Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngành ngân hàng lo gì ở mùa đại hội cổ đông năm nay?

Ngân hàng

04/04/2019 01:17

Niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán, tăng vốn, xử lý nợ xấu, nhân sự… là những vấn đề mà hàng loạt ngân hàng phải đối mặt hiện nay.

Niêm yết

Ngân hàng Nam Á-Nam A Bank vừa tổ chức đại hội cổ đông 2018 với nhiều quyết định quan trọng được thông qua. Đáng chú ý là cổ đông Nam A Bank đã thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Hội đồng quản trị sẽ là người thực hiện tất cả các thủ tục và ký kết các giấy tờ có liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, năm nay chắc chắn sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Nam A Bank năm nay chắc chắn sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE.
Nam A Bank năm nay chắc chắn sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Tương tự, tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng cho thấy, SeABank đã làm thủ tục đăng ký, lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên Upcom. Tuy nhiên, tháng 12/2018, SeABank đã tăng vốn điều lệ lên 7.688 tỷ đồng nên hồ sơ đăng ký, lưu ký phải bổ sung lại.

Tại đại hội, SeABank trình cổ đông thông qua việc tiếp tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tại VSD. Tuy nhiên, SeABank sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE thay vì Upcom như hồ sơ đã nộp trong năm 2018.

Một trường hợp nữa là OCB năm 2018 đã chuẩn bị đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE, tưởng chừng sẽ hoàn tất sau hàng loạt sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khá rầm rộ nhưng cuối cùng đến hết năm vẫn án binh bất động. Năm 2019, lãnh đạo ngân hàng này cho biết chắc chắn sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Ngoài các ngân hàng quyết tâm niêm yết trên HOSE năm nay, một số đã lên sàn Upcom cũng có kế hoạch chuyển sang sàn giao dịch này cho thêm nhộn nhịp. Đầu tiên là VIB. Ngân hàng Quốc tế chào sàn Upcom đầu năm 2017 và trong đại hội cổ đông năm 2018 đã thông qua kế hoạch chuyển sang giao dịch ở HOSE vào thời điểm phù hợp. Theo lãnh đạo VIB, năm 2019 sẽ hoàn tất công tác này.

LienVietPostBank cũng dự kiến sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019 vào cuối tháng 3 nhưng đã dời lại vào cuối tháng 4. Trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội, LienVietPostBank thông báo sẽ chuyển niêm yết sang HOSE trong năm nay cùng với kế hoạch tăng vốn và bứt phá trong hoạt động sau năm 2018 kinh doanh không mấy thuận lợi.

Hiện tại, Việt Nam đang có 31 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó 17 đơn vị đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phần trên sàn chứng khoán. Năm 2018, nhiều nhà băng đã thành công trong việc lên sàn, có thể điểm tới như Techcombank, HDBank, TPBank… Nhóm còn lại dù một vài nhà băng dự định lên sàn nhưng đã lỡ hẹn. Tuy nhiên, năm nay bắt buộc các ngân hàng phải lo thực hiện.

Bởi theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Thủ tướng yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020.

SeABank sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE thay vì Upcom như hồ sơ đã nộp trong năm 2018.
SeABank sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE thay vì Upcom như hồ sơ đã nộp trong năm 2018.

Theo đó, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức HOSE, HNX, Upcom. Thực tế, yêu cầu niêm yết lên sàn đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018. Yêu cầu trên cũng xuất phát từ ngân hàng là một ngành kinh doanh khá đặc biệt khi hàng hóa ở đây là tiền tệ.

Dè dặt lợi nhuận

Một điểm đáng chú ý trong mùa đại hội ngành ngân hàng năm nay là các nhà băng không mạnh dạn đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao như các năm trước. Ở năm 2017 và 2018, nhiều nhà băng từng đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao từ 30 - 40% cho đến gấp 2 và gấp 3 thì năm nay lại bất ngờ đặt ra mục tiêu tăng trưởng thấp hơn rất nhiều, đa số dưới 30%.

Điển hình như SeABank chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản thêm 15% trong năm 2019, lên 156.000 tỷ đồng, huy động khách thêm 16.000 tỷ đồng (tăng 19%) và tăng trưởng dư nợ khách hàng thêm 17.000 tỷ đồng. Ngân hàng duy trì nợ xấu dưới 3%. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng là 818 tỷ đồng.

Đến năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu là ngân hàng bán lẻ dẫn đầu, đứng top 3 về thẻ tín dụng, bảo hiểm trên thị trường. Cụ thể, số lượng khách hàng đạt 3 triệu đơn vị, doanh thu phí đạt 30% trong tổng doanh thu, tỷ lệ chi phí trên doanh thu là 40%, lợi nhuận đạt 1.500 tỷ đồng, nợ xấu duy trì dưới 3% và thanh toán toàn bộ dư nợ tại VAMC.

Năm 2018, SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 622 tỷ đồng, tăng 163% so với năm 2017. Tổng dự nợ cho vay khách hàng đạt 83.900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu duy trì là 1,57%.

Năm 2019, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước.
Năm 2019, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước.

Còn Nam A Bank dự kiến tổng tài sản đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Huy động vốn cá nhân, phát hành giấy tờ có giá đạt 72.000 tỷ đồng, tăng 27%. Dư nợ cho vay cá nhân đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018 nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 800 tỷ đồng. 

Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của Nam A Bank đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng 37,8% so với năm 2017 và đạt 114% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 743 tỷ đồng, tăng 147% so với cuối năm 2017 và đạt 232% kế hoạch năm 2018. 

Tương tự, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Hai năm trước đó, lợi nhuận tại nhà băng này đã có đà tăng rất cao, tính theo cấp số nhân. Chẳng hạn năm 2017, lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm 2016, còn lợi nhuận năm 2018 cũng tăng tới 95% so với năm 2017.

Trong cuộc họp đại hội cổ đông sắp tới, Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh trong đó mục tiêu lợi nhuận đạt 11.750 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Trong khi năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 10.600 tỷ, tăng 33% và năm 2017 cũng đã tăng gấp đôi so với năm 2016. 

MBBank đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 27%, đạt hơn 9.800 tỷ đồng. Trong năm ngoái, lợi nhuận của nhà băng đã tăng 68% đạt hơn 7.700 tỷ đồng. Cá biệt, chỉ có Vietinbank là đặt ra mục tiêu tăng trưởng tới 41% cho chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, tức đạt khoảng 9.500 tỷ đồng.

Tăng vốn

Tăng vốn là câu chuyện làm đau đầu nhiều lãnh đạo ngân hàng trong vài năm qua. Năm nay, câu chuyện này tiếp tục lặp lại khi hàng loạt ngân hàng lấy mục tiêu tăng vốn làm trọng tâm. Chẳng hạn, SeABank sẽ trình cổ đông thông qua việc phát hành thêm 133,1 triệu cổ phiếu mới, tương ứng với tỷ lệ thực hiện 17,31%.

Tổng mệnh giá phát hành là 1.331 tỷ và tăng vốn điều lệ lên 9.019 tỷ đồng. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, SeABank sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho các cá nhân và tổ chức có đủ điều kiện theo quy định.

BIDV dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank trong năm nay.
BIDV dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank trong năm nay.

Tổng số tiền thu về từ đợt phát hành này là 1.331 tỷ đồng sẽ được trích 350 tỷ cho việc đầu tư tài sản cố định, 481 tỷ dùng để cho vay khách hàng và 500 tỷ đồng sẽ đầu tư bổ sung các khoản trái phiếu có độ rủi ro thấp.

Nam A Bank đã trình phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2019 nhưng chưa công bố nội dung cụ thể. Nhà băng này cũng có chủ trương tiếp tục bành trướng mạng lưới trong năm nay. Trong khi năm 2018, Nam A Bank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở mới tới 35 điểm giao dịch cả nước. 

Ở năm 2018, Nam A Bank từng trình cổ đông phương án tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu phổ thông mới. Tuy nhiên, ngân hàng này mới chỉ thực hiện được một phần tăng vốn từ 3.021 tỷ đồng lên 3.353 tỷ đồng bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu.

VIB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 7.835 tỷ đồng lên 10.909 tỷ đồng. Ngân hàng này sẽ thưởng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư mới với cùng tỷ lệ 18%. Đạt chuẩn Basel II từ cuối 2018 nhưng ngân hàng này vẫn tiếp tục nâng vốn. Theo lý giải của VIB, việc này nhằm tăng cường cấp tín dụng, đầu tư tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp mạng lưới.

Hồi cuối tháng 10/2018, Ngân hàng BIDV (BID) đã công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Theo đó, BIDV dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phần cho 1 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Sau đợt phát hành, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắm giữ 15% vốn điều lệ của BID sau phát hành. Thời điểm phát hành dự kiến theo tờ trình là trong năm 2019. 

Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá dự kiến là hơn 6.033 tỷ đồng và giá phát hành sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành. Nhà đầu tư chiến lược kể trên là Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc. Số cổ phần phát hành cho KEB Hana Bank sẽ bị giới hạn thời gian chuyển nhượng tối thiểu 5 năm kể từ ngày đầu tiên nhà đầu tư trở thành cổ đông của BID. 

Số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu này, BIDV sẽ sử dụng vào một số lĩnh vực như hoạt động tín dụng, cho vay đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có phương án kinh doanh khả thị.

Nhân sự cấp cao

Năm 2019, nhiều ngân hàng sẽ bầu lại Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới. Cụ thể, VIB vừa qua đã bầu 7 thành viên Hội đồng quản trị, 3 thành viên Ban Kiểm soát chuyên trách cho nhiệm kỳ 2019 - 2023.

Tương tự, Techcombank sẽ bầu ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới 2019-2024 với số lượng thành viên Hội đồng quản trị là 8 người, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Ban Kiểm soát dự kiến có 3 người, trong đó có 2 thành viên chuyên trách.

Ngân hàng Quân Đội cũng dự kiến sẽ bầu lại bộ máy lãnh đạo trong đại hội tới đây. Ngân hàng Sài Gòn (SCB) thông báo bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị và 2 thành viên Ban Kiểm soát tại họp đại hội cổ đông thường niên 2019.

Việc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới của Eximbank đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Việc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới của Eximbank đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Một trong những thay đổi nhân sự gây chú ý trong thời gian qua là việc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam-Eximbank. Hồi cuối tháng 3/2018, bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào Hội đồng quản trị Eximbank. Cụ thể, Eximbank đã ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 thay cho ông Lê Minh Quốc, Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Theo đó, ông Lê Minh Quốc thôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank từ ngày 22/3/2019. Ông Lê Minh Quốc có trách nhiệm bàn giao đầy đủ công việc, tài liệu và các vấn đề có liên quan của Hội đồng quản trị cho Chủ tịch Hội đồng quản trị mới. Việc bàn giao phải được hoàn tất trong vòng 5 ngày kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực.

Bà Lương Thị Cẩm Tú-nữ doanh nhân sinh năm 1980 vừa thôi nhiệm Tổng giám đốc tại Nam Á Bank trước đó ít tuần, là trường hợp duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trong số 4 hồ sơ tham gia Hội đồng quản trị Eximbank.

Tuy nhiên, ngay lập tức, ông Lê Minh Quốc đã lên tiếng khẳng định mình vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp pháp của Eximbank. Ông Quốc cho rằng phiên họp ngày 22/3 của nhóm Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm Thành viên Hội  đồng quản trị Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp luật.

Sau đó, Toà án Nhân dân TP.HCM cũng đã yêu cầu ngân hàng tạm dừng nghị quyết thay Chủ tịch Hội đồng quản trị. Như vậy, thêm một lần nữa, cuộc chiến giành quyền lực tại Eximbank chưa có dấu hiệu đi xuống dù đã trải qua một thời gian khá dài.

Ngày 26/4 tới, Eximbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Liệu các cổ đông có thể kỳ vọng về một sự thay máu lớn của ngân hàng?

TUYẾT HƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement