Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nguyễn Kim Holdings liên quan trong sai phạm của ông Tất Thành Cang là công ty nào?

Doanh nghiệp

17/12/2020 20:13

Nguyễn Kim Holdings của gia đình doanh nhân Nguyễn Văn Kim từng có doanh thu 400 triệu USD, mới đầu tư bất động sản nhưng trúng thầu nhiều dự án đất công.

Trong những sai phạm của ông Tất Thành CangThanh tra TP.HCM kết luận, thương vụ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim mua lại 9 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) được thực hiện trái chỉ đạo, vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí.

Nguyễn Kim Holdings - doanh nghiệp đa ngành, từng có vốn 5.000 tỷ

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Holdings) thành lập ngày 6/3/2007, hiện tại do ông Nguyễn Minh Nhật làm người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.

Theo tìm hiểu, Nguyễn Kim Holdings cùng với Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT, là 3 nhánh chính của hệ thống Nguyễn Kim Group do ông Nguyễn Văn Kim (sinh năm 1969) sáng lập.

Thương mại Nguyễn Kim là đơn vị quản lý hệ thống điện máy Nguyễn Kim, còn Công ty NKT là công ty mẹ. Đây là 2 pháp nhân đã về tay Central Group của gia đình Chirathivat, gia đình giàu thứ 2 Thái Lan. Còn Nguyễn Kim Holdings là pháp nhân đầu tư vào nhiều lĩnh vực, không bị doanh nghiệp xứ chùa vàng thâu tóm.

Thương mại Nguyễn Kim và NKT là 2 công ty về tay Central Group, không phải Nguyễn Kim Holdings. Ảnh: Nguyễn Kim
Thương mại Nguyễn Kim và NKT là 2 công ty về tay Central Group, không phải Nguyễn Kim Holdings. Ảnh: Nguyễn Kim

Ban đầu, Nguyễn Kim Holdings có vốn điều lệ 800 tỷ đồng với 5 cổ đông sáng lập, gồm Công ty Cổ phần Dược phẩm 3/2, Công ty Cổ phần Hoàn Mỹ, Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Kho Vận, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh và ông Nguyễn Văn Kim. Trong đó, cổ đông lớn nhất là ông Nguyễn Văn Kim, với tỷ lệ sở hữu 28,56%. Ông Kim cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật thời điểm đó.

Đến tháng 10/2017, Nguyễn Kim Holdings nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Theo bố cáo, số vốn này 100% đến từ tư nhân nhưng không ghi rõ ai là cổ đông rót vốn. Được biết, cơ cấu cổ đông của Nguyễn Kim trong giai đoạn 2017-2018 ít thay đổi, và 81,3% được nắm giữ bởi bà Nguyễn Thị Hương, mẹ của ông Nguyễn Văn Kim.

Đến tháng 4/2019, vốn giảm còn 3.781,55 tỷ đồng. Một tháng sau, Nguyễn Kim Holdings tiếp tục rút gọn vốn chủ sở hữu về 3.000 tỷ đồng. Tháng 8/2019, ông Nguyễn Văn Kim không còn là Chủ tịch, người tiếp quản  ghế Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện theo pháp luật là Nguyễn Minh Nhật (1994), con trai ông Kim.

Doanh thu 400 triệu USD, nắm quyền nhiều công ty nông nghiệp

Trong một bản tin tuyển dụng, Nguyễn Kim Holdings giới thiệu là tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại, tài chính, dược, nông nghiệp.

Theo Dân Việt, vào giai đoạn tăng trưởng thần kỳ năm 2011, Nguyễn Kim Holdings từng đạt doanh thu lên đến 400 triệu USD, tăng 30% so với năm 2010. Các nhà lãnh đạo Nguyễn Kim lúc bấy giờ đặt một mục tiêu đầy tham vọng: tăng trưởng gấp 5 lần sau 5 năm, với doanh thu 2 tỷ USD cho năm 2015.

Với lĩnh vực nông nghiệp và dược phầm, Nguyễn Kim đã và đang đầu tư vào các công ty tại Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thông qua cổ phần hóa, Nguyễn Kim Holdings từng là cổ đông lớn hay nắm quyền chi phối tại các công ty như Hoàn Mỹ, Angimex, Du lịch An Giang, Lương thực thực phẩm Vĩnh Long, Sài Gòn Lương thực hay Docimexco,… là những công ty thuộc nhóm dẫn đầu trong ngành nông nghiệp.

Nguyễn Kim Holdings đã từng thắng lớn khi ngành lương thực bội thu vào năm 2008. Tuy nhiên, kể từ đỉnh cao đó, tình hình kinh doanh của các công ty lương thực nói chung cũng như các công ty lương thực thành viên của Nguyễn Kim đều giảm sút. Một số công ty như Docimexco, Vĩnh Long Food lỗ lũy kế tới cả trăm tỷ đồng. Riêng Angimex là khoản đầu tư đem lại kết quả tích cực nhất cho Nguyễn Kim Holdings, khi chưa năm nào thua lỗ.

Nguyễn Kim Holdings thâu tóm được Dược phẩm Lâm Đồng sau 6 năm đầu tư. Ảnh: Ladophar
Nguyễn Kim Holdings thâu tóm được Dược phẩm Lâm Đồng sau 6 năm đầu tư. Ảnh: Ladophar

Về dược phẩm, tháng 5/2019, Nguyễn Kim hoàn tất mua hơn 1,36 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar), với giá trị ước tính gần 43 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu sau thương vụ của Nguyễn Kim là 51,15%.

Nguyễn Kim đã đầu tư tại dược Lâm Đồng từ năm 2014 và có kế hoạch thâu tóm vào cuối 2017, khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn, nhưng không thành công.

Mới đầu tư bất động sản nhưng được giao nhiều dự án có nguồn gốc đất công

Vài năm trở lại đây, cái tên Nguyễn Kim bắt đầu xuất hiện ở mảng địa ốc, trải dài từ Bắc với Nam. Điều khiến thị trường chú ý là Nguyễn Kim Holdings nắm hàng loạt dự án có nguồn gốc công.

Tháng 1/2018, dự án Trung tâm Văn hóa Điện Ảnh TP.HCM (Tân Bình, TP.HCM) khởi công. Đây là dự án được xây dựng trên khu đất 3.643m2, là rạp chiếu phim Tân Sơn Nhất trước đây. Nguyễn Kim được giới thiệu là 1 trong 2 chủ đầu tư của dự án này, chủ đầu tư còn lại là Viện Phim Việt Nam.

Dự án Trung tâm Văn hóa Điện Ảnh TP.HCM là một trong nhiều dự án bất động sản có nguồn gốc tài sản công mà Nguyễn Kim tham gia với vai trò là chủ đầu tư.

Phối cảnh Trung tâm Văn hóa Điện Ảnh TP.HCM. Ảnh: Coteccons
Phối cảnh Trung tâm Văn hóa Điện Ảnh TP.HCM. Ảnh: Coteccons

Trước đó năm 2016, Nguyễn Kim được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định cho thuê 50 năm đất thực hiện dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ Giải trí Văn phòng và Khách sạn Nguyễn Kim, thuộc Khu du lịch - thương mại Hùng Vương (Phú Hội, TP. Huế) có diện tích 6.126,8 m2. Dù thông qua hình thức đấu giá, nhưng chỉ có duy nhất Nguyễn Kim là nhà đầu tư tham gia trong đợt đấu giá, để thuê khu đất này.

Tại Đắk Lắk, Nguyễn Kim được lựa chọn là nhà đầu tư dự án Khu Trung tâm Thương mại Dịch vụ Giải trí Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột theo hình thức chỉ định thầu.

Khu Trung tâm Thương mại Dịch vụ Giải trí Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột. Ảnh: Fanpage Buôn Mê Thuột City
Khu Trung tâm Thương mại Dịch vụ Giải trí Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột. Ảnh: Fanpage Buôn Mê Thuột City

Nguyễn Kim còn đầu tư vào các công ty địa ốc khác. Năm 2015, Nguyễn Kim đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tràng Thi, một thành viên trực thuộc Hapro, với tỷ lệ sở hữu 20%. Tràng Thi là doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án đắc địa tại Hà Nôi, như Chung cư Tràng Thi Minh Khai, Trung tâm Thương mại dịch vụ và Nhà ở Xuân Thủy, Tổ hợp Trung tâm Thương mại dịch vụ Cát Linh. Nhưng năm 2016, Nguyễn Kim chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ sang Tập đoàn T&T của Bầu Hiển.

Nguyễn Kim Holdings cũng đang nắm giữ 70% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Vĩnh Hội. Đây liên doanh giữa Nguyễn Kim và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), để phát triển dự án trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ với diện tích hơn 7.000m2 tại số 132 Bến Vân Đồn, TP.HCM. Khu đất này hiện đã chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt.

Ngoài ra, Nguyễn Kim còn được giao phát triển dự án tại số 561 Kinh Dương Vương từ tháng 11/2014, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Khu đất 132 Bến Vân Đồn giờ là dự án Masteri Millennium. Ảnh: Coteccons
Khu đất 132 Bến Vân Đồn giờ là dự án Masteri Millennium. Ảnh: Coteccons

Gần đây nhất là thương vụ Nguyễn Kim nhận chuyển nhượng 11% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Kim Thành từ TTC Land. Được biết cuối năm 2016, TTC Land và Nguyễn Kim thành lập Địa ốc Kim Thành với vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Trong đó, TTC Land nắm tỷ lệ 59%, Nguyễn Kim nắm 40% và một cá nhân nắm giữ 1%.

Liên quan đến việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố, Nguyễn Kim Holdings là đơn vị đã mua 9 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECI) và trở thành cổ đông chiến lược.

Cụ thể, SADECO là thành viên của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Năm 2015, Tân Thuận có vốn sở hữu tại SADECO là 44%. Tháng 6/2017, SADECO chuyển nhượng cho Nguyễn Kim Holdings 9 triệu cổ phiếu, thu về 360 tỷ đồng. Số tiền này được SADECO gửi ngân hàng dù mục đích ban đầu là để tài trợ cho dự án bất động sản.

Việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim Holdings đã làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại SADECO từ 44% xuống 28,8%. Còn tỷ lệ sở hữu của Nguyễn Kim tăng lên 54%.

Thanh tra TP.HCM cho rằng thời điểm phát hành cổ phiếu, SADECO chưa cần thiết tăng vốn. Riêng phần thiệt hại về chênh lệch cổ phiếu đã lên tới 153 tỷ đồng. Nếu tính cả việc đầu năm 2017, nhà đất khu Nam ảnh hưởng sốt đất, giá tăng rất nhiều nên giá trị thiệt hại thực tế rất lớn.

Văn bản Tân Thuận giải trình ghi đây là ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement