26/11/2020 09:54
Người lao động gốc Việt ở Úc bị phân biệt đối xử trong dịch COVID-19, chỉ được trả lương bằng 1/3 so với thực tế
Thực trạng công nhân Việt Nam bị bóc lột sức lao động ở nước ngoài không mới nhưng giữa thời COVID-19 câu chuyện này lại càng dấy lên rất nhiều bức xúc.
Giữa muôn vàn khó khăn về vấn đề tìm việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một số công nhân nhận gia công may mặc chấp nhận nhận những đồng lương ít ỏi để có việc làm.
Theo tờ ABC ghi nhận, không chỉ người lao động Việt Nam mà hầu hết công nhân lao động tại Úc đều có chung một khó khăn là vốn tiếng Anh bị hạn chế và ít hiểu biết về quyền lợi hợp pháp từ chính công việc họ đang làm. Còn đối với một số cơ sở kinh doanh do người bản xứ quản lý xem đó là một cơ hội để bóc lột sức lao động của người khác để thu về lợi nhuận cho riêng mình.
Không được lên tiếng hay mặc cả mức lương
Là một trong số những người nhận gia công may mặc tại nhà, bà Ghet Kỳ, người có 25 năm kinh nghiệm trong nghề, cho biết: “Nhận may gia công tại nhà là công việc quen thuộc và cũng là nguồn tạo ra thu nhập chính của tôi’. Trao đổi với phóng viên hãng ABC, bà Kỳ chia sẻ: “Trong đại dịch COVID-19, tôi nhận được một số việc như khẩu trang y tế nhưng với giá cực kỳ thấp”.
Bà Kỳ hiểu được những chiêu trò của chủ cơ sở cho thuê nhưng vẫn phải "cam chịu" để có được công việc ổn định. Ảnh: ABC. |
Theo lời kể của bà, mỗi một cái khẩu trang bà được trả 80 cent, tương đương khoảng 18.000 đồng. Là người có kinh nghiệm làm gia công lâu năm, bà khẳng định đây là khoản tiền không tương xứng với công sức và thời gian bỏ ra. Bà Kỳ ước tính, với công việc này bà sẽ nhận khoảng 7 đô la Úc (162.000 đồng) mỗi giờ trong khi tại Úc mức lương tối thiểu hằng giờ phải là 20,41 đô la Úc (473.000 đồng). Có nghĩa, người thuê cô đã cố tình cắt xén mức lương gia công đến 3 lần so với thực tế.
Từ chối đơn hàng gia công trên, bà Kỳ hợp tác với cơ sở khác làm 300 chiếc khẩu trang ở mức giá cao hơn là 3 đô la Úc cho mỗi chiếc. Thế nhưng, sau khi thuê bà, chủ cơ sở gia công đã tìm được người chấp nhận giá thuê thấp hơn 50 cent, thậm chí là 20 cent để làm hoàn thành xong số khẩu trang còn lại.
Nơi làm việc của bà Kỳ trong suốt 25 năm qua. Ảnh: ABC. |
Trong môi trường cạnh tranh việc làm cao như vậy, người lao động Việt Nam tại Úc không thể mặc cả lương gia công, đồng thời họ không thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. “Một số nhà tuyển dụng đã lợi dụng chuyện đó để cắt xén lương. Người gia công có nghĩa vụ hoàn thành sản phẩm được giao, còn giá cả bao nhiêu lại do người thuê quyết định”, bà Kỳ bức xúc chia sẻ.
Không chia sẻ khó khăn vì sợ mất việc
Đồng cảm trước khó khăn của bà Kỳ, bà Nguyệt Nguyễn, thành viên của công đoàn TCF, cho biết: “Những công nhân gia công may mặc đa phần làm tại nhà. Điều đó dồn họ vào thế bị động khi khó khăn không thể chia sẻ được với ai. Mặc khác, họ sợ việc chia sẻ đó đến tai người thuê sẽ làm họ mất việc”.
Được biết, bà Nguyệt cũng từng làm công việc gia công hàng may mặc trong gần 20 năm, trước khi trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng của ECA. Do đó, bà rất đồng cảm với những trường hợp người làm thuê bị bóc lột sức lao động nhưng không dám lên tiếng đòi quyền lợi cho mình.
Là một nhân viên của tổ chức tiếp cận cộng đồng (TCF), bà Nguyệt Nguyễn cố gắng tìm đến những công nhân nhận gia công may mặc tại nhà để lắng nghe chia sẻ của họ. Ảnh: ABC. |
Điển hình cho trường hợp trên là anh Nguyễn Dương. Sang Úc lao động đến nay cũng gần 30 năm, có những giai đoạn anh phải làm việc với chiếc máy may xuyên đêm, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần. Vì sợ mất việc nên anh chần chừ không dám hối thúc chủ cho thuê trả lương trong vòng 3 năm liên tục kể từ năm 2016. Tổng số lương mà anh bị thiếu là 15.000 đô la Úc, tương đương khoảng 340 triệu đồng.
Anh cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của công đoàn TCF và cộng đồng người lao động Việt Nam tại Úc, sau đợt dịch COVID-19 tôi đã nhận được số tiền này”.
Lao động ngành may mặc tại Úc hiện đang bị bóc lột sức lao động vì thiếu hiểu biết về quyền lợi công nhân. Ảnh: ABC. |
Thực tế cho thấy, việc bóc lột công nhân ngành may mặc tại Úc đã và đang là mối quan tâm của các tổ chức phi lợi nhuận Ethical Clothing Australia (ECA). Bà Angela Bell, Quản lý quốc gia của ECA, cho biết: “Chúng tôi ước tính có hàng nghìn công nhân nhận thêm việc về nhà làm, chưa kể còn có cả lao động ngoài giờ làm việc trong ngành may mặc tại Úc. Vì vậy, rất khó để thống kê “số lượng lao động ẩn danh” này”.
“Người gia công may mặc chỉ có thể biết được tên công ty thông qua người thuê nhưng họ sẽ không biết những sản phẩm họ làm ra sẽ được đưa ra thị trường như thế nào”, bà Angela Bell nói thêm. “Thật sự không có cách nào để biết, trừ khi chúng ta theo dõi chuỗi cung ứng về những người đã tham gia gia công sản xuất quần áo”.
Tổ chức ECA và TCF hỗ trợ các công nhân gia công may mặc tại Úc dành quyền lợi Hiện nay, những công nhân làm trong ngành may mặc ở Úc chủ yếu là lao động nhập cư, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam và Trung Quốc. Họ khác các công nhân gia công may mặc tại nhà ở chỗ họ được coi là nhân viên hưởng đầy đủ các quyền lợi về lương hằng tháng, lương hưu và được nghỉ phép hàng năm. Nhận thấy những vấn đề bất cập của người lao động nước ngoài, các tổ chức như ECA, TCF đang thực hiện một chiến dịch kéo dài 3 ngày, từ 25-27/11 nhằm kêu gọi các công nhân gia công may mặc tại nhà gọi đến đường dây nóng quốc gia để giúp họ hiểu rõ hơn về các quyền lợi hợp pháp của mình. Theo đó, tổ chức đang khuyến khích các công nhân may mặc gọi điện thoại nặc danh và sử dụng ngôn ngữ của họ, nếu họ muốn tìm hiểu về cách trả lương đúng và an toàn tại nhà. Đại diện ECA cho biết: “Quan trọng hơn hết là đối với nhân viên làm việc ngoài giờ hoặc nếu bạn có gia đình hoặc bạn bè đang làm việc tại nhà, hãy khuyến khích họ gọi điện và tìm hiểu về quyền lợi của người lao động tại nước ngoài”. |
Advertisement
Advertisement