Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngân sách Nhà nước 2018: Trông chờ vào đâu?

Doanh nghiệp

17/01/2018 11:24

Điều hành kinh tế năm 2018 sẽ gặp không ít khó khăn khi nợ công vẫn ở ngưỡng cao nhưng nguồn thu ngân sách Nhà nước ngày càng giảm đi.

Bội chi 3,7% GDP

Nhận định năm nay sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức cả từ môi trường quốc tế và nội tại của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ngành tài chính sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thận trọng. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, vấn đề hiện nay của ngành tài chính là bội chi ngân sách cao, nợ công đang tiến sát trần và những khó khăn trong giảm quy mô, điều chỉnh cơ cấu chi thường xuyên… 

Những năm gần đây, quy mô thu ngân sách Nhà nước giảm nhanh so với chi ngân sách. Tốc độ tăng trung bình trong 10 năm qua cho thấy chi ngân sách là 17,4%, chi thường xuyên là 18,3%, nhưng thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt 15%. 

Ngân sách 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ có thuế suất bằng 0%.
Ngân sách 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ có thuế suất bằng 0%.

Trong khi chi thường xuyên liên tục tăng nhanh, thì chi đầu tư lại giảm. Tốc độ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển giai đoạn 2012-2016 chỉ đạt 6,5% năm, thấp hơn nhiều tỷ lệ 17-18% mỗi năm của giai đoạn 2007-2011 và thấp hơn nhiều tốc độ tăng chi thường xuyên đạt trung bình 14% giai đoạn 2012-2016.

Do đó, TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng thời gian tới, cần phải gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu công và mục tiêu đạt được, giảm chi thường xuyên. Đồng thời tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về chi tiêu công ở các cấp, nhất là ở địa phương để thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa. 

Ông Bùi Đức Thụ, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khuyến nghị, chi ngân sách Nhà nước phải được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư.

Trong đầu tư dự án cơ sở hạ tầng, phải lấy chỉ tiêu hiệu quả lên hàng đầu. Phân cấp và xác định rõ, quyền nhiều thì trách nhiệm lớn, đi kèm là cơ chế kiểm tra, kiểm soát kịp thời. Cơ chế quản lý phải chú trọng ngăn ngừa xảy ra tiêu cực, thất thoát. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung các giải pháp điều hành phù hợp để đạt kết quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu của ngân sách, an toàn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Cụ thể, bộ sẽ quyết liệt trong thu ngân sách đi kèm quản lý chi chặt chẽ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. 

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ quản lý chặt chẽ trong việc quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, giá tính thuế, mở rộng cơ sở thuế. Bên cạnh đó tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước. Phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.

Về dự toán chi ngân sách, Bộ Tài chính sẽ chủ động trong điều hành dự toán chi ngân sách Nhà nước, thực hiện tiết kiệm đúng dự toán được giao và khả năng thu ngân sách Nhà nước trên cơ sở hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Hạn chế chi ứng trước và chuyển nguồn dự toán sang năm sau.

Với các giải pháp này, năm 2018, ngành tài chính phấn đấu giữ bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi Quốc hội đã quyết định là 3,7% GDP. Đồng thời phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách Nhà nước.

Nhiều giải pháp

Nhìn lại năm 2017, ngành tài chính đã trải qua không ít thách thức nhưng các khoản thu đều vượt dự toán. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, số thu ngân sách nhà nước năm 2017 với tổng thu ước đạt trên 1,283 triệu tỉ đồng, vượt 71.000 tỉ đồng so với dự toán, tăng 43.700 tỉ đồng so với số báo cáo Quốc hội. 

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, kết quả trên có được chủ yếu nhờ vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhờ vào tăng trưởng kinh tế 6,81%. Cụ thể, trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước năm 2017, thu từ thuế, phí, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng cao nhất, tăng tới 23% so với năm ngoái, khu vực FDI tăng hơn 20%; khu vực thuế thu nhập cá nhân tăng khoảng 22%.

Một nguyên nhân nữa là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Về cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2017 có một bước tiến rất quan trọng, nâng chỉ số nộp thuế của Việt Nam đứng ở vị trí 86 trong tổng số 190 quốc gia, tăng 81 bậc so với năm trước, bằng với trình độ của các nước Asean 4.

Ngành thuế sẽ tập trung thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế.
Ngành thuế sẽ tập trung thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế.

Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách đã tạo tiền đề, cơ sở pháp lý để ngành thuế đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế.

Qua thanh tra, kiểm tra thuế, đã xử lý tăng thu trên 19.000 tỉ đồng, giảm lỗ 37.000 tỉ đồng. Xử lý nợ thuế cũng đạt được kết quả rất quan trọng. Đây là những nguyên nhân quan trọng để ngành thuế thu vượt dự toán được Quốc hội giao.

Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, đến ngày 31/12/2017, số thu ngân sách Nhà nước của ngành hải quan là 297.082 tỉ đồng, bằng 104,24% dự toán.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết thành phố đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tập trung rà soát các đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động ban chỉ đạo thành phố về đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. 

Thành phố cũng chỉ đạo Cục Thuế công khai thông tin 12 đợt đối với 1.596 doanh nghiệp và dự án nợ tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất. Quyết liệt xử lý, thu hồi nợ thuế với tổng số tiền nợ đọng thu hồi trong năm là 12.784 tỷ đồng, đạt 100,6% chỉ tiêu thu nợ, tăng 0,9% so với thực hiện năm 2016. 

Còn tại TP.Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND Trần Văn Miên cho biết, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2017 đạt 23.500 tỉ đồng. Trong đó thu thuế xuất nhập khẩu đạt 3.300 tỉ đồng, thu nội địa đạt 20.200 tỉ đồng. 

“Ba năm qua, Đà Nẵng đã quyết liệt trong chỉ đạo các ngành, các cấp như quản lý thị trường, công an phối hợp với ngành thuế rà soát tập trung xử lý các đơn vị có số thu giấu. Nếu chỉ riêng ngành thuế không thực hiện được như vậy”, ông Trần Văn Miên nói. 

Là địa phương lần đầu tiên có số thu vượt dự toán sau 5 năm liền trước đó thu không đạt dự toán, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Nguyễn Hải Linh cho biết nguyên nhân là do tỉnh triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, đồng thời chủ động mở rộng xúc tiến thương mại đầu tư. 

Tỉnh cũng đã đổi mới phương thức chỉ đạo, đôn đốc chống thất thu ngân sách, thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách.

“Để cụ thể hóa chủ trương tăng thu ngân sách, là việc không chỉ riêng của ngành thuế mà của cả hệ thống chính trị, đồng thời cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tại địa phương”, ông Linh chia sẻ thêm.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement