11/10/2021 09:06
Người lao động chọn ở lại TP.HCM khôi phục kinh tế: Còn công việc là còn hy vọng
Ngược với làn sóng ùn ùn rời TP.HCM về quê, vẫn có những người lao động đã và đang bám trụ lại thành phố, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Những ngày qua, sau khi TP.HCM mở cửa trở lại, bắt đầu quá trình khôi phục kinh tế, hàng ngàn người ùn ùn rời thành phố về quê ở các tỉnh miền Tây, miền Trung và cả miền Bắc, nhưng vẫn có những người lao động chọn bám trụ lại và cả những người từ tỉnh khác, vượt hàng trăm km trở về TP.HCM làm việc.
“Còn công việc là còn hy vọng”
17h ngày 8/10, công nhân từ Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) vội vã lái xe máy ra khỏi cổng kiểm soát để trở về phòng trọ sau ngày dài làm việc. Không khí đã nhộn nhịp hơn, khác hẳn vẻ im lìm, tĩnh lặng trong những ngày TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội. Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng còi xe vang lên giữa đám đông là tín hiệu lạc quan, minh chứng cho việc TP.HCM đang bắt đầu “hồi sinh”.
Bên trong Khu chế xuất Tân Thuận, anh Nguyễn Đức Thuận (quê Đồng Tháp) đang tranh thủ làm nốt công việc trước khi tan ca. Anh Thuận là nhân viên chăm sóc cây xanh của Công ty TNHH Tân Thuận. Không chọn về quê tránh dịch như nhiều lao động khác, anh Thuận quyết định ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, anh Thuận thấy tự tin hơn khi ở lại Khu chế xuất Tân Thuận để tiếp tục công việc của mình. "Khi dịch diễn biến phức tạp, tôi cũng lo lắm. Nhiều đồng hương rủ về quê, nhưng được công ty động viên, cho đăng ký làm 3 tại chỗ, tôi quyết định không về quê nữa”, anh Thuận nói.
Có những ngày đọc báo, lướt mạng xã hội thấy người ta ùn ùn kéo nhau về miền Tây, anh Thuận thoáng chút chạnh lòng. Dẫu vậy, cứ nghĩ đến chuyện lỡ chẳng may làm lây lan dịch bệnh cho người thân, anh lại phải tự lại dặn lòng “không đi đâu nữa”.
Cách nơi anh Thuận dọn cỏ không xa, chị Ly Thị Súng (quê Hà Giang) đang ngồi cùng một nhóm công nhân của Công ty Standard Factory. Hôm nay, công ty cho chị Súng kết thúc “3 tại chỗ”, bắt đầu chuyển sang làm việc bình thường.
Là người dân tộc Mông vào TP.HCM làm việc, đã 4 năm qua chị Súng chưa về thăm quê. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện đi lại không thuận lợi nên chị Súng chỉ có thể gửi tiền về cho người thân nhờ chăm sóc con nhỏ.
“Sài Gòn cho tôi quá nhiều thứ, giờ về quê cũng không có việc làm nên tôi quyết ở lại đến cùng. Trước khi thực hiện 3 tại chỗ, đồng hương có rủ về quê nhưng tôi đã từ chối”, chị Súng nói.
“Còn công việc là còn hy vọng”, đó cũng là lời vợ chồng chị Tiền và anh Đức (quê Cần Thơ) nói với chúng tôi vào buổi chiều muộn, khi công nhân các công ty vừa tan ca. Đẩy xe rau củ trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), vợ chồng chị Tiền mang theo con gái 5 tuổi cùng đi bán rau.
Đang thuê phòng trọ ở huyện Bình Chánh, suốt 3 tháng qua vợ chồng chị Tiền mất việc, không kiếm ra đồng nào. Vừa hay tin TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, chị Tiền vội vã vay tiền mua rau củ về bán.
“Chúng tôi không về. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, miễn là cả nhà 3 người được ở gần nhau”, chị Tiền nói rồi đưa tay ôm con gái nhỏ vào lòng, mắt chị thoáng buồn.
Vượt trăm cây số quay lại TP.HCM làm việc
Không riêng gì người bán hàng rong, công nhân đang bám trụ ở TP.HCM, nhiều lao động khác cũng trở lại làm việc sau khi thành phố nới lỏng giãn cách. Vợ chồng chị Tường Vân và anh Lê Tân (quê Bà Rịa – Vũng Tàu) đã vượt hơn 120km để về lại TP.HCM làm việc.
Theo chia sẻ của anh chị, dù biết trở lại TP.HCM thời gian này sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn vì dịch bệnh, song ở quê mãi cũng không phải là cách, nên ngay khi nghe tin thành phố mở cửa trở lại, anh chị đã quyết tâm quay lại để làm việc, cùng sống trong không khí "bình thường mới", cùng khôi phục kinh tế.
Anh chị có tiệm tóc tên Tân Lê ở khu chung cư Gia Hoà Art (quận 9), mở cửa trở lại từ đầu tháng 10. Dù phải đáp ứng nhiều quy định, song may mắn tiệm tóc của anh chị đã "nhộn nhịp" trở lại sau 4 tháng phải "mím môi" đóng cửa.
Chị Vân kể, anh chị đã đóng cửa một tiệm tóc tại quận Gò Vấp vì không còn kham nổi chi phí. Mỗi tháng trả tiền thuê mặt bằng 30 triệu đồng, đó là còn chưa kể đến các khoản tiền đầu tư vào thiết bị, máy móc lên đến hơn 400 triệu đồng. Chỉ trong 4 tháng đóng cửa, vợ chồng chị Vân đã thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. “Lúc đóng cửa tiệm ở Gò Vấp, toàn bộ thiết bị, máy móc đều thanh lý rẻ bèo. Có nhiều món còn phải bán ve chai để thu hồi vốn”, chị Vân xót xa nói.
Hiện tiệm tóc của vợ chồng chị có 5 người cả thảy, gồm vợ chồng chị và 3 thợ phụ. Sau mấy ngày mở cửa, công việc khá suôn sẻ. Cầm tiền khách trả sau khi làm tóc, chị Vân cười nói: “Mọi thứ đang dần trở lại bình thường”.
Giống với vợ chồng chị Vân, anh Đỗ Bình Nguyên (quê Long An) cũng vừa chạy xe máy từ quê về lại TP.HCM. Trước đây anh Nguyên mở 2 tiệm trà sữa, nhưng do dịch bệnh nên buộc lòng phải đóng cửa. Tổng thiệt hại anh Nguyên phải chịu lên đến 2 tỷ đồng.
Không chịu bỏ cuộc, anh Nguyên quyết “làm lại từ đầu”. Nói là làm, anh Nguyên đã liên lạc bạn bè, người thân để mượn tiền. Hiện anh cũng đang tìm địa điểm thuê mặt bằng để dự kiến ngày 15/10 tới sẽ mở lại tiệm trà sữa.
Khi được hỏi có lo ngại tình hình dịch bệnh ở TP.HCM có thể diễn biến phức tạp trở lại không, anh Nguyên tự tin nói rằng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và chờ đợi ngày được làm việc trở lại.
"Nhưng khi thấy dòng người từ TP.HCM ùn ùn đổ về các tỉnh, tôi cũng có chút băn khoăn. Nếu không đi làm thì biết lấy gì ăn? Ở quê không biết làm gì, buôn bán cũng không thể bằng TP.HCM được. Tôi chọn quay về và tuân thủ các biện pháp chống dịch của thành phố”, anh Nguyên nói thêm.
Tràn đầy tin tưởng vào bình thường mới ở TP.HCM, anh Nguyên khẳng định quyết bám trụ đến cùng để cùng thành phố bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp