Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhà đầu tư chú ý: Sự kiện chứng khoán nổi cộm ngày 6/7

Chứng khoán

05/07/2018 18:25

Thông tin và lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 6/7 về các doanh nghiệp trên sàn như SST, TCK, CTD, HDB, TH1, VGC, DIG, LTC, DHG, DTD, HPG, TRA.

Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu SST sẽ được nhận 13.900 đồng cổ tức. Đây là lần chi trả cổ tức đợt 2 năm 2017 của Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền (SST). Ngày đăng ký cuối cùng là 19/7 và công ty dự kiến chi trả vào ngày 3/8/2018.

Giữa tháng 3/2018, SST đã thanh toán cổ tức đợt 1 năm 2017 với tỷ lệ 100% bằng tiền mặt. Như vậy tổng tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt cho cả năm 2017 lên tới 239%.

Bia Sài Gòn Sông Tiền là một trong số 28 đơn vị thành viên của Tổng công ty Cổ phần Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (SAB). Doanh nghiệp này được thành lập năm 2006 và đang có vốn điều lệ 40 tỷ đồng. SST cũng là một trong nhưng doanh nghiệp khá mạnh chi cổ tức. Năm 2016, cổ đông của Công ty đã nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 235%.

Tổng Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng (TCK) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông 2018. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020, TCK xác định ngành nghề kinh doanh chính là chế tạo và lắp đặt cơ khí. Công ty sẽ ưu tiên khai thác các dự án công nghiệp điện với nhận định đây là thị trường tiềm năng, tăng trưởng vững vàng.

SST chia cổ tức bằng tiền mặt cực lớn.
SST chia cổ tức bằng tiền mặt cực lớn.

Về mặt tài chính, TCK sẽ giảm tỷ lệ vốn góp của Nhà nước xuống mức 0%. Cơ cấu mọi khoản nợ ngay khi có thể thông qua việc tìm kiếm để thay thế các khoản vay ngắn, lãi suất cao bằng các khoản vay thời gian dài, lãi suất hợp lý phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, qua đó cải thiện dòng tiền và khả năng trả nợ của TCK. 

Đối với các khoản đầu tư ra ngoài, TCK sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, thoái vốn tại các công ty hoạt động không hiệu quả, các công ty ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Cụ thể, tăng quy mô vốn điều lệ và duy trì tỷ lệ sở hữu từ 51% trở lên tại các công ty con như Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Số 2-Hà Bắc (51% vốn), Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình (51% vốn), Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Sông Chu (51% vốn) và Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai (67,47% vốn).

TCK giữ nguyên vốn đầu tư tại Công ty TNHH Đồng hồ nước Zenner-Coma (33% vốn). Thoái vốn khỏi 11 công ty. Trong đó, 4 công ty là công ty con, 1 công ty liên kết và 6 khoản đầu tư dài hạn. Dự kiến tới hết năm 2019, TCK sẽ thoái hết vốn tại các công ty con và liên kết. 

TCK dự kiến tới năm 2020 tổng giá trị sản xuất kinh doanh hợp nhất sẽ đạt 2.235 tỷ đồng. Doanh thu đạt 1.933 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 18 tỷ đồng.

Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đã trở thành cổ đông lớn Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) thông qua 2 quỹ đầu tư VOF và Preston Pacific.

Trước đó, tỷ lệ nắm giữ của VinaCapital là 4,96%. Ngày 29/6, quỹ VOF đã mua thành công 100.000 cổ phiếu CTD nâng tổng tỷ lệ sở hữu của VinaCapital lên 5,09%, tương ứng với gần 4 triệu cổ phiếu.

Ngày 5/7 HDBank (HDB) chi 1.275 tỷ đồng trả cổ tức đợt 1 năm 2018 với tỷ lệ 13% bằng tiền mặt cho cổ đông. Sau đợt nhận cổ tức bằng tiền mặt 13% lần này, HDBank sẽ thực hiện chia tiếp 22% cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2018 theo kế hoạch cổ tức 35% mà đại hội cổ đông đã thông qua.

Cũng trong tuần này, cổ phiếu HDB đã đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do thời gian niêm yết đã đủ 6 tháng và đáp ứng đủ các qui định kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE ngày 5/1/2018. 

Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I (TH1) nhiệm kỳ 2016-2021 đã đệ đơn từ chức và được Hội đồng quản trị chấp nhận từ ngày 2/7/2018. 

Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông Nguyễn Vĩnh Huy được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Anh Vương tiếp tục tham gia Hội đồng quản trị với tư cách thành viên. Trong 3 năm gần đây, TH1 làm ăn liên tục lỗ, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do nguồn vốn chủ sở hữu âm.

Nhóm Dragon Capital công bố đã bán tổng cộng 1.270.000 cổ phần Tổng công ty Viglacera (VGC). Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu của cả nhóm giảm từ 10,14% về 9,85%, ứng với số lượng còn lại 44.199.500 cổ phiếu.

Cụ thể, Vietnam Enterprise Investment Limited bán 360.000 cổ phiếu, Norges Bank bán 310.000 cổ phiếu, KB Vietnam Focus Balanced Fund bán 70.000 cổ phiếu, Vela SPC Ltd bán 430.000 cổ phiếu. Ngày giao dịch thay đổi tỷ lệ sở hữu của cả nhóm có liên quan vượt các ngưỡng một phần trăm là 26/6.

Nhóm Dragon Capital đã bán tổng cộng 1.270.000 cổ phần Tổng công ty Viglacera.
Nhóm Dragon Capital đã bán tổng cộng 1.270.000 cổ phần Tổng công ty Viglacera.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã mua được gần 2,7 triệu cổ phiếu DIG. Cụ thể, ông Tuấn đã đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu DIG nhưng do giao dịch không khớp lệnh hết trong thời gian thực hiện từ 4/6 đến 3/8/2018 nên chỉ mua được 2.695.820 cổ phiếu. Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ông Tuấn tại DIG tăng từ 4,44% lên 5,57%.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá cổ phiếu DIG đã giảm 28,13% so với mức giá cao nhất ngày 21/3. Chốt phiên 5/7, DIG đang được giao dịch ở mức 13.750 đồng/cổ phiếu.

Công ty Cổ phần Chế tạo thuốc Taisho đề nghị chào mua công khai 9.232.647 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) với giá dự kiến 120.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, Taisho đang nắm giữ hơn 32,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 24,94% vốn điều lệ DHG. Taisho dự kiến chào mua công khai 9.232.647 cổ phiếu, tương đương 7.06% vốn điều lệ của DHG. Nếu việc chào mua thành công, Taisho sẽ tăng sở hữu DHG lên hơn 41,83 triệu cổ phiếu, tương ứng 32% vốn điều lệ. Giá chào mua dự kiến là 120.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên 5/7, DHG đang ở quanh vùng giá 105.200 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, Taisho sẽ phải chi ra hơn 1.107 tỷ đồng cho thương vụ này. Thời gian dự kiến chào mua trong vòng 30-60 ngày, sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ ngày 5/7/2018, cổ phiếu LTC của Công ty Cổ phần Điện nhẹ Viễn Thông sẽ ra khỏi diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch, chuyển sang diện bị cảnh báo.

Trong hơn 6 tháng vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch, LTC không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Do đó, cổ phiếu LTC sẽ được chuyển sang diện bị cảnh báo về công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, cổ phiếu LTC vẫn đang duy trì tình trạng bị kiểm soát vì lý do tài chính.

Năm 2018, LTC đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 80 tỷ đồng và gần 1,7 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến kiến là 2%. Trên HNX, cổ phiếu LTC chốt phiên 5/7 ở mức giá 3.300 đồng/cổ phiếu, giảm 17,5% trong 1 tháng qua.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành Đạt (DTD) vừa có thông báo về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Hiện tại, vốn điều lệ DTD ở mức 200 tỷ đồng tương ứng với 20 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

DTD dự kiến sẽ phát hành 2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ phát hành 10:1. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo báo cáo tài chính quý I năm 2018, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DTD đạt gần 38 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thông báo việc thay đổi số lượng cổ phiếu niêm yết. Theo đó, hơn 606,8 triệu cổ phiếu tăng thêm sau khi doanh nghiệp phát hành để trả cổ tức chính thức được niêm yết vào ngày 4/7 và đến 13/7 lượng cổ phiếu này chính thức được giao dịch.

HPG có 606,8 triệu cổ phiếu tăng thêm.
HPG có 606,8 triệu cổ phiếu tăng thêm.

Như vậy, tổng lượng chứng khoán sau thay đổi niêm yết của Tập đoàn tăng lên 2,12 tỷ đơn vị, ứng với mệnh giá 21.239 tỷ đồng. Trước đó vào ngày 13/6, Hòa Phát đã chốt quyền trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu cho cổ đông tổng tỷ lệ 40%.

Trong 6 tháng đầu năm, thép xây dựng Tập đoàn đạt sản lượng gần 1,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh dừng lò cao số 2 để bảo dưỡng, thay thế thiết bị suốt 2 tháng. Thị phần thép Hòa Phát duy trì vị trí số 1 với khoảng 23%.

Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ chính của Hòa Phát, theo hướng tăng dần sản lượng khu vực phía Nam trong cơ cấu sản lượng bán hàng. Nhu cầu xây dựng dân dụng từ đầu năm đến nay tăng cao là động lực chính giúp sản lượng tiêu thụ của tập đoàn duy trì tăng trưởng so với năm trước.

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 của Công ty Cổ phần Traphaco (TRA), có 2 ứng viên người Hàn Quốc được đề cử vào Hội đồng quản trị. Cụ thể, ông Kim Dong Hyu được Super Delta Pte.,Ltd đề cử một vị trí trong Hội đồng quản trị Traphaco. Hiện tại, ông Kim Dong Hyu là trưởng đại diện của Tập đoàn Dược phẩm Daewoong tại Việt Nam.

Trong khi đó, cổ đông Magbi Fund Limited đề cử ông Lee Choonghwan vào Hội đồng quản trị TRA. Ông Lee Choonghwan đang là trưởng phòng quản lý quỹ của Mirae Asset Capital cũng là Giám đốc của Magbi Fund.

Ngoài ra, cổ đông Super Delta cũng đề cử bà Tran Thi Ly vào Ban kiểm soát. Bà Ly đang là Giám đốc nhân sự của Daewoong tại TP.HCM.

Hồi tháng 11/2017, Super Delta PTE đã mua vào gần 6,3 triệu cổ phiếu TRA, tương đương 15% vốn và trở thành cổ đông lớn. Cùng ngày, Magbi Fund Limited cũng đã mua vào gần 10,4 triệu cổ phiếu TRA, tương đương 25,6% vốn và trở thành cổ đông lớn.

Còn, Vietnam Azalea Fund Limited quỹ được quản lý bởi Mekong Capital đã thoái hơn 10,36 triệu cổ phiếu. Vietnam Holding Ltd. cũng bán hết 4,3 triệu cổ phiếu TRA. Sau hơn 5 tháng thoái vốn khỏi Traphaco thì 2 đại diện nước ngoài của Mekong Capital cũng xin từ nhiệm khỏi Hội đồng quản trị. Do đó, TRA đã quyết định triệu tập đại hội cổ đông bất thường để bầu mới các thành viên đang khuyết.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement