12/05/2021 14:46
Ngọc Trinh và KOLs chơi tiền ảo: Màn 'lùa gà' của những 'cá voi'?
Gần đây, thị trường tiền điện tử trở nên sôi động bất chấp sự sụt giảm của nhiều nền kinh tế bởi dịch COVID-19. Nhà đầu tư trở nên điên loạn hơn với những đồng tiền kỹ thuật số sau những phát ngôn liên quan đến tiền ảo của một số người có sức ảnh hưởng (KOL).
Ngọc Trinh, KOLs... và coin
Nhắc đến tiền kỹ thuật số, không thể không nhắc đến Bitcoin - đồng tiền ảo gây sốt nhất và tạo nên một hiện tượng tăng giá trong thời gian vừa qua. Sau nhiều biến động, đến nay, đồng Bitcoin giao dịch tại mức giá 57.000 USD/B, gần gấp đôi so với đầu năm 2021.
Việc Bitcoin tăng trở lại là cái cớ cho các đồng tiền ảo vô giá trị (coin rác) nở rộ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các chuyên gia ví von, người tham gia đào các loại coin rác này như đào sỏi đá với hy vọng một ngày nào đó, thế giới sẽ công nhận sỏi đá đó có giá trị như vàng, kim cương như đồng Bitcoin đã từng.
Một chuyên gia công nghệ cảnh báo việc chắc chắn mà người tham gia đào tiền ảo qua các app điện thoại sẽ mất đó là thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại hoặc facebook ID..., thông tin xác thực eKYC), mất thời gian, tài nguyên của điện thoại và có thể mất thêm thông tin khác trong máy (vì app yêu cầu nhiều quyền can thiệp vào máy), mất công sức để lôi kéo người khác vào cộng đồng này – tương tự hình thức đa cấp, và đổi lại cái được sẽ là ước mơ làm giàu vào một ngày nào đó.
Cũng cần nói thêm, người dân tham gia vào việc mua bán tiền ảo trên mạng sẽ dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Ngoài đồng Bitcoin đang tăng giá mạnh, các nhà đầu tư đang nhắm đến các đồng tiền ảo có giá trị nhỏ hơn nhưng dễ khai thác hơn như Ethereum, LiteCoin, Bitcoin Cash… Cũng từ đây, các hình thức lừa đảo đối với các nhà đầu tư tiền kỹ thuật số cũng nở rộ.
Trong tuần qua, Dogecoin trở thành sự kiện nổi bật nhất trong làng tiền ảo khi tăng hơn 550% và trở thành đồng tiền mã hóa lớn thứ 4 trên thế giới. Giới đầu tư đẩy giá Dogecoin tăng mạnh ngay cả khi các đồng tiền ảo khác lao dốc. Dogecoin được tạo trên meme “Doge” có hình chú chó Shiba Inu.
Việc tăng giá Dogecoin cũng làm dấy lên những lo ngại về bong bóng trên thị trường tiền mã hóa. Càng “nhiễu loạn” hơn, khi CEO Tesla – ông Elon Musk thúc đẩy đà tăng hơn nữa khi đặt hashtag “Doge Barking at the Moon” trên Twitter.
Các tỷ phú công nghệ liên tục có những động thái ủng hộ những đồng tiền mã hóa như ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg trong một bài đăng gần nhất: “My goats: Max and Bitcoin” đã thổi bùng cơn sốt tiền mã hóa hệ động vật. Chỉ trong ít giờ, những đồng tiền mã hóa vô danh, vô giá trị như Pig Finance, AquaGoat, Akita Inu hay Pitbull bỗng tăng vọt cả về giá trị lẫn khối lượng giao dịch.
Không chỉ là các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, mà ngay cả giới KOL Việt Nam cũng lao theo xu hướng này, dù thực sự họ có biết hay không.
Gần đây, ca sĩ Cao Thái Sơn không chỉ liên tục nhắc đến tiền ảo mà còn livestream để hướng dẫn người hâm mộ cách đầu tư khôn ngoan vào thị trường tiền ảo, nhưng ca sĩ này vẫn chưa tiết lộ số tiền đầu tư vào thị trường này là bao nhiêu.
Trong khi đó, một tài khoản dưới tên “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh đăng liền 4 dòng trạng thái trên mạng xã hội khoe tài khoản có hơn 10 triệu USD bao gồm 900.000 USD đầu tư vào đồng tiền mã hóa Shiba Inu. Tuy nhiên, ngay sau đó, tài khoản này đã xóa status vì bị cho là mượn tài khoản của người khác, thì bốn dòng trạng thái liên tiếp của Ngọc Trinh vẫn thu hút hàng chục nghìn lượt thích, hàng nghìn bình luận và chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt sao Việt liên tục đăng status trên mạng xã hội hashtag đồng Dogecoin như Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn, Trần Nam Thư… Tuy nhiên, những dòng trạng thái của hầu hết các nghệ sĩ này đều y như nhau.
Màn “lùa gà” của “cá voi”?
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đưa ra những dẫn chứng cảnh báo nhà đầu tư đang kỳ vọng làm giàu từ những đồng tiền ảo vô danh này.
Thứ nhất, những coin gần đây đang tạo ra xu hướng là những coin liên quan đến thú nuôi như chó, mèo, heo và có cả… dê nữa. Những coin này đều được coi là coin rác, cho nên những nhà đầu tư chạy theo đám đông sẽ dễ gặp rủi ro lớn.
Thực tế, trên thế giới, một số coin/token có thể ứng dụng trong nhiều trò chơi game hoặc cho một số sòng bài (như Wink). Tuy nhiên, những hầu hết các coin hệ động vật này hoặc coin liên quan đến đồ ăn như sushi, Spaghetti, sashimi… đang là “hot trend” lại không có tính ứng dụng gì (chỉ có rất ít như Sushiswap có ứng dụng là sàn DEX - sàn phi tập trung trong sự bùng nổ của DeFi - Tài chính phi tập trung), kể cả là trong trò chơi điện tử trực tuyến.
Mặc dù vậy, những coin này lại có số lượng rất lớn. Ví dụ như Dogecoin, mỗi ngày có thêm khoảng 20 triệu coin mới, 1 năm có thêm khoảng 5 tỷ coin mới. Còn SHIBA INU coin (SHIB), tổng số lượng hiện nay là 1 triệu tỷ coin, nên nhiều nhà cái đưa ra chiêu bài thổi giá, hy vọng rằng một lúc nào đó nào đó sẽ lên 1 USD/Dogecoin, điều này cũng đồng nghĩa vốn hóa Dogecoin sẽ lên đến hơn trăm tỷ USD.
Nhìn lại thực tế hiện nay, trên thế giới chưa có cổ phiếu nào lên được đến giá trị này. Ngay cả cổ phiếu Apple hiện có vốn hóa lớn nhất cũng khoảng 2,000 tỷ USD, thậm chí tổng giá trị vàng cũng khoảng trên 11,000 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhà đầu tư trong cơn điên loạn tiền mã hóa không nghĩ đến yếu tố về mặt tài chính một cách đơn giản như vậy, họ đang bị nhiều “nhà cái” hay “cá voi” lùa vào những trò chơi này. Hiện nay, nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam lại đang bị cuốn theo bất chấp nhiều rủi ro được cảnh báo.
Theo số liệu không chính thức trên một số trang xếp hạng nước ngoài, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tham gia vào tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa, tiền ảo, tiền điện tử) lớn nhất thế giới. Theo khảo sát người tiêu dùng toàn cầu Statista năm 2020 vừa qua, Nigeria là quốc gia có độ phổ biến tiền ảo lớn nhất thế giới, lên đến 32%, thứ hai là Việt Nam (21%) và Philippines (20%), trong khi các quốc gia phát triển chỉ số này lại rất thấp như Mỹ (6%), Đức (5%), Nhật Bản (4%)…
Bất chấp cảnh báo từ nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới về nguy cơ tan vỡ của bóng bóng tài chính do nạn đầu cơ những đồng tiền kỹ thuật số, không ít người dân Việt Nam vẫn liều lĩnh lao vào làm giàu bằng cách chơi tiền mã hóa, dù đã biết hay chưa biết gì về bản chất thực của tiền mã hóa.
Ông Phan Dũng Khánh cảnh báo một trong những việc lớn nhất là mục tiêu những đồn đoán đưa giá trị những coin này lên 1 USD, trừ Dogecoin hiện đang là 0.5 USD, có khả năng cao nhưng số lượng là 120 tỷ đồng coin, trong khi những coin khác số lượng lên cả triệu tỷ, nếu lên 1 USD chẳng khác nào vượt nhiều lần vàng, và cổ phiếu trên thị trường toàn thế giới.
Điều này càng cho thấy trong 10 hay 100 năm nữa, sẽ không thể đạt được mức vốn hóa này. Do đó, việc nhà đầu tư kỳ vọng như vậy, chẳng khác nào nếu không gọi là “lừa đảo” thì là “lùa gà” vào những niềm tin, vào sự thật viển vông, vào những thuật ngữ “to the moon” hay “to the Mars”.
Thậm chí, sử dụng cả những người nổi tiếng, có mức độ ảnh hưởng lớn trên thế giới, sử dụng tối ưu mạng xã hội để đẩy giá của những coin này.
Dù thật giả lẫn lộn hay chỉ là chiêu trò PR, thì một số KOL cũng "vô tình hay cố ý" thúc đẩy hành vi “lùa gà” của “cá voi” đứng sau.
Đà tăng và giảm liên tục của giá các đồng tiền ảo, nơi các nhà đầu tư nhỏ lẻ (cá con) mua bán ồ ạt theo những phát ngôn của người nổi tiếng (cá mập) hay những nhà cái thực sự (cá voi), tạo nên một thuật ngữ xuất phát từ tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội, gọi là trạng thái FOMO (Fear of Missing Out).
FOMO này hiện nay như cơn dịch bệnh, trong đó tiền kỹ thuật số dễ thực hiện nhất, vì đơn giản, chưa bị quản lý và không có giới hạn. Mặc dù hiện nay các đồng coin này đã lên đến hàng trăm triệu tỷ nhưng số lượng vẫn tăng lên theo thời gian và có xu hướng không dừng lại.
Trong khi một số coin như Bitcoin chỉ có khoảng 21 triệu coin, hoặc như Binance Coin (BNB) số lượng giảm theo thời gian thì Dogecoin 1 năm lại tăng thêm khoảng 5 tỷ coin mới và chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Và đến một lúc nào đó, khi nhà cái đã kiếm đủ tiền hoặc người chơi tự nhận ra việc này không có giá trị thực sự nào, thì mới có thể dừng lại”, ông Khánh nhận định thêm.
OneCoin có lẽ là một trong những đồng tiền ảo tốn nhiều bút mực nhất trong thời gian qua. OneCoin là công ty có trụ sở tại Bulgaria, được thành lập từ năm 2014 và đến nay vẫn còn hoạt động. Khác với Bitcoin, OneCoin không dựa trên Blockchain mà tồn tại trên một mạng riêng.
“Chúng ta sẽ làm nên lịch sử và cộng đồng các nhà đầu tư tiền kỹ thuật số sẽ phải công nhận chúng ta có số lượng người sử dụng lớn nhất thế giới, mạng lưới đồng tiền kỹ thuật số dự trữ lớn nhất thế giới. Trong vòng 2 năm tới, sẽ không ai nhắc đến Bitcoin nữa”, bà Ruja Ignatova – người sáng lập OneCoin khẳng định.
Tuy nhiên, bản thân nhà nữ sáng lập này lại từng dính líu đến vụ lừa đảo Bitcoin và OneCoin được lấy ý tưởng từ chính đồng Bitcoin. Bà trùm này cũng mất tích từ năm 2017 và sau đó em trai của bà – ông Costantini Ignatova cũng bị bắt hồi tháng 3/2019. Ông thừa nhận vai trò của mình trong vụ lừa đảo tiền ảo trị giá hàng tỷ USD.
Cuối năm 2019, các công tố viên cũng đã cáo buộc chương trình này mang về 3.7 tỷ USD trên toàn thế giới từ các nạn nhân tại Mỹ, Anh, Đức…
Advertisement
Advertisement