27/09/2020 10:56
Nguồn gốc của ngày cúng Tổ sân khấu
Tất cả nghệ sĩ khi bước vào nghề đều tin rằng luôn có ông Tổ. Vì thế, đến ngày 12/8 âm lịch hàng năm, giới nghệ sĩ đều tập trung về các sân khấu để thực hiện nghi lễ cúng Tổ, thể hiện lòng biết ơn và cầu mong Tổ nghề phù trợ cho sự nghiệp.
Người nghệ sĩ khi bước vào nghề mang ý nghĩ có Tổ nghề phù trợ và vẫn thắp hương thành kính trước khi bước lên sân khấu, vẫn tỏ lòng thành trong những ngày giỗ tổ hàng năm.
Nói về nguồn gốc của ông Tổ ngành sân khấu sẽ có rất nhiều giai thoại để minh chứng cho lễ cúng Tổ.
Một trong những câu chuyện được nhiều người tin nhất là chuyện về một vị vua lên ngôi đã lâu nhưng mãi vẫn không có con. Hàng ngày vua đều lập bàn cúng tế cầu mong trời Phật. Mỗi lần làm lễ lại cho người đóng vai thần tiên múa hát.
Lòng thành được chứng giám, hoàng hậu sinh ra hai người con trai. Từ đó mỗi năm nhà vua đều cho làm lễ để tạ ơn trời phật.
Hai hoàng tử lớn lên ham mê ca hát đến nỗi quên ăn quên ngủ, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, trở nên xanh xao ốm yếu. Không muốn con mình lâm vào cảnh bệnh tình, vua cha vì vậy mà cấm con xem hát.
Vì quá mê xem hát nên hai hoàng tử quyết định chui vào bộng cây vông để trốn theo gánh hát nhưng không may xảy ra hỏa hoạn, hai hoàng tử chết cháy bên trong cây vông nam vào đúng ngày 12/8 Âm lịch (ngày lễ giỗ Tổ hàng năm).
Nhưng dù đã về bên kia thế giới, thỉnh thoảng họ vẫn hiện về để xem hát nên con hát quyết lập bàn thờ, phụng kính là Tổ. Do vậy, giới nghệ sĩ quyết định lập bàn thờ phụng kính là Tổ nghiệp. Từ đó người ta lấy gỗ vông khắc thành những tượng nhỏ như búp bê để làm tượng Tổ.
Nghệ sĩ Hoài Linh thực hiện nghi thức cúng Tổ tại đền thờ Tâm linh Việt. Ảnh: Zing |
Câu chuyện khác cũng có liên quan đến những vị hoàng tử có tên lần lượt là Càn, Chơn và Chất. Cả ba vị hoàng tử đều đam mê xem hát nên đã nghĩ ra cách dùng quả thị làm ám hiệu để trốn vua cha.
Một ngày nọ, không rõ cớ gì, chỉ có Chơn và Chất đi xem hát, trên đường về, hai hoàng tử mắc một trận mưa lớn và chết vì bệnh nặng.
Sau khi hai em chết, Hoàng tử Càn lên ngôi nhưng ông làm vua chẳng được bao lâu. Vì thương nhớ hai em và mê hát, ông đã bỏ cung đình và tìm người lập gánh hát. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, mùa mưa bão chẳng ai thuê nên gánh rã.
Gom tài sản vào hai chiếc thúng, hoàng tử Càn gánh đi nhưng đất trời khắc nghiệt, ông gục ngã khi quá kiệt sức. Nghe đâu trước khi qua đời, ông còn gọi tên hai em.
Ở nơi ông mất, nhiều người nói họ nhìn thấy bóng hình của ba anh em ôm nhau trong hương thơm ngào ngạt của quả thị. Lúc sống mê hát, lúc chết vẫn nguyên như thế. Họ tìm đến những gánh hát để tá túc và giúp đỡ con hát.
Sau này, người ta thường lấy ngày hoàng tử Càn mất để làm ngày tưởng nhớ ba anh em và xem họ là Tổ nghề.
Trịnh Kim Chi làm lễ giỗ Tổ ở sân khấu của chị. |
Nhiều nghệ sĩ tin rằng Tổ của ngành sân khấu gồm ba vị là Tiên sư, Tổ sư và Thánh sư, gọi chung là Tam vị Thánh Tổ. Tiên sư là vị khai sáng ra nghề, Tổ sư là người tiếp nối, lưu truyền nghề và Thánh sư là vị soạn giả có tài văn chương.
Cũng có giai thoại cho rằng ông Tổ sân khấu xuất thân là ăn mày, ăn cướp... Đó là lý do thời xưa, các nghệ sĩ rất ngại cho tiền người ăn xin vì sợ mạo phạm. Có nghệ sĩ kỵ cho tiền người ăn mày, và cũng có người tin kẻ cướp sẽ không cướp của các đoàn hát.
Một nghệ sĩ chia sẻ trên Zing.vn: “Kể cả giai thoại đó là thật cũng không có ảnh hưởng gì. Nghề sân khấu xét cho cùng phải học từ nhiều ngành, nhiều nghề, phải quan sát, học hỏi, kể cả học hỏi từ ăn mày, ăn cướp. Nghệ sĩ là tôn trọng và biết ơn mọi người”.
Chia sẻ trên Tri Thức Trẻ, NSND Bằng Phi cho biết sở dĩ có nhiều câu chuyện về ông Tổ sân khấu cũng chỉ là cách để duy trì sự tôn ti, trật tự và thái độ làm nghề nghiêm túc của người nghệ sĩ.
Đến nay, khi nói về nguồn gốc ông Tổ của ngành sân khấu còn rất nhiều điểm chưa được chứng thực. Tuy nhiên, dù thế nào đó cũng là lời nhắc về nguồn gốc cho những người làm nghệ thuật.
Đền thờ Tâm linh Việt của Hoài Linh hiện được xem là một trong những địa điểm hiếm hoi hiện nay mô tả giai thoại dân gian về Tổ nghiệp ngành sân khấu thông qua kiến trúc và cách bày trí tượng là. Đền thờ Tâm linh Việt có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm bái đường 5 gian và chính điện.
Đền thờ Tâm linh Việt của Hoài Linh. |
Trong chính điện, có tôn tượng của Tam vị Thánh Tổ. Bên dưới Tam vị Thánh Tổ có tôn tượng nhỏ đặt trong tủ kính, được cho là tôn tượng của hai hoàng tử trong giai thoại về tổ nghiệp của ngành sân khấu.
Một trong những điểm nhấn ở đền thờ Tâm linh Việt là Hoài Linh còn thờ bách gia trăm họ, khán giả ân nhân với ý nghĩa khán giả, người dân chính là ân nhân, những người yêu thương và nuôi sống các nghệ sĩ.
Đến ngày 12/8 âm lịch hàng năm, đông đảo giới nghệ sĩ, những người theo nghề sân khấu đều tập trung đến đền thờ Tâm linh Việt của Hoài Linh cũng Tổ. Tuy nhiên, khác với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nghệ sĩ Hoài Linh thông báo sẽ không tổ chức và mở cửa đón khách như mọi năm.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement