Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nghị định 116 vẫn như cũ, xe hơi nhập khẩu vào Việt Nam vẫn khó

Thị trường

27/02/2018 13:30

Trong cuộc đối thoại giữa Chính phủ và các doanh nghiệp ô tô diễn ra ngày 26/2, Nghị định 116 liên quan tới tất cả những nội dung.

Nghị định 116 đang khiến xe nhập khẩu bị chặn đường vào Việt Nam
Nghị định 116 đang khiến xe nhập khẩu bị chặn đường vào Việt Nam

Nghị định 116 được ban hành giai đoạn cuối năm 2017, trước thềm thời điểm thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực ASEAN về 0% đầu năm 2018. Đây là Nghị định được cho là tạo sân chơi bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp (sản xuất) trong nước, cũng là cơ hội để có một thương hiệu ô tô “Made in Việt Nam”.

Cán cân giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước, trước đây là nhiệm vụ của thuế nhập khẩu. Xe lắp ráp tại Việt Nam vốn hầu hết là linh kiện nhập từ nước ngoài, công nghiệp phụ trợ còn yếu kém, vì vậy chi phí sản xuất cũng cao hơn chi phí tại các nước trong khu vực, vốn có công nghiệp ô tô phát triển hơn hẳn Việt Nam, như Thái Lan, Philippines hay Indonesia.

Sự chênh lệch giữa chi phí sản xuất xe trong nước và nước ngoài được điều chỉnh bởi thuế nhập khẩu, khiến giá xe trong nước vẫn có khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu, với giá tương đương hoặc rẻ hơn xe nhập khẩu. Về phía người tiêu dùng, trước đây những người có điều kiện vẫn tìm mua xe nhập khẩu, vì cho rằng xe lắp ráp trong nước có chất lượng không bằng xe sản xuất tại nước ngoài.

Bước sang năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực ASEAN về 0%, cán cân giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu trong khu vực là không còn nữa, và ưu thế nghiêng hẳn về xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia  hay Philippines. Người dùng chờ đợi làn sóng xe nhập khẩu giá rẻ, đồng nghĩa với xe lắp ráp trong nước sẽ phải hạ giá để cạnh tranh, hoặc thua trắng ngay trên sân nhà. Ở khía cạnh quản lý, xe nhập khẩu tràn vào Việt Nam với thuế suất 0% sẽ làm mất đi khoản thu khổng lồ. Và Nghị định 116 xuất hiện kịp thời.

Phản ứng của các doanh nghiệp ô tô với Nghị định 116 là trái chiều, ngay trong cuộc đối thoại ngày 26/2 giữa chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan, thậm chí trái chiều ngay trong nội bộ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA.

Phần đông các doanh nghiệp thuộc VAMA như Toyota, Ford, GM, Honda, đều cho rằng cần điều chỉnh lại Nghị định 116 cho phù hợp với điều kiện thực tế, tuân thủ thông lệ quốc tế, tránh gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất cũng như nhập khẩu ô tô. Một số quy định của Nghị định 116 đang làm gián đoạn hoàn toàn việc nhập khẩu xe từ thị trường nước ngoài (từ 1/1/2018 cho tới nay và chưa biết bao giờ mới có thể nhập khẩu trở lại). Nghị định 116 cũng đồng thời có khả năng làm tăng chi phí xe nhập khẩu và tăng thời gian thông quan, do quy định kiểm định xe theo từng lô nhập khẩu, dẫn tới ùn ứ xe tại cảng cũng như chậm thời gian giao xe cho khách hàng, nếu như được nhập khẩu xe trở lại.

Các doanh nghiệp chỉ lắp ráp xe trong nước đang hưởng lợi từ Nghị định 116.
Các doanh nghiệp chỉ lắp ráp xe trong nước đang hưởng lợi từ Nghị định 116.

Trong khi đó, doanh nghiệp thuộc VAMA như Trường Hải, hay doanh nghiệp nằm ngoài VAMA như Hyundai Thành Công, lại ủng hộ Nghị định 116, vì cho rằng những quy định chung của Nghị định, xe lắp ráp trong nước làm được, thì xe nhập khẩu cũng phải làm được. Trường Hải và Hyundai Thành Công hiện tại đẩy mạnh sản xuất xe trong nước, Hyundai Thành Công đã ngừng hẳn việc nhập khẩu xe từ Hàn Quốc.

Nếu như Thái Lan hay Indonesia, với nguồn lợi không nhỏ từ việc xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, có thể “đẻ” ra giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho riêng thị trường Việt Nam, thì các quốc gia hàng đầu thế giới nhiều khả năng sẽ không phá vỡ luật lệ quốc tế từ xưa tới nay, để phục vụ riêng thị trường Việt Nam vốn có doanh số không đáng kể. Từ xưa tới nay, các nước xuất khẩu không cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe xuất khẩu, mà xe được sản xuất tại nước nào đã phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của nước đó.

Trong buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu và xem xét từng vấn đề các doanh nghiệp đề cập, đồng thời cũng khẳng định chủ trương của Chính phủ là phát triển ngành công nghiệp ô tô bằng chính sách chứ không phải các rào cản.

Có thể thấy buổi đối thoại không đưa ra phương án giải quyết hay kết luận cụ thể, mà đơn thuần là tiếp thu ý kiến đa chiều từ các doanh nghiệp ô tô. Sau đó, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng các giải pháp cụ thể. Thêm vào đó, “sức nặng” từ những doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất ô tô tại Việt Nam như Trường Hải hay Hyundai Thành Công, cộng với việc không còn thuế nhập khẩu từ các nước trong khu vực chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyết định của Chính phủ khi đưa ra các giải pháp liên quan tới Nghị định 116.

Như vậy, các doanh nghiệp ô tô muốn nhập khẩu, hoặc chờ đợi các giải pháp từ Chính phủ, hoặc tự tìm cách “thương lượng” với các quốc gia xuất khẩu, để tạo ra giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại riêng cho thị trường Việt Nam, được cấp bởi quốc gia xuất khẩu.

TÔ TÙNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement