Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

‘Nghiện’ hàng second-hand Nhật

Tiêu dùng

04/05/2017 04:26

Gần đây, xu hướng bán hàng đã qua sử dụng (gọi tắt là hàng second-hand) của các thương hiệu Nhật Bản dành cho thị trường Nhật Bản đang nổi lên trở lại tại thị trường Việt Nam.

Có người mua bán công khai trên các trang web kinh doanh thương mại điện tử như trang 5giay. Có người lập hẳn một trang riêng như trang www.donoidianhatban.com… Có người kinh doanh mặt hàng này (bằng hình thức bán qua fanpage của Facebook) như một thú vui trải nghiệm công nghệ của các hãng điện tử Nhật Bản với bạn bè, người thân…

Máy giặt second-hand Nhật được Việt hóa để dễ sử dụng.

Ông Trần Việt Anh (quận 7, TP.HCM), có một công việc tử tế tại một hãng điện tử nước ngoài nhưng là người đam mê công nghệ, tranh thủ thời gian rảnh, “thò tay” qua nhóm hàng second-hand Nhật Bản.

Ông Anh chia sẻ, việc kinh doanh này không đem lại lợi nhuận mà chính là muốn trải nghiệm những giá trị công nghệ lâu nay chỉ được nghe. Mỗi sản phẩm lời vài trăm ngàn đồng nhưng tốn vào đó là decal các nút sử dụng bằng tiếng Việt, bảo hành… nên coi như không có lãi. Nhưng bù vào đó, có nhiều tính năng của sản phẩm độc đáo lắm.

"Thật tình, khi xài hàng second-hand của Nhật Bản rồi, không còn muốn xài hàng chính hãng nữa”, ông Anh nói.

Nhận định của ông Việt Anh đã được nhiều khách hàng đồng tình. Ông Phạm An Dương (quận 2, TPHCM) cho biết, sau khi đã mua và sử dụng hàng second-hand (máy giặt, máy rửa chén), không còn nghĩ đến hàng chính hãng nữa!

Theo giới kinh doanh hàng second-hand, những thiết bị điện tử gia dụng tại Nhật Bản được giới đầu nậu gom hàng tập kết tại Campuchia. Sau đó, được mang vác qua biên giới, tập kết tại các kho hàng của các đại lý cấp 1. Tại những kho hàng này, hàng hoá được bán nguyên kho cho các đại lý cấp 2. Đến giai đoạn này, các đại lý cấp 2 bắt đầu phân loại sản phẩm.

Giới kinh doanh cho biết, trong những lô hàng, tỷ lệ hàng mới và xài được chiếm 45%, còn lại là hàng nát dành để lấy phụ kiện. Các cửa hàng bán lẻ sẽ ôm phần hàng còn sử dụng được hoặc là chọn lựa những mặt hàng tốt (tỷ lệ còn 90% trở lên). Nếu ôm nguyên lô, giá được tính theo kiểu “xa cạ”, còn nếu chỉ lấy hàng tốt sẽ có mức giá cao hơn.

Giới kinh doanh hàng second-hand Nhật Bản bán tất cả những gì được đóng mác sản xuất tại Nhật Bản, từ tủ lạnh, bếp từ, lò vi sóng, máy rửa chén, nồi cơm điện cao tần, quạt các loại, bàn ủi, máy sấy chén, máy giặt… của các thương hiệu Toshiba, Panasonic, Daikin, Sharp, Hitachi, Yuasa, Shiseido, Mitsubishi… cho đến nhóm sản phẩm thiết bị vệ sinh: nắp bệt tự động, vòi sen, vòi rửa mặt, vòi bếp của hãng ToTo, hàng âm thanh: loa, ampli… của Yamaha…

Trong những nhóm hàng second-hand Nhật Bản, nhiều cửa hàng đánh giá cao các sản phẩm như: lò viba, nồi cơm điện, máy giặt… Nồi cơm điện cảm ứng từ là sản phẩm được nhiều cửa hàng bán hàng second-hand kinh doanh nhiều nhất. Những chiếc nồi cơm điện second-hand dùng sóng từ cao tần nên khi nấu cơm, hạt cơm không bị nhão, có thể để lâu 2 – 3 ngày mà cơm không bị thiu (trừ khi gặp phải gạo dỏm).

Còn với sản phẩm lò viba, thiết bị này gồm có những chức năng như nướng (nhiệt độ đặt từ 0 – 350 độC), hâm nóng thức ăn theo thời gian tự đặt theo mức hiệu suất từ 200 – 1.000W, rã đông thực phẩm mà không làm tái thức ăn, thiết bị có 48 chương trình dành cho thực phẩm và bánh theo chế độ tự động, công nghệ inverter tiết kiệm điện, không dùng đĩa quay…

Giá là điều kiện thách thức với người tiêu dùng khi quyết định lựa chọn hàng second-hand. Nếu là hàng còn mới (trên 95%) sẽ có giá như là hàng mới chính hãng. Ở nhóm sản phẩm cao cấp này, nếu là quạt sẽ có giá từ 1 – 3,5 triệu đồng, còn máy giặt có giá dao động từ 12 triệu đồng (giặt và sấy 6kg quần áo) cho đến 39 triệu đồng (giặt 9kg, sấy 6kg) của các thương hiệu Hitachi, Toshiba…

Không phải hôm nay mà năm bảy chục năm trước, hàng điện tử dành cho tiêu dùng nội địa tại Nhật Bản thường là nhóm hàng có độ bền và là nhóm hàng đẳng cấp về công nghệ. Có ý kiến cho rằng, cùng là hàng nội địa Nhật Bản, nhưng những sản phẩm được sản xuất trong giai đoạn 2002 – 2009 có độ bền cao hơn, ít lỗi… so với những sản phẩm được sản xuất từ năm 2010 trở về sau.

Theo thiết kế, những mặt hàng có công suất lớn (trên 1.000W) sẽ được thiết kế dòng điện 220V như máy giặt…, nhưng phần lớn nhóm hàng second-hand Nhật Bản sử dụng dòng điện 110V. Dù bền, có nhiều tính năng mới nhưng chính vì sử dụng dòng điện 110V mà nhiều khách hàng e ngại vì phải mua biến thế từ 220V còn 110V.

Bên cạnh đó, là hàng đã qua sử dụng, tất nhiên tuổi thọ của sản phẩm sẽ sụt giảm theo thời gian đã sử dụng. Vì vậy, khi mua hàng second-hand, theo lời ông Việt Anh, người dùng phải lựa chọn những chỗ bán thân quen, có uy tín, tôn trọng lời cam kết bảo hành.

Tại một điểm bán nhóm hàng này tại quận 1 (TPHCM), người bán cam kết chính sách bảo hành: “1 đổi 1” trong ba tháng đầu tiên sau khi mua nếu có sự cố và bảo hành trong chín tháng tiếp theo nếu sản phẩm có sự cố về kỹ thuật… Ông Việt Anh cho biết, những sản phẩm do chính ông cung cấp có thời gian bảo hành ngắn nhất là sáu tháng, còn dài nhất là một năm, nhưng “những sản phẩm có trục trặc trong khi sử dụng, tôi thường sửa chữa ngay lập tức cho anh em, có những trường hợp thay thế linh kiện không lấy tiền”. Cũng theo ông Việt Anh, dù có linh kiện thay thế nhưng khi chọn lựa các sản phẩm cần mua, nên chọn những sản phẩm chưa một lần thay thế linh kiện hoặc sửa chữa từ bên Nhật Bản.

SONG MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement