Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nguồn cung nhà ở vẫn nhỏ giọt

Dù Chính phủ quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án, song trên thực tế, tốc độ gỡ vướng chậm chạp được chỉ ra như là nguyên nhân chính khiến nguồn cung nhà ở chưa thể tăng nhanh.

Nhiều dự án được gỡ vướng…

Thông tin về kết quả gỡ vướng cho các dự án bất động sản mới đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng (thuộc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, cơ quan này đã lần lượt làm việc trực tiếp với nhiều địa phương để rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn, tại TP.HCM, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị. Qua đó, xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Sau khi Tổ công tác, Bộ Xây dựng trao đổi, hướng dẫn, cơ bản các khó khăn, vướng mắc đã được làm rõ và giải quyết.

Theo đó, đến nay, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Nguồn cung nhà ở vẫn nhỏ giọt - Ảnh 1.

Nhiều dự án triển khai trở lại sau khi được gỡ vướng pháp lý. Ảnh: Dũng Minh

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nhiều lần trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe nhiều chủ đầu tư trình bày khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn và đến nay, việc tháo gỡ ghi nhận một số kết quả bước đầu.

Số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, trên địa bàn thành phố có hơn 150 dự án thuộc diện rà soát pháp lý. Các dự án này đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ nhưng chưa xong do vướng nhiều quy định pháp luật hoặc do chưa được pháp luật quy định.

Trong đó, một số dự án của các đơn vị gồm Sơn Kim Land, Gotec Việt Nam, Gamuda Land, CapitaLand và Novaland được huy động vốn từ khách hàng cho khoảng 50% số lượng nhà ở hình thành trong tương lai, tương ứng 5.432 căn nhà. Đây là các dự án đang chờ rà soát pháp lý nhưng chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ trước. Bên cạnh đó, 1 dự án chung cư tại quận 4 và 1 dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh cũng được Thành phố cho ý kiến, chỉ đạo các sở, ngành rà soát, giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, việc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thành phố thời gian qua đã tập trung cho việc tháo gỡ khó khăn về chính sách, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Đặc biệt, sự chuyển biến trong cấp phép, gỡ vướng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự án bất động sản là cơ sở để gia tăng nguồn cung cho thị trường thời gian tới.

… nhưng nguồn cung chưa thể tăng nhanh

Ghi nhận thực tế cho thấy, dù đón nhận nhiều thông tin tích cực và những vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý dự án đang được tập trung tháo gỡ, nhưng nguồn cung trên thị trường vẫn khan hiếm.

Tại TP.HCM, số liệu từ Sở Xây dựng Thành phố cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ có 14 dự án với 14.286 căn nhà đủ điều kiện huy động vốn nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, 9.235 căn thuộc phân khúc cao cấp với mức giá bán trên 40 triệu đồng/m2, chiếm tỷ lệ 64,64%; hơn 5.000 căn hộ còn lại thuộc phân khúc trung cấp, có giá bán dao động từ 20-40 triệu đồng/m2.

Việc điều chỉnh lãi suất cho vay cố định khoảng 8%/năm hỗ trợ người dân vay mua nhà để ở, đẩy nhanh gỡ vướng pháp lý dự án và tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư nhằm nhanh chóng gia tăng nguồn cung cho thị trường là hết sức cần thiết thời điểm này.

Hay tại Bình Dương, trong giai đoạn 2020-2021, thị trường bất động sản nơi đây đứng trước nỗi lo bội thực nguồn cung khi liên tục đón nhận hàng trăm dự án mới, chẳng hạn trong năm 2020, toàn thị trường có khoảng 20.000 căn hộ đến từ 243 dự án, chủ yếu tập trung tại 2 thành phố mới Thuận An và Dĩ An, tiếp đến là Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2022-2023, nguồn cung sụt giảm mạnh, khi từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ có 5 dự án với tổng số 2.070 căn hộ đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai và từ nay tới cuối năm, nguồn cung mới dự báo vẫn chưa có sự đột phá.

Tương tự, tỉnh Đồng Nai vốn được xem là cửa ngõ phía Nam với hệ thống đường giao thông “xương sống” quốc gia như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục Quốc lộ 1A nối các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ với TP.HCM… Với vị trí đắc địa và giao thương tấp nập, địa phương này đã và đang thu hút mạnh mẽ dòng với đầu tư, trong đó có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, những dự án được mở bán ra thị trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lý giải thực tế này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở, CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản đang đối diện với rất nhiều thách thức, đặc biệt là sự mất cân đối cung - cầu.

“Thời gian qua, thị trường bất động sản tăng giá liên tục, các sản phẩm tầm trung và bình dân gần như không còn, trong khi nhu cầu phần lớn tập trung ở những phân khúc này”, ông Kiệt nói và cho biết thêm, các vướng mắc về pháp lý dự án vẫn hiện hữu, áp lực tăng lãi suất vẫn lớn, có giai đoạn lên tới hơn 15%/năm… đã ảnh hưởng đến tâm lý bên mua.

Tuy nhiên, bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế nên Chính phủ ưu tiên gỡ khó, mạng lưới cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư với kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho bất động sản phát triển. Từ đó, ông Kiệt nhận định, thị trường bất động sản dù còn nhiều khó khăn nhưng tiềm năng phát triển vẫn lớn và ngày một ổn định, bền vững hơn.

Theo các thành viên thị trường, trong tình thế hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng là “chiếc phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp địa ốc. Vì vậy, vấn đề cốt lõi đầu tiên cần làm là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.

Nói như ông Trần Hữu Nghị - Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng thương mại Thiên Đức, giải pháp tín dụng vẫn là giải pháp có tính đột phá và có tính lan tỏa nhanh nhất, rộng khắp nhất lúc này. Do đó, lãi suất cho vay cần phải giảm xuống dưới mức 10%/năm mới có thể kích cầu bất động sản.

Còn Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group cho rằng, nên xem “phá băng” bất động sản là nỗ lực chung trong nhiệm vụ hồi phục và ổn định kinh tế vĩ mô, bởi không một cá nhân hay doanh nghiệp riêng lẻ nào có thể làm được, mà cần sự chung tay, đồng lòng của các thành viên thị trường, các mắt xích của nền kinh tế. Đặc biệt, việc điều chỉnh lãi suất cho vay cố định khoảng 8%/năm hỗ trợ người dân vay mua nhà để ở, đẩy nhanh gỡ vướng pháp lý dự án và tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư nhằm nhanh chóng gia tăng nguồn cung cho thị trường là hết sức cần thiết ở thời điểm này.

Theo TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường bất động sản sẽ bước vào chu kỳ phục hồi từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Theo đó, các dự án sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn, tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường.

“Với nhà ở thương mại hiện hữu, 47% dự án đang gặp vướng mắc liên quan đến pháp lý. Trong đó, quy định dự án phải có đất ở để được chấp thuận chủ đầu tư là vướng mắc lớn nhất. Với các dự án nhà ở thương mại mới, kỳ vọng việc hoàn thiện các sắc luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… sẽ giúp việc phát triển các dự án trở nên thuận lợi hơn”, ông Khôi nói.

VIỆT DŨNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement