13/08/2018 18:04
Nhà đầu tư chú ý: Sự kiện chứng khoán nổi cộm ngày 14/8
Thông tin và lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 14/8 về các doanh nghiệp trên sàn như AMC, DST, TTF, PVS, VEE, VSD, VND, KIS, NSI, SBT…
Công ty Cổ phần Khoáng sản Á Châu (AMC) vừa có giải trình kết luận ngoại trừ của kiểm toán viên đối với báo cáo tài chính bán niên 2018 của AMC. Đầu tiên, AMC cho rằng sản phẩm bột đá xuất khẩu của công ty là sản phẩm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, công ty chưa xác định đúng về mức thuế giá trị gia tăng đầu ra và số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ đối với các mặt hàng xuất khẩu từ 1/7/2016 đến 31/12/2017. Điều này dẫn đến việc khoản thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ trên báo cáo tài chính năm 2017 của công ty bị phản ánh thiếu số tiền 3 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty đã ghi nhận một phần số thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, phần thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ còn lại của các năm trước và số phát sinh trong tháng 1/2018 lần lượt là 1,7 tỷ đồng và 112 tỷ đồng vẫn chưa được ghi nhận.
Công ty Cổ phần Khoáng sản Á Châu vừa có giải trình kết luận ngoại trừ của kiểm toán viên đối với báo cáo tài chính bán niên 2018. |
Theo kiểm toán, nếu công ty ghi nhận đầy đủ phần thuế này thì kết quả lợi nhuận sau thuế chưa phần phối kỳ này sẽ tăng lên 392 triệu đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước sẽ giảm đi 3 tỷ đồng.
Phía AMC cho biết sẽ tiến hành kê khai bổ sung và nộp khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ tương ứng với phần doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế giá trị gia tăng của các kỳ trước trong 6 tháng cuối năm 2018.
Nửa đầu năm 2018, AMC ghi nhận gần 70 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Về phần lợi nhuận, công ty ghi lãi sau thuế hơn 5,2 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Gia (PGSC) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước chấp thuận đổi tên công ty và người đại diện pháp luật. Theo đó, công ty sẽ đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán HDB. Ông Nguyễn Ngọc Lâm sẽ là người đại diện pháp luật của công ty thay cho ông Nguyễn Quang Trung.
Tại đại hội cổ đông bất thường 2018, cổ đông của công ty cũng đã thông qua việc phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ. Theo phương án phát hành, công ty sẽ chào bán 15,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Mục đích của đợt phát hành này là tăng quy mô hoạt động của công ty, gia tăng tiềm lực tài chính và uy tín của công ty trên thị trường.
Năm 2018, PGSC đạt mục tiêu doanh thu 7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 600 triệu đồng. Với kết quả nửa đầu năm 2018 về doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt gần 16 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng, công ty đã vượt xa kế hoạch đặt ra ban đầu.
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ký quyết định số 199/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với ông Ngô Quang Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long (DST). Theo đó, ông Hoà bị phạt 42,5 triệu đồng do vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về bầu thành viên Hội đồng quản.
Cụ thể, ông Ngô Quang Hòa đã ký biên bản họp và Nghị quyết HĐQT số 17/2017/NQ-HĐQT ngày 4/10/2017 về việc bầu ông Bùi Việt Dũng giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị DST khi chưa được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) đã có giải trình về khoản mục dự phòng phải thu khó đối và hàng tồn kho trong báo cáo tài chính quý II năm 2018.
Gỗ Trường Thành đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi với số tiền là 370 tỷ đồng cho các khoản phải thu khách hàng và phải thu về cho vay đã quá hạn thanh toán. |
Cụ thể, trong quý II công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi với số tiền là 370 tỷ đồng cho các khoản phải thu khách hàng và phải thu về cho vay đã quá hạn thanh toán. Công ty giải trình rằng, các khoản phải thu này được một số cổ đông cá nhân cam kết bảo lãnh.
Tuy nhiên, tại ngày 30/6/2017, các cổ đông cá nhân này và công ty đã ký biên bản thanh lý Thỏa thuận thu hồi công nợ. Theo đó, các cổ đông cá nhân này không còn nghĩa vụ thu hồi và thanh toán cho các khoản phải thu này. Vì vậy, Ban Giám đốc của TTF đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu là không được đảm bảo nên công ty phải thực hiện trích lập cho các khoản phải thu này.
Về việc hàng tồn kho tăng gần 200 tỷ đồng, TTF cho biết lý do chủ yếu là tính tới cuối quý II năm 2018 hàng hóa, thành phẩm dở dang cho việc thi công, lắp đặt cho các công trình chưa được nghiệm thu bàn giao.
Trong kỳ, công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 6 tỷ đồng cho hàng sản xuất dở dang tồn đọng, chậm lưu chuyển. Nguyên nhân của việc trích lập này đến từ việc năm 2018, công ty đẩy mạnh hơn mảng sản xuất xuất khẩu tại các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. TTF cho rằng dòng hàng dở dang tồn động, chậm lưu chuyển này không còn phù hợp với các đơn hàng mới.
Trong quý II, chi phí giá vốn tăng mạnh và lớn hơn cả doanh thu khiến TTF ghi lỗ gộp gần 70 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 64% và chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 10 lần cùng kỳ càng khiến công ty lỗ ròng gần 556 tỷ đồng, cắt đứt mạch có lãi trong 4 quý liên tục trước đó. Tại thời điểm 30/6, lỗ lũy kế của TTF đã vượt ngưỡng 1.900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 301 tỷ đồng.
Hai thành viên của nhóm Quỹ đầu tư VinaCapital đã bán ra 3,5 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS). Cụ thể, VOF Investment Limited đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu PVS. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu PVS mà quỹ này nắm giữ giảm xuống còn hơn 3,65 triệu cổ phiếu, tương ứng với 0,82% vốn điều lệ.
Tương tự, Vietnam Investment Limited cũng bán ra 1 triệu cổ phiếu PVS, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 0,48%. Tính tổng cộng, hai quỹ này đã bán ra 3,5 triệu cổ phiếu PVS và làm giảm lượng cổ phiếu VinaCapital nắm giữ xuống còn hơn 20,47 tỷ đồng, ứng với 4,59% vốn điều lệ. Như vậy, Quỹ đầu tư VinaCapital không còn là cổ đông lớn của PVS.
Trong quý II năm 2018, PVS ghi nhận doanh thu đạt 4.301 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 94% so với cùng kỳ, đạt 23,2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVS ghi nhận doanh thu thuần và lãi trước thuế đạt 7.629 tỷ đồng và 342 tỷ đồng.
Từ 14/8-10/9, ông Nguyễn Văn Giang, cha ruột ông Nguyễn Sơn Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Cẩm Phả (VEE) đã đăng ký mua gần 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ sở hữu 11,4%. Mục đích thực hiện giao dịch là đầu tư tài chính cá nhân, sở hữu cổ phần tại công ty. Phương thức giao dịc thỏa thuận và khớp lệnh.
Người thân lãnh đạo Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Cẩm Phả gom cổ phiếu VEE. |
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có quyết định khiển trách với 3 công ty chứng khoán là Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VND), Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Chứng khoán Quốc Gia (NSI).
Cụ thể, VND bị khiển trách do trong tháng 7 công ty đã có 4 lần sửa lỗi giao dịch chứng khoán thực hiện trên HOSE. HOSE yêu cầu VND phải có trách nhiệm tăng cường việc kiểm soát các hoạt động nghiệp vụ, tuân thủ các quy định tại các quy chế hoạt động nghiệp vụ của VSD.
Về phần KIS và NSI, sau 3 tháng liên tiếp bị nhắc nhở bằng văn bản do không nộp đúng thời hạn thông báo xác nhận danh sách người sở hữu thực hiện quyền, VSD đã có quyết định khiển trách với hai công ty này.
Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) và ông Trần Quốc Thảo, Phó tổng giám đốc SBT vừa mua thành công mỗi người 1 triệu cổ phiếu SBT.
Cụ thể, sau giao dịch tỷ lệ sở hữu của ông Dương được nâng từ 0,28% lên 0,46% vốn điều lệ, tương đương hơn 2,58 triệu cổ phiếu. Còn tỷ lệ sở hữu của ông Thảo tăng từ 0,027% lên 0,2% vốn điều lệ, tương ứng gần 1,15 triệu cổ phiếu. Cả 2 giao dịch này đều được thực hiện vào đầu tháng 8.
Trước đó, HOSE đã có quyết định nghiêm khắc nhở và đề nghị SBT phải tuân thủ đúng quy định về giao dịch cổ phiếu quỹ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp