26/03/2021 10:15
Nguyên nhân con tàu khổng lồ mắc kẹt trong kênh đào Suez - và tại sao không ai giải thoát được nó?
Hai ngày sau, hơn 100 tàu container vẫn đang chờ ở mỗi đầu kênh khi các tàu kéo và tàu cuốc cố gắng giải phóng tàu Ever Given, nặng hơn 200.000 tấn và dài 400 mét. Tuy nhiên, đến thời điểm này (26/3), nó vẫn chưa được giải phóng và kênh đào Suez càng tắc nghẽn nghiêm trọng.
"Nó giống như gặp tai nạn trên đường xuyên quốc gia", Donald Maier, Hiệu trưởng Trường Quản lý, Hậu cần và Vận tải Hàng hải tại Học viện Hàng hải California, ví von. "Tai nạn đó chặn đứng tất cả các làn đường di chuyển và mọi thứ sau đó sẽ phải bắt đầu khôi phục từ đầu".
Nếu con tàu mang cờ Panama này không sớm được giải thoát, nó có thể gây ra thảm họa cho ngành vận tải biển toàn cầu vốn đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.
Làm thế nào tàu Ever Given bị kẹt?
Tàu Ever Given, thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha, đang trên đường đến cảng Rotterdam (Hà Lan) từ Trung Quốc thì bị kẹt ngang kênh đào Suez sau khi bị một trận bão cát thổi qua khu vực. Tầm nhìn giảm mạnh và cơn gió đạt tốc độ lên đến 31 dặm một giờ.
Ngoài 8 tàu kéo địa phương đang làm việc để giải phóng Ever Given, một đội xe xây dựng nhỏ - có kích thước chả khác gì những chú lùn so với con tàu dài 400 mét - đã xuất hiện trên bờ kênh để đào bới cát giúp con tàu khổng lồ nổi lại. Tuy nhiên, đến sáng thứ Năm thì nhóm chức trách địa phương xác nhận nỗ lực giải phóng con tàu đã không hiệu quả, và các nhà chức trách phải điều một tàu cuốc để hỗ trợ.
Làm thế nào con tàu được "giải thoát"?
Thế bây giờ thì thế nào? Chìa khóa để "tháo dỡ" Ever Given là giảm tải trọng của con tàu. Một cách để làm điều đó là làm trống các container đang chật kín hàng hóa. Tuy nhiên, giải pháp đó lại có thể gây mất ổn định cho con tàu, Thuyền trưởng Morgan McManus, thuộc Cao đẳng Hàng hải SUNY, nói. Một lựa chọn khác là dỡ hàng trên tàu xuống, nhưng điều đó có thể khó khăn nếu không có sẵn các thiết bị cần thiết.
Ông McManus nói: "Ở giữa kênh đào Suez như thế này không có cơ sở hạ tầng nào làm được điều đó, có nghĩa là phải có một sà lan cần trục và sau đó tháo dỡ từng chiếc container ra. Với một con tàu lớn như Ever Given, nỗ lực có thể mất hàng tuần".
Làm sao một điều như thế này xảy ra?
Chiếc Ever Given khổng lồ do công ty vận tải biển Evergreen Marine đóng vào năm 2018, là một con tàu container hạng Vàng. Nó có thể chở tới 20.000 container dài hơn 6 mét. Việc thúc đẩy đóng những con tàu ngày càng lớn hơn có thể một phần là nguyên nhân của sự cố hiện nay của Ever Given. Ông McManus nói: "Quy mô đã trở nên lớn đến mức nhiều cơ sở hạ tầng vẫn chưa bắt kịp với kích thước của con tàu". Việc đánh lái các con tàu có kích thước như Ever Given có thể là một thách thức và mọi thao thác tránh né phải được thực hiện trước rất nhiều để đảm bảo con tàu có đủ mã lực để di chuyển kịp thời. Cần có một đội ngũ nhân viên lành nghề để lường trước các vấn đề tiềm ẩn. Trong một số trường hợp, thuyền trưởng có thể không nhận ra sự cố trước khi quá muộn. Điều kiện thời tiết bất lợi chỉ làm trầm trọng thêm những thách thức này.
"Về cơ bản, đó là một bức tường lớn," Steven Browne, Học viện Hàng hải California, nói. "Nếu có gió từ mạn tàu và bạn mất kiểm soát lái, tàu rất dễ bị lật ngang."
Tại sao kênh đào Suez lại quan trọng như vậy?
Kênh đào Suez chảy qua Ai Cập đóng vai trò là kết nối duy nhất giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Con đường thủy dài hơn 193 km đã trở thành một tuyến vận chuyển quan trọng và có thể tiếp nhận 50 tàu mỗi ngày, nhanh chóng kết nối các thị trường ở châu Á và châu Âu. Khoảng 12% tổng thương mại hàng hải đi qua Suez; chỉ đứng sau Kênh đào Panama, con đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Pharaoh Ai Cập là Senausert III, người trị vì từ năm 1887 đến năm 1849 trước Công nguyên, được ghi nhận là người đầu tiên đào kênh. Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, nó đã mở và đóng cửa nhiều lần kể từ khi chính thức khánh thành vào năm 1869. Năm 2015, các thủy thủ đoàn đã mở rộng các phần của đường đi để cho phép đi lại theo cả hai hướng tại một số điểm dọc theo con đường thủy sâu gần 25 mét.
Đây không phải là lần đầu tiên một con tàu mắc cạn ở kênh đào Suez. Tàu container của Nhật Bản là OOCL Japan đã bị đâm vào mạn tàu vào năm 2017. May mắn thay, các thủy thủ đoàn đã có thể cho tàu chạy lại nhiều giờ sau đó. Kênh đào cũng bị đóng cửa trong ba ngày vào năm 2004 sau khi tàu chở dầu mang cờ Liberia, Tropic Brilliance, bị mắc kẹt.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Do đại dịch COVID-19, ngành vận tải biển toàn cầu đã phải đối mặt với nhiều thất bại trong năm qua. Việc kênh bị tắc nghẽn có thể gây ra hiệu ứng domino. "Cũng giống như trên đường liên quốc gia, một khi tai nạn được giải tỏa, bạn vẫn gặp phải nút thắt cổ chai khi mọi người đang cố gắng lao qua", ông Maier nói.
Các cảng đã lên kế hoạch chiến lược về nhu cầu lao động và khả năng giảm tải, vì vậy, ngay cả những sự chậm trễ nhỏ cũng có thể dẫn đến sự chậm trễ lớn có khả năng làm trật bánh toàn bộ chuỗi cung ứng. Chuỗi có thể bị gián đoạn bởi dòng chảy của các tàu bị trì hoãn trong khi nhiều tàu bị tắc nghẽn, còn nhiều tàu phải đến đích (qua điểm tắc nghẽn) đúng giờ.
Mặc dù có thể có một số điểm bất khả kháng trong hợp đồng thuê tàu, chẳng hạn như thời tiết bất lợi hoặc thời gian chờ đợi để vào cảng, "nhưng hợp đồng thường không bao gồm kế hoạch đóng cửa Kênh đào Suez trong nhiều ngày", ông Browne nói . Nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài thêm nữa, các tàu bị mắc kẹt ở hai bên sông Suez có thể quyết định quay đầu và đi theo con đường xuống quanh mũi phía nam của châu Phi.
Các tác động Ever Given có thể được chuyển sang khách hàng gánh chịu dưới dạng chậm trễ, giá cao hơn và ảnh hưởng đến mọi thứ, từ nhiên liệu, giày thể thao đến TV. Ông McManus nói: "Có tất cả mọi thứ trên con tàu đó. "Nếu bạn mua nó trong một cửa hàng, nó nằm trên con tàu đó".