Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngành thép điêu đứng!

Doanh nghiệp

06/11/2019 08:25

Kết quả kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành của ngành thép đang đi thụt lùi nhưng nợ lại tăng, phải đóng cửa chi nhánh và bán nhà máy.

Lỗ nặng, nợ nhiều

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) đạt 2.966 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14,5% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm ít hơn khiến lợi nhuận gộp chỉ còn vỏn vẹn 9,3 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, một nhà máy của Thép Pomina đã phải ngưng sản xuất do sự cố thiết bị làm sản lượng bán hàng giảm. Nhà máy này đã khắc phục và bắt đầu sản xuất lại từ tháng 10.

9 tháng đầu năm, Thép Pomina lỗ đến 252 tỷ đồng dù cùng kỳ lãi sau thuế đến 401 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, Thép Pomina lỗ đến 252 tỷ đồng dù cùng kỳ lãi sau thuế đến 401 tỷ đồng.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 10 tỷ đồng, tăng 41% nhờ tăng khoản lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện từ 7 tỷ đồng lên thành 8,9 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng vọt 79% lên mức gần 100 tỷ đồng do trong kỳ, công ty triển khai 2 dự án, một dự án lò cao quý II/2020 sẽ đi vào hoạt động và dự án tôn cũng vừa mới hoạt động trong quý II/2019 nên chi phí lãi vay tăng từ 51 tỷ đồng lên hơn 98 tỷ đồng.

Cùng với đó là việc cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ nên Thép Pomina lỗ quý thứ 3 liên tiếp với gần 119 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi sau thuế 27 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Thép Pomina đạt 9.151 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9,4% so với cùng kỳ. Công ty lỗ đến 252 tỷ đồng dù cùng kỳ lãi sau thuế đến 401 tỷ đồng.

Tổng tài sản công ty tại thời điểm 30/9 đạt 11.349 tỷ đồng, tăng 3% so với số đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.805 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, giảm 16,5%. Ngược lại, hàng tồn kho tăng gần 11% lên mức 3.035,6 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả là 7.796 tỷ đồng, tăng 8% với vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 5.155 tỷ đồng, còn vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 1.467 tỷ đồng.

Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho thấy, trong quý III/2019, Tập đoàn Hòa Phát đạt 15.350 tỷ đồng doanh thu và 1.794 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 25% cùng kỳ năm trước).

Đáng chú ý, trong quý III, Hòa Phát đã vay nợ thêm 3.900 tỷ đồng, bao gồm 3.468 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 432 tỷ đồng nợ dài hạn. Tổng nợ vay của Tập đoàn đến cuối tháng 9 là 34.268 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 0,77 lần. Bởi nợ vay tăng nên trong kỳ, chi phí lãi vay tăng 88%, lên 266 tỷ đồng.

Cũng trong quý III, Hòa Phát rót thêm 1.680 tỷ đồng xây dựng Khu liên hiệp Gang thép Dung Quất. Chi phí xây dựng dở dang của dự án này tại ngày 30/9 là 44.600 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản Tập đoàn.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 45.683 tỷ đồng doanh thu và 5.655 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu tăng 10% thì lợi nhuận giảm 17%, hoàn thành 84% kế hoạch năm.

Hòa Phát cho biết lợi nhuận giảm vì ảnh hưởng giá bán thép xây dựng và ống thép giảm 10% và 6%. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là giá quặng sắt tăng 37% làm giá vốn tăng 13%.

Nợ của Tập đoàn Hòa Phát cũng đang phình to.
Nợ của Tập đoàn Hòa Phát cũng đang phình to.

Lượng tiền nhàn rỗi trong kỳ cũng đã giảm 31% so với quý II, còn 5.813 tỷ đồng. Cụ thể, tiền và tương đương tiền giảm 33% còn 3.972 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn cũng giảm 29%, còn 1.841 tỷ đồng.

Còn báo cáo tài chính quý IV niên độ từ 1/10/2018 đến 30/9/2019 của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng chỉ ra nhiều điều đáng buồn. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 26%, còn 6.350 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm chiếm 50%, doanh thu bán hàng hóa chiếm 49,6%. Giá vốn giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp tăng 15%, lên 831 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 13%. 

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản Tập đoàn Hoa Sen là 17.105 tỷ đồng, giảm 20%, chủ yếu ở tài sản cố định (8.642 tỷ đồng). Nợ phải trả là 11.637 tỷ đồng, giảm 32% so với đầu kỳ nhưng vẫn chiếm 72% nguồn vốn do các khoản vay nợ ngắn hạn từ ngân hàng và các công ty cho thuê tài chính. Trong đó, công ty có tới 14 khoản vay đến hạn trả, giá trị 722 tỷ đồng.

Phải bán nhà máy

Trong 9 tháng, Thép Hòa Phát bán gần 2 triệu tấn sản phẩm, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và nắm giữ 25% thị phần toàn ngành. Trong đó, khu vực miền Nam tăng gần gấp đôi lên 280.000 tấn và khu vực miền Trung tăng 53% lên 300.000 tấn.

Với mảng xuất khẩu, Hòa Phát đã bán hàng vào Nhật Bản, Campuchia và một số quốc gia khác. Tổng lượng xuất khẩu từ đầu năm đạt 191.600 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ và chiếm gần 10% tổng lượng bán hàng.

Sản phẩm ống thép của Hòa Phát đạt sản lượng 550.100 tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ và chiếm thị phần lớn nhất 30,7%. Ống thép xuất khẩu đạt sản lượng 14.100 tấn, tăng 10%.

Riêng Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục cắt giảm chi phí. Chi phí bán hàng giảm 16%, còn 411 tỷ đồng chủ yếu nhờ giảm chi phí xuất khẩu. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10% còn 137 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 43%, do giảm hàng tồn kho và dư nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm 87% do không có lãi từ hoạt động đầu tư.

Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 84 tỷ đồng so với khoản lỗ 102 tỷ đồng cùng kỳ. Công ty thực hiện tái cấu trúc hệ thống phân phối, gom tất cả các chi nhánh về còn một chi nhánh/tỉnh, bán dần các cửa hàng, đồng thời, giảm vay nợ và hàng tồn kho.

Doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen giảm mạnh so với năm trước.
Doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen giảm mạnh so với năm trước.

Trong niên độ 2018-2019, Hoa Sen đánh giá thị trường không nhiều tích cực, xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên kịch bản giá nguyên liệu thép cán nóng (HRC) là 470 USD/tấn. Kế hoạch được thông qua là 31.500 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với niên độ trước và mục tiêu 500 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Hết niên độ tài chính, công ty ghi nhận doanh thu đạt 28.035 tỷ đồng, giảm 19%. Lợi nhuận sau thuế là 361 tỷ đồng, giảm 12%. Công ty hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận.

Bê bết nhất phải kể đến Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG). Thép Nam Kim vừa thông qua việc đóng cửa chi nhánh miền Tây (tỉnh Vĩnh Long) do thay đổi chiến lược cũng như mô hình hoạt động kinh doanh. Theo đó, công ty đang tiến hành thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, các quyền lợi khác của người lao động theo quy định.

Song song, NKG cũng thanh quyết các khoản nợ thuế với cơ quan thuế, cùng các khoản nợ các của công ty, chính thức huỷ con dấu. Sau khi đã thanh lý tài sản, các khoản nợ và chi phí chấm dứt hoạt động, số tiền còn lại sẽ được nhập vào quỹ Công ty.

Trước đó, công ty cũng vừa hoàn tất chuyển nhượng Nhà máy Nam Kim 1 (phường An Thạnh, xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho Công ty TNHH Sứ Kỹ thuật Minh Long 2.

Đặt kế hoạch cho năm 2019, NKG chủ trương chuyển nhượng hàng loạt dự án và tái cấu trúc sản xuất, bán vốn góp tại dự án Nam Kim Corea, KCN Visip II – A, một số nhà máy sản xuất mạ, nhà máy Nam Kim 1 – công suất 500.000 tấn/năm. Thông qua các thương vụ chuyển nhượng, NKG dự thu về khoảng 850 tỷ đồng và sử dụng nhằm giảm dư nợ trung hạn. Công ty kỳ vọng doanh thu 2019 đạt 15.500 tỷ, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 295 tỷ đồng, chủ yếu từ bán dự án.

TUYẾT HƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement