So với năm 2016, hạn mặn năm nay xuất hiện sớm, từ cuối tháng 12/2019 keo dài đăng đẵng cho đến thời gian hiện tại, lấn sâu đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân và kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế khiến hàng ha hoa màu, cây ăn trái đứng trước nguy cơ mất trắng.
Tại bàn tỉnh Tiền Giang có hơn 80.000 ha diện tích lúa đã xuống giống, trong đó có hơn 36.000 ha cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn thuộc phía Nam Quốc lộ 1A và hơn 24.000 ha diện tích cây ăn trái mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ.
Tại tỉnh Bến Tre, hàng ngàn ha lúa bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn mặn diễn biến phức tạp. Riêng địa bàn huyện Ba Tri có hơn 4.000 ha lúa vụ Đông Xuân và 124 ha lúa vụ Thu Đông đứng trước nguy cơ mất trắng.
Đồng thời, hạn mặn khiến người dân phải chấp nhận mua nước ngọt với giá cao để duy trì cuộc sống sinh hoạt và cứu cây trồng đang “chết khát”.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong thời kỳ từ 23 - 31/3/2020, khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ.
Miền Tây Nam Bộ nhiệt độ phổ biến từ 32-34 độ, cục bộ có nơi xuất hiện nắng nóng. Độ ẩm trưa chiều giảm khá thấp, chủ yếu dao động chính trong khoảng từ 45-55%.
Mực nước thượng lưu sông Mekong biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,5m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,20m; tại Châu Đốc 1,35m tương đương cùng kỳ năm 2016.
Dự báo, từ ngày 23-31/3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng nhẹ từ ngày 23-26/3, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức thấp hơn độ mặn thời kỳ 11-20/3, riêng độ mặn một số trạm Long An, Cà Mau duy trì ở mức cao, xấp xỉ và cao hơn tuần trước. Từ ngày 1-05/4, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục giảm dần.
Ngày 23/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp về tín dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn, ngành ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp người dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến cuối năm 2019 đạt 665.876 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn quốc 13,7%; trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 365.195 tỷ đồng, tăng 22%, chiếm tỷ trọng gần 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực; cho vay các mặt hàng nông sản thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có mức tăng trưởng tốt như: thủy sản tăng 11,8%, lúa gạo tăng 7,5%, rau quả tăng 15,9%. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 trở lại đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, cũng như khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. |