Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngành Xây dựng tiếp tục chu kỳ giảm tốc trong năm 2019

Doanh nghiệp

26/12/2018 07:20

Ngành xây dựng bước vào năm thứ 3 trong chu kỳ giảm tốc. Tăng trưởng thực của ngành xây dựng năm 2018 đạt 8,02% và 2019 sẽ tiếp tục giảm tốc.

Chuỗi giá trị

Theo báo cáo ngành Xây dựng của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT-FPTS, đầu vào ngành Xây dựng chủ yếu là vật liệu xây dựng, chiếm 45% chi phí xây dựng và là chi phí đầu vào chính. Trong đó, thép chiếm khoảng 60% chi phí nguyên vật liệu, xi măng chiếm 20%.

Nhân công chỉ chiếm 15% tổng chi phí nhưng là thành phần quyết định chất lượng và tiến độ thi công. Ngành xây dựng thâm dụng lao động do tất cả các công đoạn thi công đều cần con người thực hiện và giám sát.

Ngành Xây dựng tiếp tục chu kỳ giảm tốc trong năm 2019

Máy móc thi công chiếm 10% chi phí, quyết định khả năng thi công của doanh nghiệp. Việt Nam không có khả năng tự sản xuất máy thi công mà phải nhập khẩu. Hàng năm, giá trị máy móc thi công nhập khẩu vào Việt Nam trung bình 835 triệu USD, trong đó 70% từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tỷ trọng của các công đoạn thi công khác nhau tùy theo loại sản phẩm, hoàn thiện chiếm khoảng 35-55% chi phí xây dựng nhà ở, ngược lại thường không đáng kể trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như cầu, đường...


Bị chiếm dụng vốn là đặc thù của ngành xây dựng. Cụ thể, các doanh nghiệp chỉ được thanh toán sau khi nghiệm thu, bàn giao và quyết toán. Quá trình này thường kéo dài 2-3 tháng tùy theo công trình hay chủ đầu tư.

Yêu cầu chuyên môn hóa trong quy trình thi công tỷ lệ thuận với quy mô dự án, một nhà thầu khó có đủ nhân lực và máy móc để thực hiện toàn bộ dự án. Do đó, việc thuê thầu phụ rất phổ biến tại Việt Nam, các tổng thầu thường đóng vai trò quản lý dự án.

Cụ thể, thầu phụ chủ yếu là lượng lượng lao động thời vụ, chiếm khoảng 60% lao động xây dựng. Lực lượng này phần lớn không được đào tạo, chỉ có thể đảm nhận các công việc giá trị gia tăng thấp.

Một phần nhỏ các nhà thầu phụ có chuyên môn cao, thường đảm nhiệm các phần công việc yêu cầu kỹ thuật đặc thù trong thi công nền móng và hoàn thiện công trình.

Doanh nghiệp trong ngành

Thị trường xây dựng Việt Nam phân hóa mạnh và cạnh tranh gay gắt với số lượng doanh nghiệp lớn, rào cản gia nhập thấp, công nghệ khá tương đồng giữa các nhà thầu. Đến năm 2017, Việt Nam có khoảng 67.000 doanh nghiệp xây dựng, chiếm 13% tổng số doanh nghiệp cả nước. 


Cạnh tranh trong ngành xây dựng dựa trên giá đấu thầu và khả năng hoàn thành dự án của nhà thầu. Hai yếu tố này được quyết định chủ yếu bởi quy mô tài chính, công nghệ thi công và khả năng quản lý dự án.

Ngành Xây dựng tiếp tục chu kỳ giảm tốc trong năm 2019

Xét các tiêu chí này, nhóm nhà thầu nước ngoài có khả năng cạnh tranh cao nhất tại VIệt Nam, sau đó là nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước, cuối cùng là nhóm doanh nghiệp Nhà nước. 


Quy mô sản phẩm xây dựng năm 2016 đạt 1.089 nghìn tỷ, tương đương 25% giá trị GDP. Theo ước tính của FPTS, xây dựng nhà ở chiếm phần lớn nhất, tiếp theo là cơ sở hạ tầng, nhà không để ở và công nghiệp.

Sản phẩm ngành xây dựng phục vụ nhu cầu đầu tư của khách hàng và được thực hiện theo địa điểm và yêu cầu cụ thể, khác với sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt trước khi có người mua.

Trong 30 năm gần đây, ngành xây dựng trải qua 6 chu kỳ tăng tốc, giảm tốc hoàn chỉnh, mỗi chu kỳ kéo dài 4-5 năm. Tính chu kỳ của ngành xây dựng Việt Nam một phần đến từ thị trường bất động sản, tăng trưởng chạm đáy trong thời kỳ thị trường đóng băng sau bong bóng năm 1995, 2008 và 2011.

Xu hướng tăng trưởng cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành xây dựng thấp dần, đây là dấu hiệu ngành xây dựng đang bước qua khỏi quá trình tăng trưởng sau đổi mới 1986 và bước vào giai đoạn tái cấu trúc.

Thi công xây dựng chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố thời tiết và thói quen của người Việt Nam. Cụ thể, vào quý III và IV là cao điểm của ngành xây dựng do các công trình thường được khởi công sau Tết âm lịch và hoàn thành trước Tết.

Yếu tố thúc đẩy

Ngành xây dựng chịu ảnh hưởng từ yếu tố nhân khẩu học tạo nên tiềm năng tăng trưởng dài hạn, tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng quyết định đầu tư trong ngắn hạn và hệ thống pháp lý định hình môi trường cạnh tranh. Tại Việt Nam, cả 3 yếu tố này đều tích cực, tạo nên tiềm năng tăng trưởng lớn cho ngành xây dựng.

Nhân khẩu học là tiềm năng lớn từ dân số vàng, xu hướng đô thị hóa, tăng trưởng tầng lớp trung lưu. Về mặt nguồn cung thì lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp. Dân số Việt Nam đạt khoảng 96 triệu, xếp thứ 15 trên thế giới với dân số trẻ với tuổi trung bình 31.

Ngành Xây dựng tiếp tục chu kỳ giảm tốc trong năm 2019

Về mặt nhu cầu, xu hướng đô thị hóa và tăng trưởng tầng lớp trung lưu tạo ra nhu cầu bền vững. Các đô thị tại Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn do Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa thấp so với khu vực nhưng tốc độ đô thị hóa cao.

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, thu nhập từ 7.000-70.000 USD/năm đạt 22,1 triệu hộ gia đình trong 2017, chiếm 81,7% số hộ gia đình Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng của tầng lớp này dự kiến đạt 19%/năm đến 2020, cao nhất trong khu vực.

Tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, hấp dẫn đầu tư. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ổn định trong khoảng 20 năm gần đây. Trong đó, năm 2009 và 2012 có tốc độ tăng trưởng thấp nhất do khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008 và các động thái kiếm soát lạm phát, ổn định vĩ mô năm 2012.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng Việt Nam trong nhóm dẫn đầu Châu Á. Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,96% trong 9 tháng đầu năm, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ 2011 đến nay. Theo thống kê của Bloomberg tại tháng 11/2018, kinh tế Việt Nam dự phóng tăng trưởng 6,9% trong 2018, là một trong những quốc gia cao nhất Châu Á, sau Bangladesh và Ấn Độ.

Hệ thống pháp lý được cải thiện môi trường kinh doanh từ chủ trương cải cách. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, hệ thống pháp lý thường không theo kịp phát triển kinh tế, dẫn đến nhiều vấn đề tồn tại cản trở phát triển và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh.

Chủ trương tự do hóa, gỡ bỏ hạn chế đầu tư và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam đang dần cải thiện môi trường cạnh tranh, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và hấp dẫn đầu tư từ đối tác quốc tế 


Giảm tốc trong 2018 và 2019

FPTS dự phóng tăng trưởng thực xây dựng năm 2018 đạt 8,02%, thấp hơn mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm 8,62% do tăng trưởng mạnh trong quý IV năm 2017. Với mức tăng trưởng này, ngành xây dựng bước vào năm thứ 3 trong chu kỳ giảm tốc.

Ngành Xây dựng tiếp tục chu kỳ giảm tốc trong năm 2019

Năm 2019, tăng trưởng xây dựng sẽ tiếp tục giảm tốc, chủ yếu do xây dựng nhà ở, nhà không để ở và cơ sở hạ tầng đều kém khả quan so với 2018. Chỉ có xây dựng công nghiệp sẽ tăng tốc nhưng lĩnh vực này chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong xây dựng, chỉ ở 12% trong 2016. Theo dự phóng của BMI, ngành xây dựng sẽ tăng trưởng 7,23% trong năm 2019.

Nhìn chung, diễn biến chi phí nguyên vật liệu và nhân công thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2018 và sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2019.

Cụ thể, thép tăng nhẹ trong 2018, giảm trong 2019. Giai đoạn 2014-2016, giá thép nội địa giảm khoảng 30% do tình trạng dư cung tại Trung Quốc khiến các doanh nghiệp nước này xuất khẩu dưới giá thành.

Năm 2017, giá thép nội địa tăng khoảng 20% do chính sách áp thuế bảo hộ với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá thép trong năm 2018 tăng mạnh trong đầu năm, sau đó ổn định quanh mức 13.250 đồng/kg. Dự kiến giá thép 2019 giảm do nguồn cung trong nước tăng khoảng 20%, đến từ các dự án lớn hoàn thành.

Giá xi măng nội địa không tăng từ năm 2012 do ngành xi măng đang rất khó khăn, chủ yếu từ công suất thiết kế vượt khoảng 50% so với nhu cầu nội địa và chủ trương hạn chế xuất khẩu xi măng của Chính phủ Việt Nam.

Trong 2018, giá xi măng giảm 10-20% do nhu cầu xuất khẩu giảm. Dự kiến trong năm 2019, giá xi măng sẽ tiếp tục giảm nếu Chính phủ Việt Nam thắt chặt xuất khẩu xi măng.

Chi phí nhân công trong ngành xây dựng chịu ảnh hưởng từ mức lương tối thiểu vùng do phần lớn lực lượng lao động trong ngành xây dựng có trình độ thấp, chưa qua đào tạo chuyên nghiệp. Trung bình từ 2010-2019, lương tối thiểu vùng tăng 17%/năm với mức tăng cao nhất trong năm 2012 do lạm phát cao tại thời điểm đó (lần lượt 18,7% và 9,1% trong 2011-2012).

Ngành Xây dựng tiếp tục chu kỳ giảm tốc trong năm 2019

Tuy nhiên, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng chậm lại từ năm 2012 với mức tăng dự kiến năm 2019 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Mức tăng lương tối thiểu được công bố sớm làm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp xây dựng, chi phí tăng lên sẽ được tính toán trong hồ sơ dự thầu và chuyển đến khách hàng.

Nhưng vẫn có triển vọng

Mảng xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tăng trưởng chậm lại trong 2019 do thách thức từ cấu trúc. Cơ sở hạ tầng là một trọng tâm phát triển trong mô hình phát triển kinh tế Việt Nam 2016-2020. Hàng năm Việt Nam chi khoảng 5,8% GDP cho phát triển cơ sở hạ tầng, trong khu vực chỉ thấp hơn Trung Quốc.

Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam rất lớn, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế cao và xu hướng đô thị hóa tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng hiện có. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính Việt Nam cần chi khoảng 11-12% GDP cho cơ sở hạ tầng để duy trì mức tăng trưởng hiện nay.

Mức chi đầu tư cơ sở hạ tầng Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 50% nhu cầu. Đây là hệ quả của các vấn đề trong cấu trúc kinh tế Việt Nam như thâm hụt ngân sách, quá trình bội chi kéo dài khiến nợ công tăng cao, hạn chế khả năng đầu tư công của Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải ước tính nhu cầu đầu tư giao thông trong 2016-2020 khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ cân đối được 30%.

Về nhà không để ở, tăng trưởng chậm lại trong 2019 do các động thái kiềm chế bong bóng bất động sản. Trong 10 năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam trải qua 2 lần bong bóng trong năm 2007 và 2010.

Bong bóng bất động sản vỡ dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản, nợ xấu ngân hàng tăng cao và thị trường đóng băng kéo dài 2-3 năm. Ngành Kinh doanh bất động sản có chu kỳ tăng tốc kéo dài từ 2013 tới nay, cùng với một số dấu hiệu bất ổn trong thị trường gây ra lo ngại bong bóng bất động sản trở lại trong 2018 và 2019, dẫn tới các động thái kiềm chế của cơ quan quản lý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư 06/2016/TT-NHNN trong tháng 5/2016 và thông tư 19/2017/TT-NHNN tháng 12/2017 để hạn chế tín dụng bất động sản. Cụ thể, hệ số rủi ro cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200% và tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 45% trong năm 2018, tiếp tục giảm còn 40% từ đầu năm 2019.

Ngành Xây dựng tiếp tục chu kỳ giảm tốc trong năm 2019

Những động thái hạn chế bong bóng bất động sản đã làm giảm đà tăng trưởng lĩnh vực Kinh doanh bất động sản trong năm 2018 và dự tính sẽ tiếp tục trong năm 2019. Do đó, FPTS đánh giá lĩnh vực xây nhà ở và nhà không để ở sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới.

Xây dựng công nghiệp sẽ khả quan hơn trong 2019 do Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á. Sau khi sụt giảm năm 2010, ngành công nghiệp Việt Nam có chu kỳ tăng trưởng cao và kéo dài gần 10 năm, kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu 2018 rất khả quan. 


Chỉ số khảo sát Nhà quản trị mua hàng (PMI) và chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) cũng chỉ ra bức tranh tăng trưởng khả quan của ngành công nghiệp Việt Nam. Các lợi thế phát triển công nghiệp tại Việt Nam gồm, nguồn lực lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể đón nhận xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc.

Chủ trương cải cách hành chính, mở cửa thu hút đầu tư, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với đối tác lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu... Vị trí địa lý thuận lợI khi gần các tuyến đường vận chuyển hàng hải trọng yếu từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Do đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn trong năm 2019, FPTS đánh giá tăng trưởng xây dựng công nghiệp sẽ tăng tốc trong năm 2019  và đây cũng là lĩnh vực xây dựng duy nhất có triển vọng khả quan trong năm tới. 


NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement