08/07/2021 12:22
Người lao động cần làm những thủ tục gì để nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?
Theo Quyết định 23 của Chính phủ, sau khi gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ, người lao động chỉ mất 6-8 ngày để nhận được tiền hỗ trợ trực tiếp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 23 của Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Quyết định nhằm hướng dẫn người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 về điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ đồng.
Hỗ trợ người lao động tạm dừng hợp đồng
Theo quyết định được ban hành, người lao động sẽ được hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người nếu phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng.
Với lao động phải nghỉ việc không hưởng lương trên 1 tháng, mức hỗ trợ là 3,71 triệu đồng/người.
Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi trẻ dưới 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế.
Hồ sơ người lao động cần chuẩn bị để được hưởng trợ cấp gồm: Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu thông tin về việc mang thai hoặc nuôi con nhỏ.
Theo đó, trong 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận việc tham gia bảo hiểm của người lao động.
Sau đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo quy định đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
Trong 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định và trình UBND cấp tỉnh. Sau 2 ngày tiếp theo, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo việc chi trả tiền hỗ trợ.
Như vậy, tính từ lúc người lao động gửi hồ sơ đề nghị (theo đúng quy định), tối đa trong 6 ngày làm việc, họ sẽ được nhận hỗ trợ. Trong trường hợp không hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Với trường hợp là người lao động phải dừng làm việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Chính phủ quy định những người này sẽ được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người theo hình thức trả một lần.
Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
Gói này chi trả 1 lần cho người lao động và không hỗ trợ người phải dừng làm việc do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc với người đã hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Sau khi gửi hồ sơ gồm quyết định thôi việc hoặc giấy tờ chứng minh đã hoàn thành công việc cùng một số giấy tờ cá nhân khác, người lao động gửi hồ sơ đến trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH nơi chấm dứt hợp đồng lao động.
Trước ngày 5 và ngày 20 hàng tháng, trung tâm dịch vụ việc làm rà soát, tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ trình Sở LĐTB&XH.
Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách, Sở LĐTB&XH thẩm định, trình UBND cấp tỉnh. Trong 3 ngày làm việc tiếp theo, UBND cấp tỉnh sẽ phê duyệt danh sách hỗ trợ, chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động.
Với quy trình này, kể từ khi nộp hồ sơ, người lao động mất tối thiểu 6 ngày và tối đa 20 ngày để tiền hỗ trợ đến tay.
Người đang điều trị COVID-19 nhận hỗ trợ thế nào?
Trong quyết định, Chính phủ đề cập đến việc hỗ trợ trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật trẻ em) và người điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, người điều trị nhiễm COVID-19 (F0) từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/ngày, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.
Đồng thời, hỗ trợ các trường hợp cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021 tiền ăn mức 80 nghìn đồng/ngày, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
Đối với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm 1 lần mức 1 triệu đồng/trẻ; ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế.
Hồ sơ đề nghị gồm: Bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống dịch COVID-19; danh sách lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu thông tin về việc mang thai hoặc nuôi con nhỏ...
Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người sử dụng lao động gửi hồ sơ lên UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định và trình UBND cấp tỉnh.
Hai ngày sau, UBND cấp tỉnh cần ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động.
Như vậy, tính từ thời điểm gửi hồ sơ phê duyệt, người lao động mất tối đa 8 ngày để nhận được tiền hỗ trợ.
Ngoài các nhóm trên, Quyết định 23 của Chính phủ cũng đưa ra quy định cụ thể về việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ tiền ăn cho người thuộc diện F0 và F1...
Với lao động tự do, Chính phủ giao lại cho địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng và mức hỗ trợ.
Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, gói chính sách 26.000 tỷ đồng có nhiều điểm mới, đột phá về cơ chế khi giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm với hộ kinh doanh; chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên.
Advertisement
Advertisement