12/08/2022 16:45
Người lao động ở TP.HCM sẽ được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà chậm nhất là đến đầu tháng 9
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 30/8 cả nước phải cơ bản hoàn thành việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, riêng TP. HCM có thể chậm một chút nhưng phải xong trong đầu tháng 9.
Tại cuộc họp đôn đốc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 sáng 12/8, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đã có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ, có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Lai Châu và Điện Biên.
Số hồ sơ đã được giải ngân là 17.627 doanh nghiệp với 1.117.107 lao động, hơn 787,9 tỷ đồng (đạt 12,14% so với dự kiến). Riêng tỉnh Cao Bằng báo cáo tính đến thời điểm ngày 10/8/2022 không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ. Hiện có 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
Tại TP. HCM, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, thành phố có số lượng doanh nghiệp và lao động rất lớn, do đó nên cần thời gian thực hiện. Tính đến ngày 12/8, TP. HCM đã tiếp nhận hơn 870.000 hồ sơ (chiếm 26,88%) nhưng mới giải ngân cho trên 272.000 lao động (đạt 8,13%). Việc phê duyệt hồ sơ của quận huyện còn chậm do thận trọng khi triển khai, trùng lắp thông tin, hồ sơ còn thiếu sót…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc triển khai gói hỗ trợ thuê nhà lần này của TP.HCM chậm dù rất thuận lợi khi có danh sách được bảo hiểm xã hội xác nhận, có số tài khoản của người lao động. Nhưng đoàn công tác của Bộ còn phát hiện TP.HCM "đẻ" nhiều thủ tục khác nhau: Giấy phép kinh doanh, tạm trú tạm vắng thì làm sao triển khai nhanh được.
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với Bảo hiểm xã hội TP. HCM vào cuộc quyết liệt và có thư gửi Chủ tịch UBND thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai gói 6.600 tỷ đồng. Ông cũng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM tham mưu UBND thành phố có văn bản gửi doanh nghiệp rà soát và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động trước 15/8. Số đã phê duyệt thì khẩn trương giải ngân, đồng thời yêu cầu xác nhận nhanh hồ sơ đã gửi nhưng chưa được duyệt.
Bộ sẽ cử đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và cùng thành phố tháo gỡ. Cần nữa thì đoàn liên ngành của Chính phủ sẽ kiểm tra việc thực hiện của thành phố. Nếu TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ giải ngân xong thì toàn quốc cơ bản xong. Bộ trưởng nêu rõ và nhấn mạnh ngày 30/8 cả nước phải cơ bản hoàn thành việc giải ngân này, riêng thành phố chậm một chút nhưng nhất quyết phải trong đầu tháng 9.
Tại Bình Dương, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay số hồ sơ đã chuyển sang cơ quan cấp huyện phê duyệt là hơn 860.000 lượt người với số tiền 577 tỷ đồng, trong đó số đã chi khoảng 88 tỷ, đạt 15% so với số phê duyệt. Việc giải ngân chậm do một số địa phương mới nhận được kinh phí chiều qua, trước đây phải tạm ứng một số nguồn để chi. Sau khi nhận đủ kinh phí được cấp Bình Dương sẽ chi trả cho người lao động tại các doanh nghiệp có quyết định phê duyệt. Bình Dương dự kiến hoàn thành tiếp nhận hồ sơ trong ngày 15/8, còn kết thúc phê duyệt vào 31/8.
Thông cảm với Bình Dương vì có số lao động hỗ trợ lớn, từng là tâm dịch, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc hỗ trợ tiền thuê trọ lần này tỉnh làm rất chậm cả ở việc tiếp nhận hồ sơ đến phê duyệt và chi trả.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phải tiếp nhận hồ sơ xong trước ngày 15/8; chậm nhất 30/8 tất cả các địa phương hiện nay tỷ lệ giải ngân thấp phải hoàn thành việc chi trả, còn những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 30 – 40% thì 20 – 25/8 phải xong.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra, làm công khai minh bạch, "Làm vì dân thì không sợ gì cả, chỉ sợ tiền chạy nhầm chỗ, còn lại không ai động đến chúng ta nếu làm nghiêm túc, cứ mạnh dạn mà làm" Bộ trưởng cho biết.
Dự kiến, trong tuần tới, đoàn liên ngành sẽ đi kiểm tra làm việc tại một số địa phương như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp