08/04/2021 09:53
Ngoại giao vaccine của Trung Quốc 'vấp chân' tại Đông Nam Á
Chậm trễ, lo ngại về hiệu quả và phương thức vận chuyển là những yếu tố khiến vaccine phòng COVID-19 của Trung Quốc không đạt được kỳ vọng mong đợi tại Đông Nam Á.
Trong tháng 5/2020, ở cao điểm của dịch COVID-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ sớm cung cấp vaccine an toàn và hiệu quả, đặc biệt là cho các quốc gia đang phát triển.
Bắc Kinh tuyên bố đã tặng vaccine COVID-19 miễn phí cho 69 quốc gia đang phát triển và xuất khẩu thương mại vaccine đến 28 quốc gia khác. Nhiều chuyên gia đánh giá đằng sau sự hào phóng với vaccine của Trung Quốc là động lực về kinh tế. Tính đến năm 2019, Trung Quốc vẫn chỉ đóng vai trò nhỏ trong công nghiệp dược phẩm toàn cầu, đóng góp chưa đầy 2% sản phẩm y tế Liên hợp quốc (LHQ) thu mua.
Trong khi đó, quốc gia láng giềng Ấn Độ “cống hiến” tới 22% sản phẩm y tế và 60% vaccine xuất khẩu toàn cầu. Nhưng hiện nay, vaccine COVID-19 của Trung Quốc dự kiến giúp nước này tăng thị phần trên toàn cầu và mang về hơn 10 tỷ USD doanh thu.
Nhiều quan chức Trung Quốc cho biết các quốc gia có liên quan đến “Vành đai, Con đường” là ưu tiên hàng đầu để được trợ cấp hoặc tặng vaccine COVID-19 miễn phí.
Tháng 7/2020, Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng đến tháng 12 cùng năm Philippines sẽ quay trở lại bình thường nhờ hỗ trợ vaccine của Trung Quốc. Năm 2020, vaccine COVID-19 của Trung Quốc được thử nghiệm tại 18 quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Indonesia cũng là địa điểm chính thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 của Trung Quốc
Tuy nhiên, vaccine COVID-19 của Trung Quốc lại không đạt được như mong đợi tại Đông Nam Á.
Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên nhận vaccine COVID-19 Sinovac của Trung Quốc, đầu tháng 12 là 1,2 triệu liều, sau đó là 1,8 triệu liều vào cuối tháng này. Từ tháng 1, doanh nghiệp dược phẩm nhà nước Indonesia- Bio Farma bắt đầu sản xuất vaccine Trung Quốc với nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
Nhưng với những quốc gia Đông Nam Á khác, việc chuyển giao vaccine từ Trung Quốc bị trì hoãn và ở quy mô nhỏ hơn. Campuchia và Lào chỉ nhận được 600.000 và 300.000 liều vaccine vào đầu tháng 2. Trong khi đó, Thái Lan chỉ nhận 200.000 liều vaccine 2 tuần sau đó. Philippines nhận hơn 600.000 liều vaccine vào cuối tháng, chậm hơn so với kỳ vọng của Tổng thống Duterte.
Mặc dù Trung Quốc cam kết cấp 300.000 liều vaccine COVID-19 cho Myanmar nhưng vẫn chưa chuyển giao. Thay vào đó, Myanmar lại nhận 1,5 triệu liều vaccine từ Ấn Độ vào tháng 1.
Ngay cả Tổng thống Philippines và Bộ trưởng Y tế nước này vẫn chưa tiêm vaccine COVID-19 của Trung Quốc. Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Thượng viện Philippines cho thấy nước này phải trả nhiều tiền hơn những nước láng giềng để được mua vaccine của Trung Quốc.
Nhiều nước khác trong khu vực cũng tìm kiếm con đường khác để mua vaccine. Campuchia lựa chọn COVAX - chương trình đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 toàn cầu-do Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hình thành.
Các nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc đang đối mặt với gián đoạn sản xuất nghiêm trọng và thiếu năng suất. Trong tháng 1, năng lực sản xuất của Sinovac chỉ đạt một nửa mức đề ra, gây quan ngại rằng những công ty dược khác nhỏ hơn có đáp ứng được cầu hay không.
Xuất khẩu vaccine có thể bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc còn ưu tiên tiêm cho hơn 1 tỷ người dân nước này. Nhiều ý kiến còn tỏ ra nghi ngờ về tính minh bạch của kết quả giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 Sinovac. Thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài của Sinovac chỉ đạt mức 50,4%.
Trong thời gian tới, lợi thế từ chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ biến mất khi những tay chơi lớn hơn xuất hiện. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thân thiện hơn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) so với người tiền nhiệm Donald Trump. "Bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản cam kết đến cuối năm 2022 sẽ chuyển 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhiều nơi khác.
Trong khi đó, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học uy tín The Lancet ngày 2/2 cho thấy Sputnik V có có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới gần 92%. Điều này khiến vaccine COVID-19 do Nga sản xuất mang rất nhiều hứa hẹn.
Những điều này sẽ gây thách thức tới năng lực tận dụng ngoại giao vaccine của Trung Quốc.
Advertisement
Advertisement