12/03/2021 07:42
Ngành cao su 'xẹp hơi' kế hoạch
Giá cao su liên tục tăng và lập đỉnh vào cuối tháng 2/2021. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh năm nay của nhóm ngành này đang có chiều hướng đi xuống.
Dự kiến lợi nhuận 2021 giảm mạnh
Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) đặt mục tiêu đạt 301,4 tỷ đồng doanh thu và 57 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2021, giảm lần lượt gần 30% và 48% so với năm 2020.
Theo TRC, từ năm 2021, Công ty không còn được miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cao su trong thời gian kiến thiết cơ bản. Chi phí đầu tư đối với vườn cây kiến thiết cơ bản từ năm nay trở đi sẽ tăng cao, cả kể vườn cây tái canh năm 2020 trở về trước mà đến năm 2021 vẫn còn trong thời gian kiến thiết cơ bản.
Ông Nguyễn Thái Bình, thành viên Hội đồng quản trị TRC cho biết, đơn giá thuê đất của Công ty được điều chỉnh cho chu kỳ 5 năm (2020 - 2024) có mức tăng quy đổi bình quân là 1,5 triệu đồng/tấn sản phẩm được phân bổ trong giá thành sản phẩm, việc tăng chi phí cố định này dẫn đến giá thành tăng từ 29,5 triệu đồng/tấn lên hơn 31 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động thanh lý cao su là nguồn lợi nhuận chính của TRC, chiếm 66% lợi nhuận của Công ty. TRC kiến nghị, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động thanh lý cao su từ mức 20% hiện nay xuống 10% như thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh mủ cao su khai thác.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 4.600 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2020. VRG nhìn nhận, năm 2021 sẽ có nhiều khó khăn, nhất là đối với hoạt động khai thác mủ cao su, vốn là lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của Tập đoàn.
Từ năm 2021 trở đi, các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản. Thêm vào đó, khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) đã thông qua nghị quyết Hội đồng quản trị về kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu 1.921 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 751 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 35% so với năm 2020.
Ở quy mô nhỏ hơn, Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) đang chờ Tập đoàn thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, với các chỉ tiêu đề ra theo tinh thần thận trọng. Năm 2020, HRC đạt lợi nhuận sau thuế gần 9 tỷ đồng.
Giá cao su đang có xu hướng tốt hơn, nhưng nhiều doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận năm 2021 giảm còn có lý do là không còn khoản thu bất thường.
Chẳng hạn, năm ngoái, VRG ghi nhận khoản lãi ròng trị giá 1.100 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG, hay TRC ghi nhận giá trị thanh lý tài sản cố định hơn 64 tỷ đồng trong năm 2020.
Với PHR, lãi ròng năm 2020 đạt 1.080 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2019, chủ yếu nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác 959 tỷ đồng, bao gồm tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi thực hiện dự án là 860 tỷ đồng.
Lý do thận trọng
Tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka, giá cao su kỳ hạn tháng 7/2021 mở cửa ngày 25/2/2021 tăng lên mức cao nhất trong 4 năm, nhờ sự hồi phục của giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải. Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Osaka mở cửa tăng 15,8 JPY/tấn, tương đương tăng 5,8%, lên 289,9 JPY (2,73 USD)/tấn.
GVR cho biết, giá mua cao su trong nước được điều chỉnh theo giá thị trường thế giới, khi giá thế giới tăng thì giá tại thị trường trong nước tăng theo và ngược lại. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 1/2021 là 1.611 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 12/2020.
Dẫn lời từ Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), ông Bành Mạnh Đức, Phụ trách công bố thông tin HRC chia sẻ, nhu cầu cao su tự nhiên trên thế giới năm 2021 dự báo sẽ hồi phục nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, chủ yếu tại các những nước mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Riêng nhu cầu cao su tổng hợp có thể tăng 10,2% so với năm 2020 nhờ nhu cầu găng tay và các sản phẩm khác tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo ông Đức, giá cao su trong nước bắt đầu có diễn biến tăng từ giữa quý IV/2020, giúp giá bán mủ cao su bình quân trong năm 2020 của HRC đạt 32 triệu đồng/tấn. Hiện tại, giá mủ cao su là 35 triệu đồng/tấn. Giá cao su tăng mạnh nhưng chưa đảm bảo một xu hướng đi ngang hay tăng trong dài hạn, rủi ro điều chỉnh vẫn tiềm ẩn.
Do đó, không ít doanh nghiệp đã và đang có xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cao su sang khu công nghiệp công nghệ cao, bởi giá cho thuê đất công nghiệp tăng rất mạnh trong 2 năm qua. HRC cũng đã lên kế hoạch cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đang chờ ý kiến quyết định từ các đơn vị, ban, ngành liên quan.
FPTS nhận định, giá cao su năm 2021 sẽ dao động trong khoảng 32 - 33 triệu đồng/tấn, thay đổi không đáng kể so với mức bình quân năm 2020.
Trong khi đó, lãnh đạo PHR cho hay, những tháng đầu năm 2021, giá bán mủ cao su khá cao và cổ tức từ 2 khu công nghiệp Tân Bình và Nam Tân Uyên vẫn mang lại lợi nhuận.
Tuy nhiên, Công ty đang đối mặt với tình trạng vườn cây cao su già cỗi phải tiếp tục thanh lý, bênh cạnh đó là tình trạng thiếu lao động, thời tiết diễn biến thất thường, bệnh hại trên vườn cây khai thác.
Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi Covid-19, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp gặp không ít khó khăn. Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong năm nay.
Nhìn nhận về triển vọng ngành cao su trong năm 2021, Công ty Chứng khoán FPT nhận định, giá cao su sẽ dao động trong khoảng 32 - 33 triệu đồng/tấn, thay đổi không đáng kể so với mức bình quân năm 2020. Theo đó, hoạt động kinh doanh mủ của các công ty cao su tự nhiên khó có thể kỳ vọng tăng trưởng.
Diễn biến của cổ phiếu nhóm cao su trên sàn chứng khoán cho thấy, phần lớn mã có “sóng” chủ yếu nhờ kỳ vọng doanh nghiệp hưởng lợi từ đất khu công nghiệp như PHR. Doanh nghiệp này đang sở hữu 85% cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình, thuộc khu vực phía Nam của tỉnh Bình Dương và 32,9% cổ phần tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.
Trong bối cảnh mảng kinh doanh chính là mủ cao su kém khả quan, nhiều doanh nghiệp ngành này đã chủ động thanh lý gỗ cao su và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang kinh doanh khu công nghiệp.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement