07/02/2020 16:39
Nguồn nguyên liệu khan hiếm khiến xuất khẩu thủy sản sụt giảm
Nguồn nguyên liệu khan hiếm, khó cạnh tranh với các nguồn cung khác tại các thị trường nhập khẩu khiến xuất khẩu liên tục sụt giảm.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu hải sản Việt Nam đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2018, chủ yếu tăng ở cá ngừ (tăng 10,2% đạt 719,5 triệu USD), cua ghẹ giáp xác khác (tăng 11% đạt gần 149 triệu USD) và các loại cá biển khác (tăng 16,2% đạt 1,7 tỷ USD). Trong đó tới 65-70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Xuất khẩu mực, bạch tuộc năm 2019 giảm 14,2% đạt 576,7 triệu USD.
Riêng trong tháng 12/2019, xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt gần 263,2 triệu USD, giảm 1,7% so với tháng 12/2018. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 50,5 triệu USD, giảm 9,2%, xuất khẩu cá biển khác (trừ cá ngừ) đạt trên 147 triệu USD, tăng 20%, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 45,5 triệu USD, giảm 30,5% và xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 8% đạt 8,7 triệu USD, xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác giảm 30,7% đạt gần 11 triệu USD.
Nguồn nguyên liệu khan hiếm khiến xuất khẩu thủy sản liên tục sụt giảm. |
Xuất khẩu hải sản tăng chủ yếu ở các thị trường khác, trong khi xuất khẩu sang thị trường EU sụt giảm khoảng 10%, trong đó cá ngừ giảm 11,8%, mực, bạch tuộc giảm 19,3% và từ thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. EU đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ đứng thứ 2 sau Mỹ, chiếm 19,4% xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Đối với mực, bạch tuộc EU là thị trường đứng thứ 4 sau Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, chiếm 11,6%.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc năm 2019 giảm 14,2% đạt 576,7 triệu USD, không chỉ giảm ở thị trường EU mà hầu hết các thị trường nhập khẩu chính. Nguồn nguyên liệu khan hiếm, khó cạnh tranh với các nguồn cung khác tại các thị trường nhập khẩu khiến xuất khẩu liên tục sụt giảm.
Cá ngừ: Năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 719,5 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018 trong đó xuất khẩu cá ngừ mã HS 03 tăng 19,8%, cá ngừ mã HS 16 giảm 0,6%. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là cá ngừ loin/phile đông lạnh với 368,4 triệu USD, tiếp đến là cá ngừ hộp với trên 181 triệu USD, các sản phẩm chế biến khác khoảng 123 triệu USD, còn lại là cá ngừ tươi/đông lạnh với trên 46,8 triệu USD.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 44% trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đi các thị trường. Năm 2019, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng tốt 37,8% đạt 316,3 triệu USD. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, chiếm tỷ trọng 19,4%. Trong 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối EU (Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan), xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng, xuất khẩu sang hai thị trường còn lại giảm.
Mực, bạch tuộc: Năm 2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 576,7 triệu USD, giảm 14,2% so với năm 2018. Năm 2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam chỉ tăng trong hai tháng 1 và 3/2019, các tháng còn lại đều giảm.
Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam, bạch tuộc chiếm tỷ trọng cao hơn với 50,8%, còn lại mực chiếm 45,4%. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỷ trọng 71%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (chiếm 29%).
Năm 2019, xuất khẩu tất cả các mặt hàng mực, bạch tuộc của Việt Nam đều giảm trong đó xuất khẩu mực giảm 24,4%, xuất khẩu bạch tuộc giảm 10%. Mực khô/nướng (HS 03) giảm mạnh nhất 25,8% so với năm 2018.
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39,9% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường. Năm 2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt hơn 230 triệu USD, giảm 14,8% so với năm 2018. Sau khi tăng trưởng liên tục trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc giảm liên tục từ tháng 5 đến hết năm 2019.
Trong cơ cấu sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, bạch tuộc vẫn chiếm ưu thế với 75%, còn lại mực chiếm 25%. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc từ Việt Nam như mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá…
Nhật Bản, thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam, nhập khẩu 140,5 triệu USD mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong năm 2019, giảm 8,9% so với năm 2018. xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật giảm liên tục từ tháng 8 đến hết năm 2019.
Tỷ trọng mực và bạch tuộc của Việt Nam xuất sang Nhật Bản gần tương đương. Trong cơ cấu mực, bạch tuộc của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, mực tươi/đông lạnh (HS 03) chiếm tỷ trọng cao nhất.
Năm 2019, ASEAN vươn lên là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này đạt 70,3 triệu USD, giảm 14,7% so với năm 2018.
Advertisement
Advertisement