10/03/2020 08:04
Nhà đầu tư chờ cơ chế tiếp sức
Theo đề xuất từ giới đầu tư, cơ quan quản lý cần xem xét miễn, giảm thuế, phí với giao dịch chứng khoán trong bối cảnh thị trường cổ phiếu lao dốc vì dịch bệnh. Nếu không làm được điều này, cũng cần khắc phục bất cập đang tồn tại là đầu tư thua lỗ vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Kiến nghị miễn, giảm thuế, phí cho nhà đầu tư
Tại cuộc họp với 60 công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan quản lý nên giảm phí, giá các dịch vụ đang được hai sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thu từ các tổ chức, cá nhân với mức 50% so với hiện tại.
Thế nhưng, kiến nghị này không nằm trong thẩm quyền quyết định của UBCK, mà trong thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Trước đó, đại diện cho tiếng nói của các hội viên là công ty chứng khoán, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đã kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK 12 giải pháp cần làm thời dịch Covid-19. Trong đó có kiến nghị giảm phí, thuế, để tiếp sức cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán vượt qua khó khăn trong thời buổi đại dịch, thanh khoản trên thị trường suy giảm.
Đó mới là các giải pháp tiếp sức cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán, nhà đầu tư tổ chức.
Về phần mình, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, đối tượng chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng số hơn 2,36 triệu tài khoản trên thị trường ngoài mong đợi nhà quản lý giảm phí, giá dịch vụ cho các công ty chứng khoán để các tổ chức này có cơ sở miễn, giảm phí, giá dịch vụ cho khách hàng thì còn rất mong nhà quản lý xem xét miễn, giảm thuế, phí giao dịch, thu nhập từ đầu tư chứng khoán.
Trong khi Bộ Tài chính đang đề xuất sửa quy định về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân, ý kiến từ nhà đầu tư kiến nghị nên mở rộng phạm vi sửa Luật thuế thu nhập cá nhân trên một số khía cạnh.
Theo đó, các sở giao dịch chứng khoán, VSD sau thời gian dài tích lũy được nguồn lực khá tốt nhờ sự phát triển tích cực của thị trường chứng khoán thì nay là thời điểm nên thể hiện sự chia sẻ khó khăn với các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ của mình.
Để thực hiện được điều này, Bộ Tài chính nên sửa đổi cơ chế thu phí, giá dịch vụ mà các sở giao dịch chứng khoán, VSD áp dụng với các công ty chứng khoán, nhà đầu tư theo hướng ít nhất giảm 50% so với mức thu hiện tại.
“Bộ Tài chính cũng nên đề xuất giãn, hoãn, thậm chí miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch chứng khoán, để tiếp sức cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế do bất cập của cơ chế hiện hành…”, một nhà đầu tư ở Hà Nội đề xuất.
Đó là những giải pháp mang tính ngắn hạn, còn về dài hạn, theo ông Nguyễn Văn Mạnh (Hà Nội), Việt Nam nên miễn thuế thu nhập cá nhân khi nhà đầu tư nhận cổ tức bằng tiền mặt (thuế suất hiện hành là 5% - PV).
Lý do là bởi, cách thu thuế này là thuế chồng thuế, vì cổ tức doanh nghiệp chia cho nhà đầu tư là phần lợi nhuận sau thuế.
“Phần thu nhập từ cổ tức nhà đầu tư nhận được ngoài bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp thì còn phải nộp thêm một lần nữa là thuế thu nhập cá nhân.
Mặt khác, cũng là nhận cổ tức, nhưng nếu nhà đầu tư nhận bằng cổ phiếu thì không bị đánh thuế…”, ông Mạnh nói.
Một lý do nữa nhà quản lý nên cân nhắc miễn thuế thu nhập từ cổ tức, theo góc nhìn của nhà đầu tư là hiện lãi tiền gửi ngân hàng mà người gửi tiền nhận được không phải chịu thuế.
Trong khi đó, việc tái cơ cấu thị trường vốn, thị trường tiền tệ đang được thúc đẩy theo hướng “nắn” dòng tiền người dân gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng dần chảy sang thị trường vốn để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận với kênh huy động vốn có nhiều ưu điểm này, cũng như giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Trước thực tế nhà đầu tư ngoài chịu lỗ do chênh lệch giá bán và giá mua chứng khoán, còn phải chịu nhiều chi phí về thuế, trả lãi margin (nếu vay ký quỹ), phí giao dịch trả cho công ty chứng khoán, phí lưu ký chứng khoán trả cho VSD (thu qua công ty chứng khoán)…, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, nên sửa đổi cách đánh thuế bất cập này.
Luật sư Phùng Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Luật VCI Legal, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất, Bộ Tài chính nên tính toán sửa đổi cách tính thuế với nhà đầu tư chứng khoán theo đúng đạo lý đánh thuế là kinh doanh, đầu tư có lãi mới phải nộp thuế, chứ không phải lỗ vẫn phải nộp thuế như hiện tại.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, nhà đầu tư phải nộp mức thuế khoán 0,1% trên giá bán.
Có ý kiến cho rằng, mức thuế này không lớn, có thể chấp nhận được, nhưng ý kiến khác cho rằng, với các nhà đầu tư bám sàn, mua bán hàng ngày, thì mức thuế này là không nhỏ, nhất là trong bối cảnh họ đầu tư thua lỗ vẫn phải nộp thuế trong khi vẫn phải trả nhiều khoản chi phí khác như nêu trên.
VAFI từng đề xuất cách tính thuế chuyển nhượng của một loại chứng khoán theo công thức: (Tổng giá bán bình quân - Tổng giá mua bình quân) x thuế suất 1%.
Việc xác định thuế chuyển nhượng chứng khoán sau một ngày giao dịch và công ty chứng khoán thu ngay nếu nhà đầu tư có lãi.
Tiếng là có lãi mới phải nộp thuế, nhưng thực chất ngay cả khi áp dụng phương pháp này, thì trong không ít trường hợp nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế khi đầu tư thua lỗ.
Vì về bản chất, đây vẫn là một hình thức thuế khoán do không đưa chi phí vào xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, phương pháp này đỡ gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn so với cách đánh thuế thu trên giá trị giao dịch từng lần như hiện tại.
Kỳ vọng gói giải pháp cấp bách ứng phó với dịch Covid-19
Đem những kiến nghị, trăn trở trên của nhà đầu tư, chuyên gia đến Bộ Tài chính, nhưng câu trả lời nhận được từ ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính là, trong lần sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân này, Bộ Tài chính chỉ đề xuất sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh.
Các nội dung khác (liên quan về giảm thuế, phí, giá dịch vụ chứng khoán - PV) không thuộc phạm vi sửa đổi chính sách thuế lần này.
Tuy ý kiến từ cơ quan quản lý là vậy, nhưng tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, nhà đầu tư kỳ vọng cả trong trước mắt và dài hạn, sẽ có những cơ chế mới.
Theo đó, tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020...
Những cơ chế này kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho thị trường chứng khoán, cho doanh nghiệp và rộng hơn là cả nền kinh tế.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp