Sau khi TP.HCM áp dụng phiếu mua hàng theo ngày và khung giờ, nhiều siêu thị xảy ra tình trạng xếp hàng đông đúc, người dân chờ 2-3 tiếng vẫn chưa tới lượt.
Advertisement
Hiện nay, đa số quận, huyện tại TP.HCM triển khai phát phiếu cho người dân đi mua thực phẩm để hạn chế số lượng, tần suất đi lại của người dân. Tuy nhiên, khảo sát tại một số siêu thị lớn sáng 1/8, người dân dùng phiếu mua sắm phải xếp hàng chờ nhiều giờ.
Tại siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh), từ 6h30 sáng đã có rất đông người xếp hàng chờ. Lực lượng chức năng cũng có mặt để điều tiết nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách, chịu khó xếp hàng.
Bà Lý (quận Bình Thạnh) đến siêu thị lúc 7h nhưng đến gần 10h mới xếp hàng xong 3 lượt để vào mua sắm. "Tôi được phát phiếu đi mua lương thực, thực phẩm chia theo khung giờ nhưng để mua đủ cho gia đình dùng mất nguyên cả buổi sáng", bà nói.
Tương tự, tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp), người dân đến mua sắm đều phải có phiếu mua hàng của cơ quan chức năng cấp.
Ở siêu thị này có khá đông người xếp hàng chờ vào mua. Đa số phải chờ hơn 2 giờ mới mua được nhu yếu phẩm, lương thực.
Tại các siêu thị, khu bán cá thịt và rau củ quả tươi sống tập trung đông khách hàng. Người dân đều mua với số lượng lớn, nhiều khách phải dùng đến 2 xe đẩy chứa lương thực, thực phẩm.
Mặc dù nguồn cung thịt giảm vì nhà máy của Vissan gặp sự cố nhưng siêu thị này vẫn đảm bảo đủ lượng thịt heo phục vụ khách hàng.
Các loại thủy, hải sản không đa dạng, mặt hàng cá chỉ có 3 loại là cá nục, cá chim, cá thu. Ngoài ra, siêu thị có thêm các loại tôm, mực, bạch tuộc... với mức giá ổn định.
Mặc dù lượng khách đông hơn hẳn so với tuần trước nhưng các siêu thị vẫn đảm bảo đủ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, thịt, cá. Đại diện siêu thị cho biết các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả, đồ khô... vẫn liên tục được nhân viên cập nhật để đảm bảo cho khách hàng đến sau.
Chị Thu Hà (quận Bình Thạnh) cho biết chị được phát phiếu đi mua sắm trong khung giờ 8h30-10h30 nhưng không ngờ phải xếp hàng chờ lâu như vậy. "Tại các siêu thị nhỏ không phải xếp hàng chờ lâu nhưng thực phẩm tươi rất ít, trong khi đó các siêu thị lớn thì đông nghịt. Tôi ra khỏi nhà lúc 8h hơn mà bây giờ 12h vẫn đang xếp hàng thanh toán", chị nói.
Gần 12h, vẫn còn rất đông người đứng chờ đến lượt vào siêu thị mua hàng và thanh toán.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, các quận, huyện, TP Thủ Đức chưa thống nhất với nhau về cách chia ngày giờ hợp lý, dẫn đến nhiều thời điểm người dân đổ đi mua sắm cùng một lúc, gây nên tình trạng đông đúc. Sở đã yêu cầu địa phương phải rà soát lại quy mô dân số, số lượng điểm bán phù hợp.
"Các địa phương không nên cứng nhắc trong thực hiện. Nếu cần thiết, cơ quan quản lý địa phương có thể mở rộng khu vực người dân mua hàng trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý về mật độ dân cư, số lượng, năng lực cung ứng của điểm bán, có sự linh động trong lựa chọn các điểm bán tại khu vực", ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương yêu cầu.
Ngày 30/7, Sở Công Thương TP.HCM có văn bản đề nghị các quận huyện rà soát lại quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực tại các khu vực; chủ động làm việc với các hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng... để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát khi thực hiện phân chia khung thời gian, số lượng người, đảm bảo khống chế lượng khách ra - vào phù hợp, tránh tập trung đông đúc.