Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nghịch lý kinh tế của Triều Tiên

Kinh tế thế giới

28/07/2021 10:58

Các chuyển động trên thị trường ngoại hối của Triều Tiên kể từ cuối năm 2020 đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khó hiểu.

Đó là nhận định của tác giả Go Myong-hyun, nghiên cứu viên kỳ cựu của Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) trong bài phân tích đăng trên Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) số ra ngày 26/7.

Tỷ giá hối đoái giữa đồng won của Triều Tiên và đồng USD (cũng như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc) đã duy trì ổn định trong một thời gian dài và cân bằng ở mức khoảng 8.000 won/USD kể từ năm 2013.

Tuy nhiên, sự ổn định này đã "sụp đổ" vào năm 2020, khi đồng won của Triều Tiên tăng giá, từ mức cân bằng dài hạn là 8.000 won/USD lên 5.000 won/USD vào tháng 6 vừa qua, trước khi giảm trở lại 6.000 won/USD vào tháng 7/2021.

Sự biến động như vậy trên thị trường ngoại hối Triều Tiên đã được dự đoán trước từ lâu song theo chiều hướng ngược lại. Một đồng tiền mạnh, ổn định nhất thiết phải phản ánh một nền kinh tế mạnh, song với Triều Tiên thì không phải như vậy, nhất là khi nước này đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất trong lịch sử từ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

trieu_tien_covid.jpg

Và gần đây, việc đình chỉ thương mại do các biện pháp kiểm dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến "jangmadang" (chợ hay còn gọi là các thị trường không chính thức) mà cuộc sống của người dân bình thường ở Triều Tiên phụ thuộc chủ yếu vào đó.

Sự biến động hiện nay trên thị trường ngoại hối của Triều Tiên là một dấu hiệu của cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó đồng nội tệ mất giá nhanh chóng so với các ngoại tệ ổn định hơn. Tuy nhiên, trái ngược với những dự đoán từ các mô hình kinh tế, đồng won của Triều Tiên lại cho thấy sức mạnh bất ngờ bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đang diễn ra ở nước này.

Chìa khóa để giải quyết nghịch lý nằm ở việc chế độ Triều Tiên muốn đẩy lùi thị trường hóa và USD hóa nền kinh tế trong suốt thập kỷ qua. USD hóa nền kinh tế, hoặc thay thế đồng nội tệ bằng ngoại tệ ổn định, phổ biến ở các nền kinh tế có lịch sử lạm phát lâu dài và quản lý chính sách yếu kém. Triều Tiên, với lịch sử quản lý kinh tế và tài chính yếu kém, cũng không phải là ngoại lệ.

Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI), USD hóa ở Triều Tiên hay nói đúng hơn là nhân dân tệ (CNY) hóa đã ăn sâu đến mức với ước tính rằng kể từ sau năm 2013 đã có tới 53% người dân Triều Tiên sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thay cho đồng nội tệ trong các hoạt động kinh tế hàng ngày.

USD hóa hay CNY hóa đều mang lại nhiều lợi ích cho người dân Triều Tiên. Lạm phát gần như đã được loại bỏ chỉ sau một đêm do giá cả được tính bằng ngoại tệ ổn định. Cũng giống như nhiều nền kinh tế đã trải qua giai đoạn USD hóa, sự ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp loại bỏ sự bất ổn kinh tế và thúc đẩy đầu tư.

Khoảng thời gian sau năm 2013 trùng với giai đoạn mở rộng nhanh chóng của hoạt động "jangmadang" cũng như nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sự đồng tiến hóa của USD hóa, hoạt động "jangmadang" và nhập khẩu của Trung Quốc đã tạo thành bộ ba tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên trong thập kỷ qua. Ba yếu tố này đã tạo ra một chu kỳ ổn định giá cả, mở rộng kinh tế và nâng cao mức sống thông qua tăng tiêu dùng.

trieu-tien-1.jpg
Những người mua sắm và thương nhân được nhìn thấy tại một "jangmadang" hoặc một khu chợ không chính thức ở Triều Tiên, ở Hyesan, tỉnh Ryanggang. Ảnh: Kyodo News

Những người dân Triều Tiên bình thường và giới tinh hoa đều thích tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ mà trước đây họ chỉ có thể mơ ước. Hiện có 6 triệu thuê bao điện thoại di động ở Triều Tiên và các quán cà phê với nhân viên pha chế đã mọc lên khắp thủ đô Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, không gì trong số này là miễn phí.

Sự mở rộng tiêu thụ được bảo đảm bởi xuất khẩu than và quặng sắt, cũng như từ những khoản ngoại tệ mà những người lao động Triều Tiên ở nước ngoài chuyển về. Khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực sau những nguồn thu hiệu quả nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phải đối mặt với sự lựa chọn giữa phát triển vũ khí hạt nhân và phát triển kinh tế. Rõ ràng, ông Kim Jong-un chọn phát triển vũ khí hạt nhân.

Điểm mấu chốt là Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên đã nêu rõ rằng Triều Tiên sẽ quay trở lại hoạt động thị trường hóa vốn mang lại nhiều lợi ích cho rất nhiều người. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của chính quyền Kim Jong-un là tình trạng USD hóa trong nền kinh tế, thể hiện sự không tin tưởng của người dân Triều Tiên đối với chính phủ mà đặt niềm tin vào nước ngoài.

Bằng cách loại bỏ nền kinh tế USD hóa, chính quyền Kim Jong-un sẽ đảm bảo sự phụ thuộc hoàn toàn của người dân vào nhà nước đồng thời giúp họ từng bước hoàn thiện.

Việc sử dụng ngoại tệ ở Triều Tiên, đặc biệt là đồng CNY của Trung Quốc, gắn chặt với dòng hàng hóa từ Trung Quốc. Với việc biên giới bị đóng cửa để kiểm dịch, ngoại tệ ít được sử dụng trong khi các kệ hàng tại siêu thị ở Bình Nhưỡng trở nên trống rỗng.

Để làm được điều đó, chính quyền Bình Nhưỡng đang buộc người dân Triều Tiên, bao gồm cả người nước ngoài, phải chuyển sang sử dụng đồng won của Triều Tiên và bán số ngoại tệ mà họ đang sở hữu. Kết quả đương nhiên là dẫn đến sự tăng giá nghịch lý của đồng won Triều Tiên trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vẫn trong tình trạng khủng hoảng kéo dài.

Tái chuẩn hóa thương mại sẽ là một quá trình lâu dài và đầy rủi ro khi nền kinh tế được phi USD hóa. Và nếu không có thương mại thì sẽ không còn bất kỳ hoạt động thị trường nào ở Triều Tiên. Do đó, đồng won của Triều Tiên tăng giá là một dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như có ý định đưa Triều Tiên trở lại thời kỳ của ông bà mình (khi chưa có thị trường và chắc chắn là cũng không có đồng CNY).

Hy vọng rằng các chính sách khác của Kim Jong-un, đặc biệt là trên các mặt trận đối ngoại và quân sự, sẽ không còn "ngược đời" như vậy.

(Nguồn: The Korea Times)

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement