05/02/2021 15:20
Nhà băng dự phòng sớm cho nợ xấu dần tăng
Các khoản vay gặp khó trả nợ do Covid-19, theo dự kiến sẽ chuyển dần nhóm nợ trong 3 năm như tại dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sẽ khiến nợ xấu các ngân hàng không tăng ngay lập tức, mà sẽ dần tăng lên.
Tăng dự phòng, giảm nợ xấu
Tổng giám đốc OCB - ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, dư nợ sau tái cơ cấu của OCB giảm khoảng 1.000 tỷ tổng trên tổng dư nợ 90.000 tỷ đồng tính đến hết năm 2020. Nhiều khách hàng được cơ cấu lại đang hồi phục tốt, vì trước đó việc lựa chọn đối tượng khách hàng được tái cơ cấu nợ, giãn nợ theo quy định của Thông tư 01 được OCB kiểm soát chặt chẽ.
Ông Tùng cho biết, có những khách hàng đề nghị được cơ cấu lại nợ, nhưng vì xét thấy nợ không phải do ảnh hưởng bởi Covid-19 mà đến từ quản trị kinh doanh yếu kém nên OCB đã từ chối và chuyển qua nợ xấu.
Điều này dẫn đến trong năm qua có những thời điểm tỷ lệ nợ xấu tại OCB tăng rất nhanh, lên đến 2,8%. Nhưng sau đó, OCB đàm phán với khách hàng về phương án xử lý và thu hồi nợ. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu của OCB được kiểm soát ở mức 1,42% vào cuối năm 2020.
“OCB là một trong những ngân hàng đã sớm tất toán trái phiếu VAMC từ 2 năm trước, song với các khoản nợ tái cơ cấu, giãn nợ theo Thông tư 01 cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động, cho nên quỹ dự phòng rủi ro của OCB đã tăng lên đáng kể. Trong năm qua, OCB đã trích lập dự phòng khoảng 1.200 tỷ đồng”, ông Tùng thông tin thêm.
Techcombank cũng là ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong năm 2020. Báo cáo tài chính quý IV/2020 của Techcombank cho thấy, chi phí dự phòng trong kỳ tăng 17%, nâng mức lũy kế dự phòng rủi ro cả năm 2020 lên 2.611 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với hồi đầu năm.
Trong khi đó, tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2020 chỉ ở mức hơn 1.295 tỷ đồng, giảm tới 58% so với đầu năm và là một trong những điểm sáng trong bức tranh hoạt động của Techcombank năm qua, bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng cao.
Cụ thể, Ngân hàng ghi nhận lãi trước và sau thuế quý IV/2020 tăng 28% so với cùng kỳ 2019, đạt lần lượt 5.089 tỷ đồng và 4.078 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2020 lãi trước và sau thuế tăng 23%, đạt tương ứng 15.800 tỷ đồng và 12.582 tỷ đồng. Trong đó, lãi sau thuế cổ đông Ngân hàng mẹ tăng 22% lên mức 12.325 tỷ đồng.
Tương tự, tại HDBank, chi phí dự phòng rủi ro quý IV/2020 tăng 61%, lên mức 656 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2020, HDBank trích hơn 1.788 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 39% so với năm trước.
Tỷ lệ nợ xấu của HDBank hợp nhất đã giảm từ 1,36% xuống 1,32% vào cuối năm 2020, còn tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ ở mức 0,93%. Về kết quả kinh doanh, HDBank báo lãi trước và sau thuế năm 2020 tăng 16%, đạt lần lượt 5.818 tỷ đồng và 4.646 tỷ đồng.
Không chỉ các ngân hàng quy mô lớn, nhiều ngân hàng nhỏ cũng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro thời gian qua. Đơn cử, tại Viet Capital Bank, năm 2020, ngân hàng này trích gần 347 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3 lần năm trước đó.
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho hay, do năm qua thị trường gặp khó khăn do tác động của đại dịch nên ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ Ngân hàng đã mua lại từ VAMC, do đó trước mắt cần tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Nhờ sử dụng dự phòng, nợ xấu của Viet Capital Bank đã giảm về mức 2,7% và không vượt chỉ tiêu định hướng 3% của Ngân hàng Nhà nước, cho dù đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC. Đồng thời, không ảnh hưởng quá nhiều tới kết quả kinh doanh năm 2020, khi Viet Capital Bank ghi nhận lãi trước và sau thuế tăng 28% so với kết quả năm 2019, đạt tương ứng 201 tỷ đồng và 161 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tác động lên lợi nhuận
Tăng trích lập dự phòng rủi ro một mặt giúp ngân hàng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, tạo “bộ đệm” cho hoạt động ngân hàng, nhưng mặt khác cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Cùng với đó, việc cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch là yếu tố khiến lợi nhuận ngân hàng thêm suy giảm.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, sở dĩ lợi nhuận năm 2020 của Ngân hàng không tăng trưởng, ngoài tăng trích lập dự phòng rủi ro còn do giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, cho dù tín dụng và các hoạt động phi tín dụng đều tăng trưởng mạnh. Thực tế, năm 2020, Vietcombank đã hỗ trợ 3.700 tỷ đồng cho các khách hàng để ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Dẫu vậy, 2020 là năm đầu tiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro của Vietcombank ở mức cao nhất hệ thống, đạt trên 32.961 tỷ đồng, quỹ dự phòng rủi ro cũng tăng lên mức kỷ lục: 19.344 tỷ đồng. Riêng dự phòng rủi ro trích trong năm 2020 là 9.916 tỷ đồng.
Chính việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro giúp Vietcombank trở thành ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng cao nhất hệ thống, đạt xấp xỉ 377%, đồng thời kéo tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất lịch sử hoạt động: 0,61% trên tổng dư nợ.
Kế hoạch năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 6%; huy động vốn thị trường 1 tăng 8%; tín dụng tăng khoảng 12%; tỷ lệ nợ xấu tiếp tục dưới 1%; tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) đạt 3,1% và lợi nhuận trước thuế tăng 12%, tương đương 25.200 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vietcombank, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên còn phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, điều này sẽ phần nào tác động lên hoạt động kinh doanh cũng như lợi nhuận Ngân hàng.
Với BIDV, ngân hàng này còn ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm qua, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.017 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019; lợi nhuận riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho hay, lợi nhuận năm 2020 sụt giảm là do Ngân hàng chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo Thông tư 01.
Thông tư 01 cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc “khoanh” nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với những tài sản, khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tức là nợ xấu của các nhóm được tạm giữ nguyên, thay vì có nguy cơ “nhảy nhóm”.
Vì thế, khi Thông tư 01 hết hiệu lực mà khách hàng vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng mạnh. Bởi vậy, các ngân hàng đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 01 theo hướng giãn thời hạn áp dụng để có thêm thời gian xử lý nợ.
Về vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Thông tư 01 được xem là công cụ tích cực, là giải pháp chia sẻ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhưng khi xây dựng không ai nghĩ là dịch kéo dài như vậy.
Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt Covid-19, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Vì thế, chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vẫn trên tinh thần dùng nguồn lực hỗ trợ từ các ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là chính.
Tất nhiên, cũng phải quan tâm đến an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, cơ quan quản lý sẽ đưa ra quy định trích lập trong một thời gian nào đó, có thể là 3 năm, để tạo điều kiện cho cả ngân hàng và người vay vốn.
“Đây là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 và đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Song điều đáng mừng là các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 01 đã có dấu hiệu giảm, đặc biệt là các khoản vay ngắn hạn. Đây chính là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi sau dịch”, ông Tú nói.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp