22/01/2020 09:52
Nghịch lý giữa thị trường chứng khoán và mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 chạm đáy thấp nhất 10 năm qua, thị trường chứng khoán lại trải qua một năm đầy hứng khởi. Sự tương phản này đang tiềm tàng những mối nguy nào cho nhà đầu tư?
Năm 2019 ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2,3% - con số thấp nhất thập niên qua, theo báo cáo thường niên Tình trạng và triển vọng của kinh tế thế giới 2020 của Liên hiệp quốc.
Trong khi đó, Wall Street đã trải qua năm 2019 với kết quả tích cực: chỉ số S&P 500 tăng gần 30%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng gần 40%.
Sự tương phản này là kết quả của nhiều yếu tố. Một trong số đó là niềm tin kinh tế toàn cầu đang chậm lại vì căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Một khi mối quan hệ giữa hai cường quốc dịu lại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có khả năng phục hồi tích cực.
"Sau một năm trải qua nhiều biến động dưới nhiều làn sóng toàn cầu, kinh tế Mỹ bước vào năm 2020 - năm thứ 11 của giai đoạn phát triển kinh tế kéo dài kỷ lục - với tốc độ chậm nhưng chắc chắn," Matthew Luzzetti, kinh tế trưởng của Deutsche Bank phát biểu trong thông cáo và chỉ ra: "Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu đi xuống, trong khi các chỉ số kinh tế Mỹ vẫn đang ở mức cân bằng."
Dù vậy Liên hiệp quốc vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 và 2021 chỉ ở vào mức 2,5 tới 2,7%.
Đằng sau cơn hưng phấn của thị trường chứng khoán là mức lãi suất rất thấp tại châu Âu và Nhật Bản, đã khiến phố Wall trở thành nơi lý tưởng hơn để đầu tư. Trong khi đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rót tiền vào hệ thống bằng cách can thiệp vào thị trường tiền tệ, số tiền đổ vào phố Wall đã tạo cảm giác hài lòng cho các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cũng đang giữ vững niềm tin rằng cổ phiếu của những công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Microsoft và Facebook - những tên tuổi đang chiếm phần lớn thị trường chứng khoán - đã miễn nhiễm trước tình trạng kinh tế suy giảm.
Vậy điều gì có thể khiến tình hình lạc quan hiện tại thay đổi? Theo CEO của Forbes & Manhattan Stan Bharti, đó là sự trở lại của lạm phát.
"Trong vòng 8-10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến thị trường chứng khoán đi lên giữa bối cảnh lãi suất thấp. Điều này vô cùng nguy hiểm. Việc thị trường bắt đầu điều chỉnh sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tiền đầu tư đang dần biến thành tài sản hữu hình," Bharti cho biết.
Một động lực khác dẫn đến sự biến đổi tài sản nói trên nằm ở tình trạng nợ tăng cao. Tính đến cuối năm 2019, nợ thế giới đã chạm tới mức cao kỷ lục 255.000 tỉ USD, theo Viện Tài chính quốc tế.
Nợ tăng cao cuối cùng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức mua của người tiêu dùng, khiến hàng loạt bong bóng được bơm phồng nhờ dòng tiền dễ vay luân chuyển trên toàn cầu vỡ toang.
Đó là kịch bản của những năm 2008-2009. Khi ấy chứng khoán Mỹ rơi tự do và mất đi 37%, chứng khoán Đức giảm 42%, chứng khoán Trung Quốc mất giá 62% trong khi giá hàng hóa giảm 37%. Nhà đầu tư không còn bất cứ kênh trú ẩn nào và danh mục đầu tư của họ bị tấn công hàng loạt.
Vẫn chưa rõ thời điểm lạm phát hoặc mức nợ tăng cao bắt đầu khiến phố Wall phải trả giá, nhưng có một điều chắc chắn: giá trị vốn hóa trên Wall Street đang chịu lực giãn rất lớn, khiến các nhà đầu tư trở nên dễ tổn thương trước bất cứ sự kiện nào có thể gây chấn động tâm lý.
Advertisement
Advertisement