Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngân hàng Nhà nước siết kiểm soát rủi ro hệ thống

Ngân hàng

19/09/2021 08:45

Loạt thông tư mới của NHNN quản lý chặt hơn việc phát hành giấy tờ có giá của các ngân hàng.

Hai thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp có hiệu lực. Thông tư 11/2021 sửa đổi bổ sung quy định về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro sẽ áp dụng từ 1/10. Với thông tư này, NHNN sửa đổi các khái niệm về dự phòng cụ thể, dự phòng chung, nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, bổ sung khái niệm nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Bên cạnh điều chỉnh nguyên tắc tự phân loại, tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng từ “tối thiểu hàng quý” lên “tối thiểu hàng tháng”, một trong những điểm mới của thông tư là bổ sung phạm vi điều chỉnh quy định yêu cầu các ngân hàng phân loại, trích lập dự phòng rủi ro đối với tài sản có phát sinh từ các hoạt động: mua, bán nợ; mua bán lại trái phiếu chính phủ trên thị trường chứng khoán, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các ngân hàng; mua hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng (TCTD) khác phát hành trong nước.  

Từ 27/10, Thông tư 12/2021 liên quan đến việc mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do TCTD cũng sẽ có hiệu lực. Theo thông tư, các ngân hàng được mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và/hoặc giấy tờ có giá khác ghi trong giấy phép do NHNN cấp.

Loạt thông tư mới siết chặt hơn hoạt động mua bán, phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng.
Loạt thông tư mới siết chặt hơn hoạt động mua bán, phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng. Ảnh: SBV.

Bên mua, bên bán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với quy định tại thông tư và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua, bán giấy tờ có giá là đồng Việt Nam. Giấy tờ có giá được mua, bán thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi. 

Thông tư 12 cũng quy định rõ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Thời hạn còn lại là khoảng thời gian được xác định từ ngày thanh toán tiền mua đến ngày đến hạn thanh toán gốc và lãi của giấy tờ có giá đó. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi. Đối với giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua bán với tổ chức (bao gồm cả TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Không dừng lại ở hai thông tư trên, NHNN cũng đang lấy ý kiến dự thảo về quy định TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo thông tư mới quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của TCTD nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng phải quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này. Đồng thời, các nhà băng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, đồng thời không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu doanh nghiệp...

Những thông tư mới của NHNN và dự thảo đang lấy ý kiến cho thấy cơ quan này đang dần giám sát chặt hơn việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và các loại giấy tờ có giá nói chung (bao gồm trái phiếu của TCTD), nhằm kiểm soát chặt hơn rủi ro hệ thống.

Ngân hàng dẫn đầu khối phát hành trái phiếu 

Theo thống kê Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) trong 8 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 116.100 tỷ đồng. Trong đó có 24.186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, chiếm 20,8%; trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 - 4 năm chiếm 78,3%, lãi suất thấp dao động từ 3- 4,2%, cố định trong toàn bộ thời hạn của trái phiếu.  

Thời gian qua, ngân hàng luôn là nhóm dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu chủ yếu với mục đích bổ sung vốn 2, tăng hệ số an toàn vốn. Các trái phiếu do ngân hàng phát hành thường do công ty chứng khoán hoặc ngân hàng khác mua lại, do đó có thể dẫn đến tình trạng sở hữu chéo. Bên cạnh đó, ngân hàng đa dạng nguồn huy động bằng các giấy tờ có giá như chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu...

Trong 10 năm qua, giá trị giấy tờ có giá của ngân hàng liên tục tăng. Tính đến cuối tháng 6, khoản mục này trên báo cáo tài chính của 20 ngân hàng theo khảo sát gần 734.000 tỷ đồng.

Sau ngân hàng, nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai về khối lượng phát hành trái phiếu. Đây cũng là nhóm khách hàng được các nhà băng mua trái phiếu, tương tự như hình thức cấp vốn. Do đó, Thông tư 11, 12/2021 và dự thảo Thông tư 15 được nhận định sẽ có tác động  đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích: với quy định dự kiến tổ chức tín dụng không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu doanh nghiệp là không phù hợp vì Luật Các tổ chức tín dụng không cấm hoạt động này nên không có cơ sở để đưa ra điều cấm như trên. 

Trong khi đó, bà Đỗ Hoài Linh, chuyên gia Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân từng cho rằng, việc NHNN sửa đổi các quy định liên quan đến việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD, theo hướng siết lại hoạt động này là rất cần thiết, bởi thực tiễn thời gian qua ghi nhận nhiều TCTD mua bán trái phiếu doanh nghiệp không kiểm soát được rủi ro.

Theo bà Linh nhìn sâu về mặt bản chất, việc ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hay ngân hàng tham gia mua trái phiếu của doanh nghiệp, đều được xem là hoạt động tài trợ vốn cho doanh nghiệp. Bởi vậy, rủi ro đối với ngân hàng khi mua TPDN là tương đương với rủi ro trong việc cấp tín dụng, nếu trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay hoặc trả nợ gốc và lãi trái phiếu cho trái chủ. 

Mặt khác, việc tăng vốn cấp 2 qua phát hành trái phiếu của TCTD cũng được nhận định chỉ là giải pháp tạm thời. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng phát hành trái phiếu là giải pháp mang tính thời điểm. Lạm dụng cách này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi huy động vốn trung - dài hạn thường có lãi suất cao. Bên cạnh đó, tới thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả lại một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho nhà băng trong huy động để tiếp tục duy trì vốn cấp 2. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng nhận định phát hành trái phiếu chỉ được tính vào vốn cấp 2 và mức tối đa vốn cấp 2 được tính vào vốn tự có của ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tương đương 50% vốn cấp 1. Các ngân hàng thương mại không thể chỉ dựa vào vốn cấp 2 để đáp ứng quy định về an toàn vốn mà giải quyết cốt lõi là tăng vốn cấp 1. 

TRÂM ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement