Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nghịch lý tiêu dùng ngành sữa

Thị trường 24h

26/09/2019 10:59

Trong khi ngành chăn nuôi, sản xuất sữa trong nước đang tăng trưởng xuất khẩu và phát triển, thì người tiêu dùng trong nước vẫn đang chuộng hàng ngoại nhập.

Sữa Việt rộng cửa xuất khẩu 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ sáu châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ tư về năng suất của đàn bò vắt sữa.

Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả. Tỷ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Việt Nam đã vươn lên đứng thứ sáu châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ tư về năng suất của đàn bò vắt sữa.
Việt Nam đã vươn lên đứng thứ sáu châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ tư về năng suất của đàn bò vắt sữa.

Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cũng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực tin dùng, nhất làthị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông.

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra những cơ hội cho ngành chăn nuôi tiếp cận công nghệ giống mới, sản phẩm mới, phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến. Các Hiệp định song phương, đa phương, Hiệp định thương mại tự do có tác động mạnh đến khả năng sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi…

Trong 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng sữa sản xuất trong nước tiếp tục tăng trưởng khả quan, trong đó sản phẩm sữa tăng trưởng tốt hơn sản phẩmsữa bột. Chỉ số sản xuất của ngành chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ hai thế giới (chỉ sau thị trường Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD (theo Food Navigator) và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng (năm 2018 đạt 22,5kg/người theo Euromonitor).

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa. Dự báo năm 2019 Trung Quốc nhập khẩu 39,43 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750.000 tấn và khoảng 650.000 tấn sữa bột.

Nghị định thư về xuất khẩu sữa Việt Nam sang Trung Quốc đã được các cơ quan Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam triển khai. Dự kiến sẽ có lô xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc theo Nghị định thư trong năm nay. Đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi đối với các doanh nghiệp ngành sữa đẩy mạnh xuất khẩu.

Vinamilk đang xâm nhập thị trường Trung Quốc.
Vinamilk đang xâm nhập thị trường Trung Quốc.

Song song đó, ngày 21/9, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cũng đã diễn ra “Chương trình ra mắt sản phẩm sữa Việt Nam tại Trung Quốc” do Hiệp hội Sữa Việt Nam và Sở Thương mại tỉnh Hồ Nam đồng tổ chức, trong đó các sản phẩm của Vinamilk là chủ lực.

Tính đến tháng 8/2019, Vinamilk có mặt trong chuỗi siêu thị Hợp Mã tại tỉnh Hồ Nam và phủ sóng toàn bộ các siêu thị Hợp Mã tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và đang tiếp tục mở rộng ra toàn tỉnh.Ngoài các tỉnh mà Vinamilk đã có mặt trước đó như Quảng Đông, Quảng Tây và các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, kể từ tháng 9.2018, Vinamilk có mặt tại 90% các thành phố và huyện thuộc tỉnh Hồ Nam.

Vinamilk liên tiếp đưa sản phẩm vào các đại siêu thị và siêu thị có quy mô lớn như Thiên Hồng, Hảo Nhuận Quế, Hối Mễ Ba, Hương Giang Bách Hóa...

Ngoài ra, vào tháng 8 năm nay, sản phẩm Vinamilk đã được đưa vào Dennis Department Store, chuỗi siêu thị lớn nhất ở tỉnh Hà Nam và tiếp tục phát triển ra nhiều tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc. Các thương hiệu sữa khác của Việt Nam như T.H True Milk hay Da Lat Milk cũng đang có chương trình và kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh khai thác thị trường đông dân này bên cạnh việc xuất khẩu sang các nước lân cận 

Người tiêu dùng nội địa lại thích sữa ngoại

Ở phân khúc sản phẩm sữa tươi, sữa nước, các doanh nghiệp nội địa như Vinamilk, T.H True Milk, NutiFood vẫn đang nắm giữ thị phần lớn. Tuy nhiên, ở dòng sản phẩm sữa bột công thức dành cho trẻ, các sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Úc, châu Âu vẫn đang được ưa chuộng hơn dù giá luôn chênh lệch từ 100.000 - 150.000 đồng/ sản phẩm nội địa cùng chủng loại.

Tại hệ thống Concung, cũng ưu tiên trưng bày sữa nhập ở vị trí dễ nhận diện.
Tại hệ thống Concung, cũng ưu tiên trưng bày sữa nhập ở vị trí dễ nhận diện.

Theo ghi nhận của phóng viên tại các hệ thống phân phối sản phẩm cho trẻ như Kidplaza, ConCung... khu vực trưng bày sữa ngoại nhập luôn được ưu tiên ở vị trí dễ nhận diện hơn. Ở đây có đủ các chủng loại thương hiệu sữa ngoại như Abbott, Enfa (Mỹ), Wakodo, Meiji, Morinaga (Nhật), Aptamin (Ireland) Nestle (Thụy Sĩ), Anka (Tây Ban Nha)...

Bên cạnh đó là một lượng lớn sữa bột ngoại nhập “xách tay” được phân phối qua các kênh mạng xã hội, group cộng đồng. Trao đổi với phóng viên, những tiểu thương kinh doanh trên đường Kỳ Đồng (quận 3) cho biết, sữa được bày bán tại đây tất cả đều là sữa chính ngạch đã thông qua thuế và hải quan.

Thời gian gần đây đa số các cửa hàng kinh doanh sữa tại đường Kỳ Đồng (quận 3), đều cho biết lượng khách đã giảm, mặc dù giá vẫn giữ nguyên. so với trước đây.
Thời gian gần đây đa số các cửa hàng kinh doanh sữa tại đường Kỳ Đồng (quận 3), đều cho biết lượng khách đã giảm, mặc dù giá vẫn giữ nguyên. so với trước đây.

Dù là sữa trong nước hay nhập thì cả 2 đều có nguồn tiêu thụ riêng và bán chạy. Nhưng với sữa bột thì sữa ngoại vẫn tiêu thụ mạnh hơn so với trong nước từ 5-10%. Cô Hương (54 tuổi) tiểu thương bán sữa tại Kỳ Đồng (quận 3) cho biết, thời gian gần đây lượng khách mua sữa tại cửa hàng đã giảm, không còn đắt hàng như trước, mặc dù giá vẫn giữ nguyên. Theo cô, có lẽ nhiều người dân đã chọn mua sữa tại siêu thị hoặc chọn hàng xách tay mua trên mạng hay người quen vì tiện lợi.

Mặc dù giá thành đắt hơn nhiều so với trong nước nhưng sữa ngoại vẫn được chọn mua nhiều vì hầu hết người dân nghỉ rằng sữa nhập chất lượng hơn sữa Việt, đặc biệt là sữa bột dành cho trẻ, dù có đắt đến đâu phụ huynh vẫn sẵn sàng chọn mua. Chị Ngọc (31 tuổi) ngụ tại quận 6 (TP.HCM) chia sẻ, đối với sữa hộp dành cho trẻ thì chị luôn chọn sữa nhập, đặc biệt là sữa Nan có nguồn gốc từ châu Âu vì được nhiều người tư vấn và khuyên dùng. Dù giá đắt hơn rất nhiều so với sữa hộp trong nước nhưng vì chất lượng nên chị vẫn mua.

Chị V. T. B., ngụ tại quận 3 (TPHCM) chia sẻ: “Tôi có 2 đứa con thì cả hai đều cho dùng sữa Nhật. Sữa Nhật luôn theo đuổi lí tưởng “công thức sữa giống với sữa mẹ nhất” nên sữa bổ sung các thành phần dinh dưỡng phong phú cho bé sự phát triển toàn diện, nhưng ở mức cân bằng để tránh không thừa thiếu dưỡng chất.

Đó là những loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh không chỉ về thể chất, mà còn về trí tuệ cũng như là hỗ trợ và bảo vệ hệ tiêu hóa và miễn dịch cho bé. Chính những điều đó đã tạo cho sữa Nhật có đặc điểm nổi bật nữa, đó là không làm bé bị béo phì hay tăng cân một cách đột ngột như những loại sữa bột cho bé của châu Âu”. 

Một sạp kinh doanh trong chợ Bình Tây (quận 6), chủ yếu ltrưng bày các hãng sữa bột nhập khẩu.
Một sạp kinh doanh trong chợ Bình Tây (quận 6), chủ yếu ltrưng bày các hãng sữa bột nhập khẩu.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho rằng việc doanh nghiệp sữa nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam là điều không thể tránh khỏi trong thời kỳ hội nhập.

Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế là hiểu rõ thị trường trong nước và có khả năng phân phối tới vùng sâu vùng xa. Ngoài các sản phẩm sữa tươi, sữa nước, doanh nghiệp Việt cũng là người hiểu tình trạng bệnh tật của người Việt nên dễ dàng nghiên cứu và phát triển được các sản phẩm đặc trị dành cho người bệnh.

Tuy nhiên, cơ hội chỉ dành cho doanh nghiệp biết tập trung đầu tư, nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường.

“Nếu không tự thay đổi về chất lượng, mẫu mã, dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cuối cùng chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Trung cảnh báo.

PHƯỢNG LÊ-KHANG MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement