26/10/2020 14:30
Ngân hàng chịu lỗ nặng khi giá văn phòng, mặt bằng xuống đáy
Giá bất động sản thương mại giảm vì COVID-19 có thể ảnh hưởng nặng nề cho cả ngành ngân hàng với nhiều khoản lỗ đáng kể.
Theo CNBC, giá bất động sản thương mại (văn phòng, mặt bằng…) đã giảm trong năm nay do người dân không còn đến văn phòng và các hoạt động kinh doanh bán lẻ bị gián đoạn. Một báo cáo gần đây cho biết, điều đó có thể dẫn đến một khoản lỗ đáng kể cho các ngân hàng.
Trong các đợt suy thoái trước đây, tổn thất cho vay bất động sản thương mại luôn ở mức nặng nề và có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng xu hướng đó có thể lặp lại trong đợi khủng hoảng do COVID-19 gây ra, chuyên gia Adam Slater của Oxford Economics cho biết trong một báo cáo của ông.
Trong trường hợp xấu nhất, Slater dự đoán những khoản lỗ cho vay này sẽ “làm xói mòn” vốn ngân hàng. “Bất động sản thương mại giảm giá thường dẫn đến thiệt hại lớn cho các ngân hàng. Việc xóa sổ các khoản vay bất động sản thương mại đã góp phần lớn vào tổn thất tổng thể của ngân hàng trong hai đợt suy thoái lớn vừa qua”, Slater nêu trong báo cáo.
Bất động sản thương mại phải giảm giá hoặc đối mặt với cảnh bị trả mặt bằng. Ảnh: VTC |
Ông lấy ví dụ cụ thể trong cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008, khoản lỗ cho vay bất động sản thương mại chiếm từ 25% đến 30% tổng số khoản vay được xóa nợ ở Mỹ.
Lần này những rủi ro đó có vẻ đang được đẩy lên cao nhất ở Mỹ, Australia và các khu vực châu Á như Hong Kong và Hàn Quốc. Ở những nền kinh tế này, tăng trưởng cho vay ở mức cao, với mức dư nợ cho vay “đáng kể”. Nhưng giá bất động sản thương mại đã giảm, đặc biệt là ở Hong Kong, báo cáo cho biết. Tại Singapore, giá thuê văn phòng đã giảm mạnh nhất trong 11 năm trong quý III/2020. Giá thuê văn phòng giảm 4,5% trong quý gần nhất cho đến tháng 9.
Chỉ số giá bất động sản thương mại toàn cầu của công ty dựa trên 7 thị trường lớn cho thấy, giá chung trên thị trường đã giảm 6% so với năm ngoái. “Liệu cuộc khủng hoảng COVID-19, thông qua lĩnh vực bất động sản thương mại, có thể dẫn đến các vấn đề dài hạn đối với hệ thống tài chính và ngân hàng không? Chúng tôi nghĩ rằng đó là một mối quan tâm thực sự”, Slater nhận định.
Ông nói thêm: “Hiện tại, các khách sạn đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy rất thấp, các đơn vị bán lẻ sụt giảm mạnh về lượng khách hàng và nhiều văn phòng đóng cửa hoặc hoạt động với lượng nhân viên rất thấp. Trong những trường hợp này, thu nhập cho thuê và trả nợ ngân hàng từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng đang là mối đe doạ nghiêm trọng.”
Oxford Economics đã phân tích 13 nền kinh tế lớn và nhận thấy rằng, việc xóa sổ 5% các khoản vay sẽ tương đương với khoản lỗ từ 1% đến 10% vốn cấp 1 của các ngân hàng, nguồn vốn chính của họ bao gồm vốn chủ sở hữu và thu nhập. Oxford cho biết, tác động lớn nhất sẽ được cảm nhận ở châu Á.
Các ngân hàng bị mất khả năng xử lý nợ vay về bất động sản. Ảnh minh hoạ: Người Lao Động |
Theo CNBC, các nhà đầu tư trái phiếu cũng có thể gặp rủi ro. Tại Mỹ, khoảng một nửa số tiền cho vay của lĩnh vực này không được thực hiện thông qua các khoản vay ngân hàng mà là qua ciệc phát hành trái phiếu trong lĩnh vực này. Ở các khu vực châu Âu và châu Á, tỷ lệ vay qua khu vực phi ngân hàng đã tăng lên 25% hoặc hơn, trong những năm gần đây.
Chuyên gia Slater nói: “Trong trường hợp bất động sản thương mại suy thoái có thể khiến các nhà đầu tư đổ xô mua lại tài sản nắm giữ, dẫn đến việc bán tài sản, làm tăng giá giảm và tổn thất cho vay rộng hơn”.
Nhưng có một điểm sáng. Các ngân hàng đang trong tình trạng tốt hơn để đối mặt với khủng hoảng so với một thập kỷ trước. Slater cho biết, tỷ lệ vốn và tỷ lệ đòn bẩy của họ hiện khoảng gấp đôi so với một thập kỷ trước. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các cải cách đã được đưa ra để giảm thiểu rủi ro và cải thiện khả năng phục hồi của khu vực ngân hàng toàn cầu, bằng cách duy trì tỷ lệ đòn bẩy nhất định và mức vốn dự trữ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp