Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngân hàng sẽ rất khó phá sản

Vĩ mô

21/11/2017 07:31

Từ ngày 15/1/2018, ngân hàng yếu kém bị buộc phải phá sản nhưng các chuyên gia cho rằng một ngân hàng phá sản cần rất nhiều bước đi và thủ tục.

Cho ngân hàng phá sản

Chiều 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, có 90,43% số đại biểu tham gia biểu quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi với tỉ lệ tán thành là 88,8%. Điểm đáng chú ý là việc cho phépphá sảntổ chức tín dụng lần đầu được áp dụng.

Theo dự thảo luật đã được thông qua, 5 phương án để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản.

Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụngđược kiểm soát đặc biệt theo quy định tại luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét.

Những ngân hàng yếu kém, nằm trong diện kiểm soát đặc biệt sẽ có nguy cơ bị phá sản cao

Nếu xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Phương án phá sảnbao gồm các nội dung như đánh giá thực trạng và quá trình xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản. Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân. Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.

Về việc tổ chức phá sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, kể cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi phương án phá sản.

Ít nhất 3 năm nữa

Theo PSG.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện nay lãi suất có liên quan mật thiết đến rủi ro ở các ngân hàng nhưng người dân ít quan tâm. Thông thường, người gửi tiền chỉ quan tâm nơi nào có lãi suất cao nhất vì tin rằng ngân hàng không bao giờ phá sản và nếu ngân hàng có xảy ra sự cố thì Nhà nước sẽ giải cứu.

“Khi chính sách thay đổi sẽ điều chỉnh hành vi của người gửi tiền và tránh được sự ỉ lại của người dân vào Nhà nước”, ông Bảo nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lo ngại, sẽ có làn sóng rút tiền từ ngân hàng nhỏ để gửi tiền vào các ngân hàng lớn. Còn nhớ, vào năm 2003 khi tin đồn về Tổng giám đốc Ngân hàng ACB bỏ trốn đã gây nên một tâm lý hoang mang ở khách hàng có quan hệ giao dịch với ACB. Rất đông khách hàng đã tập trung tại hội sở chính và chi nhánh Sài Gòn của ACB đồng loạt đòi rút tiền. Đến năm 2012, khi bầu Kiên bị bắt thì tình cảnh trên một lần nữa lặp lại.

Tuy nhiên, việc cho ngân hàng phá sản cần có lộ trình cụ thể chứ không phải dễ dàng.

“Chính phủ cần đưa ra một chiến dịch tuyên truyền ngay lúc này để người dân an tâm. Bởi ngay lúc này, sẽ rất khó để một ngân hàng có thể phá sản”, ông Hiển nói.

Theo chuyên giakinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì việc xử lý các tổ chức tín dụng gắn với nợ xấu đã được Thủ tướng ban hành Quyết định 1058 vào tháng 7 vừa rồi. Có nghĩa, vấn đề cho ngân hàng phá sản đã được chuẩn bị và lên phương án rồi. Bây giờ, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi là chính thức hóa việc cho phép phá sản ngân hàng.

“Việc cho phép phá sản ngân hàng phù hợp với nền kinh tế thị trường nên mình không thể tránh né nó được. Mình đã tránh né nó 30 năm qua rồi nên bây giờ phải chấp nhận nó như một giải pháp thực tế để giải quyết những vấn đề yếu kém trong hệ thống ngân hàng”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, từ đây đến lúc cho phép ngân hàng phá sản thì cần rất nhiều bước đi và thủ tục. Do đó, người dân gửi tiên nên yên tâm và chưa phải lo lắng ở thời điểm hiện tại.

Để một ngân hàng tiến đến phá sản, thứ nhất phải được kiểm soát đặc biệt, giám sát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ cơ cấu lại ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Sau khi cơ cấu lại sẽ tiến hành sát nhập với các ngân hàng khác hoặc bắt buộc chuyển nhượng, như việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng.

Khi tất cả những bước trên mà không thành công thì mới cho ngân hàng phá sản. Tuy nhiên, để ngân hàng phá sản thì phải có quyết định của Tòa án chứ Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ cũng không thể cho phép ngân hàng phá sản.

“Tại thời điểm này, tất cả ngân hàng đều được Ngân hàng Nhà nước bảo vệ nên người dân không có gì phải lo lắng. Ít nhất phải chuẩn bị đâu đó khoảng 3 năm nữa mới có thể áp dụng thực hiện việc phá sản ngân hàng”, ông Hiếu cho biết.

Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng phải có những điều chỉnh thích hợp. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn là một tổ chức được bảo vệ chứ chưa đi vào vận hành đúng theo quy luật thị trường. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phải làm chặt chẽ việc chấm điểm tín dụng các ngân hàng để có cơ sở cho phá sản các ngân hàng thương mại.

Hiện tại, có hàng loạt ngân hàng yếu kém bị Ngân hàng Nhà nước xếp vào dạng kiểm soát đặc biệt như: DongABank, GPBank, OceanBank, CBBank … Theo các chuyên gia, đây là những ngân hàng có nguy cơ bị phá sản cao nhất khi Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement