25/02/2017 09:27
Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản tăng gần 12 lần
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) đã thu hút 345,5 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.
Theo thống kê của cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong gần hai tháng đầu năm 2017, dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 345,5 triệu USD vào lĩnh vực BĐS Việt Nam, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư FDI và tăng gần 12 lần so với mức 29,07 triệu USD của cùng kỳ 2016.
Cục Đầu tư nước ngoài đã cấp mới cho 11 dự án BĐS với số vốn đăng ký tương ứng là 308,95 triệu USD. Có 2 dự án tăng vốn và có 14 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị gần 59 triệu USD. Tính lũy kế tới tháng 2, lĩnh vực kinh doanh BĐS đã thu hút 52,4 tỷ USD (chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư).
Tính đến ngày 20/02, cả nước có 313 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,028 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; có 137 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 759,51 triệu USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2016 và 654 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 619 triệu USD, gần gấp 4 lần so với cùng kỳ 2016.
Hiện tại, 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 881,6 triệu USD, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 721,7 triệu USD, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 637,1 triệu USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư.
Trong đó, Bình Dương là địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất với tổng số vốn đăng ký là 791,2 triệu USD, chiếm 23,22% tổng vốn đầu tư.
Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 519 triệu USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư.
TP.HCM đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký là 464,2 triệu USD chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư.
Mới đây, giới kinh doanh BĐS TP.HCM đã chứng kiến lễ ra mắt liên doanh đầu tư giữa Tập đoàn Maeda (Nhật Bản) và Công ty Thiên Đức để phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina Suites với tổng đầu tư 30 triệu USD tại quận 2.
Dự án này được xem là “đối thủ” đáng gờm về chất lượng, giá cả cho nhiều nhà đầu tư nội địa tại khu vực đang khá phát triển này.
Trước đó, Tập đoàn Mitsubishi đã ký kết với Bitexco thành lập liên doanh phát triển dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 290 triệu USD.
Một “đại gia” khác là Kajima, tập đoàn xây dựng 176 năm tuổi đến từ Nhật Bản vừa cùng Indochina Capital ra mắt liên doanh với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Chủ đầu tư này cho biết, trước mắt sẽ triển khai 4 dự án BĐS cao cấp tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
“Đình đám” hơn cả là thương vụ một nhà đầu tư Nhật Bản bỏ 1.200 tỷ đồng cùng với Công ty Tiến Phát tham gia mua lại một số dự án BĐS cao cấp và trung cấp. Còn Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản) đầu tư vào Công ty BĐS An Gia số tiền 200 triệu USD cùng phát triển các dự án BĐS tại TP.HCM.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp