM chào bán 9 triệu cổ phiếu đầu năm 2018 nhằm tăng vốn để góp vào Công ty TNHH Sản xuất Gạch Khang Minh với công suất 180 triệu viên gạch/năm.
Một điểm lưu ý trong báo cáo tài chính quý II của GKM là khoản lợi nhuận khác kỳ này ghi nhận âm gần 291 triệu đồng trong khi cùng kỳ bất ngờ phát sinh lãi gần 10 tỷ đồng dù báo cáo tài chính quý 2 năm 2017 không thể hiện con số này.
Chính khoản này đã kéo lợi nhuận sau thuế của công ty giảm tới 85% so cùng kỳ xuống 1,36 tỷ đồng, dù lãi thuần trước đó tăng tới 952% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 65,6 tỷ, lợi nhuận sau thuế 2,4 tỷ đồng giảm lần lượt 14% và 78% so cùng kỳ.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA) vừa công bố đăng ký bán toàn bộ hơn 5,6 triệu cổ phiếu AAA, tương đương 3,36% vốn. Đồng thời ông Nguyễn Lê Trung, Tổng giám đốc của AAA cũng đăng ký bán toàn bộ 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương 2,03% vốn.
Cả hai giao dịch đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 3/8-1/9. Mục đích giao dịch để chuyển quyền sở hữu từ cá nhân sang tổ chức để nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Cùng thời gian trên, Công ty Cổ phần An Phát Holdings đăng ký mua hơn 9 triệu cổ phiếu, bằng lượng cổ phần của 2 cá nhân chào bán, theo phương thức thỏa thuận, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu từ 31,9% lên 37,3% vốn AAA, tương đương hơn 62,3 triệu cổ phiếu nhằm đầu tư nắm giữ cổ phiếu lâu dài.
Doanh thu thuần của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VIF) giảm 440,6 tỷ đồng và lãi ròng giảm nhẹ xuống 197 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần của VIF giảm 11%, xuống gần 441 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm xuống 358 tỷ đồng, tương đương 14%. Ngược lại, lợi nhuận gộp có dấu hiệu tăng 3% lên gần 82 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính của công ty tăng mạnh 61% lên mức 44 tỷ đồng đến từ các khoản tiền gửi dưới 3 tháng và trên 3 tháng. Trong khi chi phí tài chính chỉ tăng 18% chủ yếu từ lãi vay. Chi phí bán hàng của VIF tăng từ 19 tỷ đồng lên 23 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý giảm xuống còn 75 tỷ đồng.
Lãi ròng công ty giữ mức ổn định khi chỉ tăng nhẹ lên 197 tỷ đồng so với quý II cùng kỳ. Lũy kế từ 6 tháng đầu năm so với kế hoạch năm 2018, công ty đã thực hiện được 36% kế hoạch về doanh thu khi đạt gần 987 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 452 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch.
Theo Nghị quyết Hội đồng quản trị mới công bố, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) sẽ chào bán 51% phần vốn góp tại công ty con là DIC Bình Minh nhằm giảm tỷ lệ vốn góp của công ty từ 100% xuống còn 49% vốn điều lệ.
Cụ thể, công ty sẽ chào bán tổng cổng 255.000 phần vốn góp với giá chào bán khởi điểm là 10.000 đồng/phần vốn góp. Đối tượng chào bán là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Dự kiến, công ty sẽ thực hiện chào bán phần vốn này trong năm 2018.
Cùng với việc chào bán giảm tỷ lệ sở hữu, DIG cũng đã thông qua chuyển đổi DIC Bình Minh từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần. Sau khi chuyển đổi thành công, DIC Bình Minh sẽ đổi tên thành Công ty Cổ phần DIC Toàn Cầu. Đồng thời, vốn điều lệ của công ty sẽ được tăng từ 5 tỷ đồng lên 23 tỷ đồng theo hình thức phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2018 của Công ty Cổ phần Trapaco (TRA) cho thấy, lãi ròng trong quý rớt xuống chỉ bằng 31% cùng kỳ năm trước, kéo theo lãi ròng lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 47%.
TRA đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2018 là 2.400 tỷ đồng nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm chỉ thực hiện được 33%, tức 859 tỷ đồng. Tính riêng quý II, doanh thu thuần đạt 433 tỷ đồng, thấp hơn kỳ trước 5%. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại bị đội thêm 10% lên mức 212 tỷ đồng khiến biên lợi nhuận gộp giảm xuống chỉ còn 51%.
Doanh thu hoạt động tài chính quý II có khả quan hơn, tăng 28% lên mốc 687 triệu đồng. Tuy nhiên sự sụt giảm mạnh vào quý 1 khiến khoản mục này trong nửa đầu năm sụt giảm 30%. Đáng lưu ý, kỳ này TRA đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính, từ 10 tỷ đồng vay dài hạn đầu năm đã tăng lên 117 tỷ đồng vào thời điểm cuối cuối quý 2/2018.
Khoản vay ngắn hạn cũng được bổ sung thêm 19 tỷ lên mức 46 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II. Vì vậy, chi phí lãi vay tăng thêm 2,5 lần, tức trong quý này TRA đã chi 2,8 tỷ đồng tiền lãi, kéo theo chi phí tài chính nói chung cũng tăng thêm 248%.
Hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh liên kết quý II không còn lỗ nhưng thay vào đó là sự gia tăng của hàng loạt các khoản chi phí hoạt động. Chi phí bán hàng từ mức 123 tỷ đồng kỳ trước được nâng thêm 11% lên 137,3 tỷ kỳ này. Tương tự, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng nhích thêm 6% từ 53 tỷ đồng lên 56 tỷ đồng.
Tổng kết quý 2, TRA mang về khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất 21 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm trước. Riêng cổ đông công ty mẹ nhận được 18,7 tỷ đồng, giảm đến 72%. So với chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 thì đến hết quý 2 TRA mới thực hiện được 21%.
Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt tỷ lệ 60% |
Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt tỷ lệ 60%, có nghĩa 1 cổ phiếu được nhận 6.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 27/8 và thời gian thanh toán dự kiến vào 7/9.
Nam Tân Uyên đang có 16 triệu cổ phiếu đang lưu hành; như vậy số tiền mà công ty phải chi ra trong đợt này là 96 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh trong năm 2017 của NTC ghi nhận doanh thu xấp xỉ năm trước khi đạt 146 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ thu nhập tài chính đột biến giúp công ty lãi sau thuế 142 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Nam Tân Uyên thông báo doanh thu thuần tăng 18% lên 86 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 104 tỷ đồng, tăng trưởng 24%. EPS đạt 5.484 đồng. Tuy vậy, công ty mới chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm khi đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 đến 451 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2018, doanh thu thuần trong quý của Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH) đạt 191 tỷ đồng, giảm 65% nhưng lãi ròng lại tăng 48,7 lần so với cùng kỳ. Trong quý II, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm 65% chỉ đạt 191 tỷ đồng do không còn doanh thu từ dự án La Casa. Tuy nhiên lợi nhuận gộp kỳ này của doanh nghiệp tăng đến 382%, đạt gần 77 tỷ nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh 78% xuống còn 114,5 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính của VPH không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Chi phí bán hàng tăng mạnh lên gần 22 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 24 lần và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi lên mức gần 20 tỷ.
Dù vậy thì lợi nhuận sau thuế của VPH lại tăng gấp 48,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 19 tỷ đồng. Kết quả chênh lệch này được công ty giải trình là nhờ VPH ghi nhận doanh thu gia tăng mạnh từ việc hoàn thành xây dựng hạ tầng dự án Khu dân cư Nhơn Đức và triển khai xong công tác bán hàng trong các tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 311 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 43 tỷ đồng. Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 881 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 165,4 tỷ đồng. Tính đến thời điểm quý II, VPH đã thực hiện 35% về doanh thu và 26% về lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch đề ra.
Từ ngày 6-15/8/2018, ông Đinh Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thép Đà Nẵng (DNS) đăng ký bán, còn Công ty TNHH Thép An Hưng Tường đăng ký mua cùng số lượng 305.399 cổ phần DNS.
Cả hai giao dịch dự kiến được thực hiện qua phương thức thỏa thuận. Như vậy, nhiều khả năng ông Đức sẽ chuyển nhượng số cổ phiếu nói trên cho Thép An Hưng Tường. Đây là công ty do ông Nguyễn Bảo Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị DNS làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Ước tính tại giá cổ phiếu DNS chốt phiên 6/8 dừng tại 12.000 đồng/cổ phiếu, giao dịch này có giá trị hơn 3,6 tỷ đồng.
Trước đó, từ ngày 20-22/6, ông Nguyễn Bảo Giang đã thoái toàn bộ 7 triệu cổ phiếu DNS, tương ứng với 32,42% vốn điều lệ. Cùng thời gian trên, Công ty TNHH Thép An Hưng Tường lại gom vào 8,6 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,79% lên 64,58% và trở thành công ty mẹ của DNS.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC (VDS) về thay đổi mức vốn điều lệ trên giấy phép từ 910 tỷ lên gần 1.001 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 3, VDS đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 1.000 tỷ đồng năm 2018 và trong điều kiện thuận lợi sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược để tăng vốn lên 1.200-1.300 tỷ đồng để đáp ứng các yêu cầu vốn tham gia cung cấp các dịch vụ thị trường phái sinh và củng cố tài chính. Việc tăng vốn được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2017 tỷ lệ 10% và phát hành 3,9 triệu cổ phiếu ESOP bằng mệnh giá.
Đến nay, VDS cho biết đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh và cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. VDS là thành viên giao dịch thứ 10 trên thị trường chứng khoán phái sinh cùng với các công ty chứng khoán gồm SSI, VND, HSC, BSC, MBS, VPBS, VCSC, KIS.
Đi cùng với đà giảm của thị trường trong quý II năm 2018, hoạt động kinh doanh của VDS cũng bị tác động tiêu cực. Lợi nhuận sau thuế trong quý giảm 86% so với cùng kỳ, từ 33 tỷ xuống 4,7 tỷ đồng. Nhờ kết quả khả quan trong quý I, lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ 5% xuống 54,3 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Phú Tài đạt lợi nhuận sau thuế đạt 95 tỷ đồng trong quý II, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2018, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Phú Tài (PTB) đạt 982 tỷ đồng, giảm 4%. Lợi nhuận sau thuế đạt 95 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể trong quý II, doanh thu thuần của công ty giảm 4%, ở mức 982 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm 9% ở mức 775 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của PTB tăng 26%, ở mức 49 tỷ đồng. Trong kỳ, các chi phí phát sinh của PTB tăng đáng kể so với quý 2 năm 2017. Kết thúc quý II năm 2018, lãi ròng PTB đạt gần 92 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng của công ty đạt 1,956 tỷ và 165 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Về mặt chỉ tiêu, 6 tháng đầu năm 2018 PTB đã thực hiện 41% chỉ tiêu về doanh thu thuần và 43% chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế cả năm 2018.
So với đầu năm 2018, tài sản của công ty tăng thêm 15%, ở mức 2.581 tỷ đồng. Trong đó các khoảng đầu tư tài chính ngắn hạn tăng nhiều nhất, thêm 3,6 lần so với đầu năm 2018 ở mức 178 tỷ đồng. Các khoản phải thu, hàng tồn kho và nợ phải trả người bán không có nhiều thay đổi.
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 4%. Với tỷ lệ chi trả trên, dự kiến FLC sẽ phát hành thêm 27,3 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được ghi trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của FLC. Ngày đăng ký cuối cùng của đợt phát hành này ngày 15/8.
Sau đợt phát hành tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty sẽ được nâng lên trên trên 700 triệu cổ phiếu. Trên HOSE, cổ phiếu FLC đã có bước tăng giá đáng kể trong thời gian gần đây. So với một tháng trước, giá cổ phiếu này đã tăng hơn 31%. Chốt phiên 6/8, mỗi cổ phiếu FLC có giá 6.400 đồng/cổ phần.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp