Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngân hàng dồn dập tổ chức đại hội cổ đông trong tuần cuối tháng 6

Ngân hàng

26/06/2020 09:57

Nếu Eximbank tổ chức thành công đại hội cổ đông vào ngày 30/6, thì đây là ngày cuối cùng nhóm ngân hàng kết thúc đại hội cổ đông thường niên năm 2020.

10 ngày hơn 10 ngân hàng tổ chức đại hội

Hôm nay, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức đại hội cổ đông thường niên, để thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020. Đây là nhà băng cuối cùng trong nhóm Big 4 tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020.

Đáng chú ý, trong kế hoạch kinh doanh trình cổ đông năm nay, Vietcombank bỏ qua chỉ tiêu lợi nhuận, mà tập trung tăng vốn lên 2 tỉ USD.

Vietcombank lí giải việc tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu giai đoạn 2020-2021, nhằm nâng cao năng lực để hiện thực hoá các mục tiêu chiến lược. Nếu hoàn tất hai phương án tăng vốn trong năm 2020-2021, vốn điều lệ Vietcombank sẽ được tăng tối đa hơn 9.000 tỷ, từ mức hiện nay là 37.088 tỷ lên thành 46.174 tỷ đồng, xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD, và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Trong tờ trình bổ sung thêm vào cuối ngày 25/6, Vietcombank vẫn để trống chỉ tiêu lợi nhuận, mà chỉ thông tin HĐQT sẽ thực hiện kế hoạch tài chính 2020 phù hợp với diễn biến dịch bệnh và định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

  Lợi nhuận quý I của Vietcombank lần đầu tiên giảm trong nhiều năm qua. Đồ hoạ: Nguyên Phương

Lợi nhuận quý I của Vietcombank lần đầu tiên giảm trong nhiều năm qua. Đồ hoạ: Nguyên Phương

Tuy không nói rõ chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng Vietcombank đặt kế hoạch tuyển dụng thêm số lượng nhân sự 2.200 người và mở rộng mạng lưới thêm 5 chi nhánh.

Đến cuối năm 2019, Vietcombank có 18.948 nhân viên, nếu tuyển dụng thêm 2.200 nhân viên như kế hoạch, nhà băng này sẽ có số lao động đến 21.148 người. Ngân hàng đưa ra con số chi phí lương trên lợi nhuận trước thuế chưa bao gồm lương năm 2020 dự kiến là 37%. Năm 2019, chi phí lương trên lợi nhuận trước thuế của Vietcombank là 27%.

Năm 2019, Vietcombank là nhà băng đầu tiên và duy nhất đến nay cán mốc lợi nhuận tỉ USD, đạt 23.155 tỉ đồng. Số lợi nhuận kỉ lục này vẫn chưa tính phí bảo hiểm kí kết độc quyền với FWD hồi tháng 11/2019. Một số nguồn tin cho biết, Vietcombank có thể nhận được khoản phí độc quyền phân phối và hoa hồng từ hợp đồng này lên tới 400 triệu USD.

Tuy nhiên, kết thúc quý tài chính đầu năm 2020, lần đầu tiên Vietcombank có lợi nhuận quý giảm so với cùng kì 655 tỷ đồng, chỉ đạt 5.223 tỷ, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đến 43%, từ 1.506 tỉ lên thành 2.152 tỉ đồng. Quý I năm ngoái, lợi nhuận của ngân hàng này đã tăng trưởng đến 35% so với cùng kì năm trước.

Cùng ngày hôm nay, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Các chỉ tiêu kinh doanh không được tiết lộ trước đại hội, do nhà băng này không công bố tài liệu đại hội rộng rãi ra bên ngoài mà chỉ phát hành cho nội bộ cổ đông. Vào đầu năm nay, NCB cũng đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bàn chuyện tăng vốn thêm khoảng 70%, lên trên 7.000 tỷ trong năm nay.

Vào ngày mai, 27/6, sẽ là đại hội của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank). Cũng như năm ngoái, năm nay Nam A Bank tiếp tục tổ chức đại hội cổ đông ở Đà Lạt. Theo kế hoạch trình cổ đông, Nam A Bank dự kiến lợi nhuận năm 2020 đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng thêm 23%, đạt 116.000 tỷ đồng.

Nam A Bank đang chuẩn bị mọi kế hoạch để lên sàn, chậm nhất là cuối năm nay. Ảnh: NAB
Nam A Bank đang chuẩn bị mọi kế hoạch để lên sàn, chậm nhất là cuối năm nay. Ảnh: NAB

Một nội dung quan trọng là ngân hàng này chuẩn bị kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thời gian niêm yết chậm nhất vào ngày 31/12/2020. Kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE đã được HĐQT Nam A Bank trình cổ đông trong các kỳ đại hội thường niên 3 năm qua, nhưng đến nay chưa thể triển khai.

Theo thông tin từ Nam A Bank, hiện ngân hàng đã gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của Nam A Bank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết theo trình tự quy định.

HĐQT Nam A Bank cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh loại hình tổ chức Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng Nam Á. Cụ thể, Nam A Bank dự kiến giảm mức vốn góp tại công ty AMC từ 100% vốn điều lệ xuống còn tối đa 11% vốn điều lệ.

Vào đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2019 của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) từ hơn 3.890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

4 ngân hàng tổ chức 5 đại hội cổ đông trong ngày 30/6

Ngày cuối cùng của quý II được nhiều nhà băng chọn tổ chức đại hội cổ đông. Trong đó, 2 đại hội được chờ đợi nhất và có lẽ cũng sẽ nóng nhất là Eximbank với đại hội cổ đông thường niên 2020 sáng 30/6 và đại hội cổ đông bất thường ngay chiều cùng ngày. 

Eximbank là ngân hàng duy nhất chưa tổ chức đại hội cổ đông năm 2019 sau nhiều lần tổ chức bất thành. Tại đại hội lần này, nhà băng dự kiến thông qua kế hoạch kinh doanh với sự điều chỉnh giảm mạnh nhiều chỉ tiêu so với kỳ vọng đặt ra đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Cụ thể, theo quyết định trình cổ đông, Eximbank đặt mục tiêu giảm mạnh chi phí hoạt động hơn 11% so với kế hoạch ban đầu, với 326 tỷ, huy động vốn giảm 8%, đạt 147.800 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng cũng giảm 4%, đạt 122.275 tỷ đồng...

Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 20% so với thực hiện năm ngoái, đạt 1.318 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận này giảm đến 40% so với dự định đưa ra trước đại dịch.

Eximbank có một năm 2019 với nhiều biến động về nhân sự chủ chốt. Ảnh: Ngự Kỳ
Eximbank có một năm 2019 với nhiều biến động về nhân sự chủ chốt. Ảnh: Ngự Kỳ

Trong buổi chiều, theo yêu cầu của cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Eximbank sẽ đại hội cổ đông bất thường năm 2019. 

Cụ thể, cổ đông này kiến nghị phiên họp bất thường sẽ miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh. Đồng thời, yêu cầu cắt giảm quy mô nhân sự HĐQT hiện tại từ 10 người xuống tối đa 7 thành viên, nhưng vẫn đảm bảo không thấp hơn 5 người. Cổ đông này cho rằng cơ cấu hiện nay đã dẫn đến mâu thuẫn liên tục. 

Đáng chú ý, trong ngày 25/6, HĐQT Eximbank đã thông qua nghị quyết bầu ông Yasuhiro Saitoh nắm quyền Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 thay thế ông Cao Xuân Ninh đã từ nhiệm. Ông Yasuhiro Saitoh, trước đó giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT đại diện cho cổ đông chiến lược SMBC, đang nắm 15% vốn tại Eximbank.

Diễn biến bất thường sát đại hội dự báo đại hội cổ đông thường niên của Eximbank sắp tới sẽ tiếp tục nóng.

Ba nhà băng còn lại chọn tổ chức đại hội cổ đông trong ngày 30/6 là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Saigonbank và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Trong đó, VIB trình cổ đông lợi nhuận tăng trưởng chậm lại, ước tính khoảng hơn 10% với mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 4.500 tỉ đồng. Tỉ suất sinh lời trên vốn (ROE) dự kiến đạt 26%, tổng tài sản dự kiến đạt hơn 220.000 tỉ đồng, tăng 20% so với 2019.

Ngân hàng cũng sẽ chia 20% cổ phiếu thưởng cho cổ đông. VIB là một trong số ít các ngân hàng đều đặn hàng năm chia cổ tức và/hoặc cổ phiếu thưởng.

Một nội dung quan trọng VIB sẽ thông qua tại đại hội này là kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn UpCOM sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) ngay trong năm nay. 

Năm ngoái, VIB rất chú trọng nhóm khách hàng cá nhân và sản phẩm thẻ. Ảnh: Báo Đầu tư
Năm ngoái, VIB rất chú trọng nhóm khách hàng cá nhân và sản phẩm thẻ. Ảnh: Báo Đầu tư

Saigonbank hiện chưa đưa ra số liệu cụ thể cho đại hội cổ đông thường niên 2020. Ngân hàng hướng tới có các nội dung chung chung, như tập trung nguồn lực để tái cơ cấu gắn với nợ xấu theo phương án đã được duyệt trong giai đoạn 2016-2020; nâng cao công tác quản trị rủi ro...

Còn OCB thì đưa ra các chỉ tiêu đầy tham vọng, với lợi nhuận 2020 tăng tới 36%, đạt mức 4.400 tỷ đồng. Vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng 43%; quy mô tổng tài sản năm 2020 đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm trước. Nhà băng này còn đưa ra mục tiêu chia cổ tức với tỷ lệ 25-27%. 

Một nội dung nữa tiếp tục đưa ra tại đại hội lần này để thảo luận đó là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE. OCB đã có dự định niêm yết cổ phiếu từ cách đây vài năm, và năm nào cũng bàn luận nhưng chưa thực hiện được.

Kết thúc quý I/2020, OCB có lợi nhuận trước thuế tăng kinh ngạc đến 107%, đạt 1.107 tỷ đồng, tương đương 25% chỉ tiêu năm, giữa lúc nhiều ngân hàng lớn có lợi nhuận giảm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Từ đầu tuần đến nay, đã có nhiều ngân hàng tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên năm 2020, như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), PGBank, LienVietPostBank.

Một nội dung đáng chú ý tại đại hội của PGBank là câu chuyện sáp nhập PGBank với HDBank. Đại diện Petrolimex, cổ đông sở hữu 40% vốn PGBank, cho biết sẽ thoái vốn nếu việc sáp nhập với HDBank không thực hiện trước ngày 31/8.

Theo Chủ tịch PGBank, vướng mắc là hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thông qua đề án cuối cùng, trong khi cơ quan quản lý đã chấp thuận về mặt nguyên tắc từ tháng 9/2018. 

Q. HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement