Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Ngắm lại' thị trường bất động sản 2021

Đại dịch Covid-19 vẫn là yếu tố tác động chính, nhưng so với năm 2020, thị trường địa ốc năm 2021 nhìn chung đã tích cực hơn, trong đó những phân khúc chủ đạo như đất nền, chung cư vẫn là điểm sáng.

Đất nền chiếm sóng

Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới 2022, nhưng với Nguyễn Long, một nhà môi giới đất nền tại Hà Nội, đây không phải là lúc vui vẻ lễ tết, mà ngược lại là giai đoạn bận rộn nhất khi anh liên tục phải di chuyển qua nhiều địa phương để “chốt cọc”.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan.zadn.vn-w660-uploaded-2021-wpxlcdjwi-2021_12_26-_1-2213(1).jpg

Giá đất nền tiếp tục tăng ở nhiều địa phương trong năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

“Trong suốt gần 4 tháng giãn cách xã hội, khách hàng liên tục gọi điện thoại tìm hiểu đất nền ở nhiều khu vực, trong đó nhiều người chỉ cần đi xem dự án là xuống tiền. Vậy nên ngay sau giãn cách, khách hàng đã giục đi xem đất nhiều đến mức lịch chồng lịch”, Long kể.

Theo ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land, nền kinh tế chịu tác động mạnh của dịch bệnh, thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm thiếu lực để vượt qua những mức đỉnh cũ, nỗi lo lạm phát tăng trong năm 2022… là những yếu tố khiến nhà đầu tư có xu hướng tìm đến tài sản trú ẩn an toàn như bất động sản thời gian gần đây, đặc biệt là đất nền.

Thực tế trên phần nào được phản ánh tại khảo sát của Batdongsan.com.vn khi thông tin từ trang tin tổng hợp này cho thấy, mức độ quan tâm tới bất động sản luôn tăng cao sau mỗi đợt dịch Covid-19: Đợt dịch thứ nhất tăng 306%, đợt 2 tăng 62%, đợt 3 tăng 376% và đợt 4 tăng 105%, trong đó đất nền luôn là phân khúc được chú ý nhất. Đây là một trong những lý do khiến giá đất ở nhiều khu vực tăng nhanh thời gian qua.

Đơn cử, tại TP.HCM, giá đất tại 5 huyện vùng ven gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ hiện tăng từ 5-15% so với đầu năm 2021. Cụ thể, giá đất ở các xã Phước Kiển, Long Hậu, Nhơn Đức (Nhà Bè) giao dịch trong khoảng 45-90 triệu đồng/m2. Tại Bình Chánh, khu vực xã Vĩnh Lộc, giá nền đất sổ đỏ dao động quanh mức 35-45 triệu đồng/m2, đất quanh khu trung tâm xã Bình Hưng duy trì khoảng giá 70-80 triệu đồng/m2, khu Phong Phú tầm 45-50 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất thổ cư Hóc Môn dao động từ 40-70 triệu đồng/m2, khu vực xã Xuân Thới Thượng giữ tầm giá 60-70 triệu đồng/m2, xã Bà Điểm có giá 45-50 triệu đồng/m2…

Cùng với TP.HCM, giá đất nền dự án tại các địa phương lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng có mức tăng phổ biến từ 10-15% trong năm 2021, thậm chí có nhiều nơi tăng tới 30-35%. Chẳng hạn, tại 2 thành phố Thuận An và Dĩ An, tỉnh Bình Dương, các dự án đất nền ở khu vực trung tâm hoặc gần khu công nghiệp hiện có giá khoảng 40 triệu đồng/m2, xa hơn một chút là Bến Cát, Tân Uyên, giá cũng đã chạm ngưỡng 17-20 triệu đồng/m2. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, một lô đất diện tích từ 150-200 m2 (trong đó 100 m2 là đất thổ cư) tại khu vực Châu Pha, Tóc Tiên hiện có giá 1 tỷ-1,7 tỷ đồng tùy từng vị trí, tăng khoảng 10% so với trước dịch.

Không chỉ các địa phương phía Nam, sự sốt nóng của đất nền còn lan xuống khu vực duyên hải miền Trung, với tâm điểm là huyện Cam Lâm và Bắc bán đảo Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, khi gần đây, chính quyền tỉnh đã chấp thuận đề xuất đầu tư nhiều dự án quy mô cả nghìn héc-ta.

Ông Trần Khôi, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Khánh Hòa từng phân phối nhiều sản phẩm đất nền tại Cam Lâm cho hay, từ đầu tháng 11/2021, giá đất tại đây đã tăng 30-50% so với khoảng 3 quý trước.

“Nhà đầu tư biết giá đã tăng cao, nhưng vẫn chấp nhận mua vì kỳ vọng sẽ còn tăng tiếp khi các chủ đầu tư lớn triển khai dự án”, ông Khôi nói và cho biết thêm, cơn sốt đất ở Cam Lâm đã kéo dài mấy năm qua, thậm chí còn tăng cả trong giai đoạn dịch căng thẳng.

Theo ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME, nguyên nhân tác động trực tiếp đến giá đất là sự phát triển mạnh về hạ tầng, khi hàng loạt dự án hạ tầng kết nối liên vùng đã, đang và sắp triển khai ở những khu vực trên như cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối các tỉnh miền Tây với Đồng Nai; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kết nối TP.HCM với Tây Ninh; cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng; cao tốc Phan Thiết - Cam Ranh (Khánh Hòa); cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa…

Ở phía Bắc, nhiều nơi cũng ghi nhận mức độ quan tâm tới đất nền tăng cao trong mùa dịch như Hà Nội tăng 19%, Thái Nguyên tăng 123%, Lào Cai tăng 94%, Hòa Bình tăng 53%, Hưng Yên tăng 45%, Bắc Ninh tăng 41%, Quảng Ninh tăng 40%..., theo số liệu thống kê của Batdongsan.com.vn, đẩy giá bán tăng theo. Chẳng hạn, giá đất nền tại Bắc Ninh tăng 61%, Hưng Yên tăng 22%, Hòa Bình tăng 106%, Thái Nguyên 57%... so với trước dịch.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Ghome, sau giai đoạn giãn cách, lực cầu thị trường bắt đầu được “giải nén” và đất nền cho thấy sự tăng giá mạnh nhất bởi vì là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm nhất, trong đó các địa phương lân cận Hà Nội như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương… là những điểm nóng khi quỹ đất còn nhiều và giá cũng “mềm” hơn so với khu vực trung tâm hay ngoại thành Hà Nội, .

“Ở những địa phương này, từ đất nền dự án đến đất nền đấu giá đều được nhiều người quan tâm, nhất là những dự án có pháp lý đầy đủ, được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện…”, ông Nam nói, đồng thời cho biết thêm, trong thời gian tới, giá đất nền tuy không tăng đột biến nhưng đà tăng sẽ ổn định trong dài hạn.

Chung cư ổn định, vắng bóng nhà bình dân

Trong khi đất nền gần như “chiếm sóng” thị trường năm 2021, thì chung cư vẫn giữ được sự ổn định nhờ nhu cầu lớn, tuy nhiên, có sự phân hóa khá rõ nét ở 2 thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM.

Báo cáo của DKRA Việt Nam cho thấy, trong tháng 11/2021, việc nhiều dự án mới được tung ra thị trường giúp nguồn cung căn hộ tại TP.HCM cải thiện rõ nét với khoảng 2.500 căn hộ, tăng 6,6 lần so với tháng trước đó (371 căn được mở bán) và tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2020 (769 căn được mở bán). Trong đó, TP. Thủ Đức - trung tâm của khu Đông TP.HCM là nơi “phủ sóng” 95% nguồn cung mới, 5% còn lại nằm ở trục đô thị phía Tây Thành phố.

Cùng với nguồn cung tăng, giá bán cũng tăng theo. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nếu ở thời điểm năm 2020, một số dự án dự kiến bung hàng với mặt bằng giá từ 30-35 triệu đồng/m2, thì tại thời điểm này, mức giá đã điều chỉnh tăng 5-20%. Tuy nguồn cung căn hộ đều thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, nhưng lượng tiêu thụ vẫn đạt khoảng 75% rổ hàng mở bán mới với khoảng 279 căn giao dịch thành công. Thanh khoản đầu quý IV/2021 tăng nhẹ so với những tháng giãn cách quý III/2021, nhưng lượng tiêu thụ lại giảm 77% so với cùng kỳ năm trước (bán được 1.232 căn).

Ông Mai Đức Toàn, Giám đốc Khối Kinh doanh và tiếp thị CNT Group cho rằng, diễn biến giá trên thị trường bất động sản TP.HCM những năm gần đây thường theo biểu đồ hình sin. Nếu như năm 2018 tỷ lệ tăng giá chạm đỉnh, thì sang năm 2019 bắt đầu giảm xuống và đi ngang trong năm 2020, trước khi nhích tăng trở lại trong năm 2021.

Trong khi đó, tại Hà Nội, số lượng dự án chung cư mới tung ra thị trường rất ít ỏi. Khảo sát tại một số đơn vị tư vấn, môi giới địa ốc cho thấy, chỉ 1-2 dự án được mở bán từ tháng 11/2021 tới nay với khoảng 300 - 400 sản phẩm, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nam Hà Nội.

Nguồn cung sơ cấp khan hiếm nên mặt bằng giá bị đẩy lên khá cao, giao dịch chủ yếu diễn ra ở thị trường thứ cấp. Đối với căn hộ chung cư, giá rao bán bình quân trong quý IV/2021 tại Hà Nội tăng 2-4% so với quý trước đó, sản phẩm chủ đạo vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp (có mức giá 30-50 triệu đồng/m2). Giá rao bán căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm...

Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, số người tìm mua nhà mới vào thời điểm này không những không giảm, mà còn tăng lên so với trước dịch, thậm chí có sẵn nguồn tài chính cũng khó tìm được căn hộ ưng ý khi nguồn hàng đã cạn kiệt. Theo ông Giang, một số dự án đang mở bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn kho từ năm trước, song cũng gần như được đặt cọc hết, cho nên khách hàng có nhu cầu về nhà ở chỉ có thể tìm cách mua lại những căn hộ cũ hoặc nhà tập thể. Nhu cầu tăng lên có thể là lý do khiến ngay cả những căn hộ tập thể cũ nát cũng được “hét giá” cao thời gian gần đây.

Phác thảo bức tranh thị trường 2022

Theo giới chuyên gia, thị trường bất động sản có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2022. Khác với trước đây, sự “bình thản” trước Covid-19 đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên vững vàng hơn, có thể thấy rõ điều này khi thị trường không xảy ra tình trạng bán tháo, hoạt động bán cắt lỗ chỉ xuất phát từ những nhà đầu tư vốn mỏng do không chịu được áp lực lãi vay ngân hàng. Trong khi đó, nhà đầu tư vốn lớn duy trì xu hướng mua nhiều hơn bán, tăng cường thu gom nhà đất “chờ thời” với quan điểm bất động sản là cuộc chơi dài hạn.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam, nhìn vào các quốc gia đã kiểm soát được dịch có thể thấy, khi dịch bệnh ổn định trở lại thì thị trường bất động sản cũng sẽ bùng nổ. Do đó, đây là thời điểm lý tưởng nhất để chuẩn bị cho cuộc đua sắp tới.

“Hiện nay, các chủ đầu tư đều đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn để thu hút khách mua. Trong khi đó, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, đưa mặt bằng lãi vay về khoảng 4%/năm - mức thấp nhất trong nhiều năm qua, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, từ đó tạo thêm điều kiện để dòng tiền giải ngân vào thị trường bất động sản

Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn vào bất động sản vẫn trong xu hướng tăng khi hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh, việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn sẽ tạo động lực cho thị trường bất động sản bứt phá.

“Trong giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công dự kiến lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân lên tới 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020”, ông Lực thông tin.

Cụ thể hơn, ông Lực chia sẻ, năm 2022, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng từ 6-6,5%, thậm chí lên tới 6,5-7% nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi kinh tế và khi kinh tế chuyển biến tích cực, sẽ giúp sức cầu bất động sản bật tăng mạnh.

Ngoài ra, chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang được hoàn thiện với mức gia tăng diện tích bình quân nhà ở theo từng thời điểm, hoạt động đầu tư công được thúc đẩy, các vướng mắc pháp lý tiếp tục được tháo gỡ... cũng là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản.

Với góc nhìn lạc quan của nhà phát triển dự án, bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, lạc quan sẽ là gam màu chính của bức tranh thị trường địa ốc năm 2022.

“Với nhu cầu an cư, đầu tư rất lớn của người dân và nhà đầu tư, sự quyết tâm của các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản, kỳ vọng thị trường địa ốc năm 2022 sẽ bứt phá mạnh mẽ”, bà Hương nói.

Kỳ vọng thị trường địa ốc sẽ bùng nổ

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam

Năm 2022, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân tiếp tục tăng.

Nhu cầu đối với phân khúc nhà ở vẫn cao là do một bộ phận người dân có tài sản tích lũy dưới dạng vàng, ngoại tệ muốn chuyển hóa sang bất động sản trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

Khi lạm phát tăng cao, nhà đầu tư thường có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang những kênh trú ẩn an toàn như bất động sản, thể hiện qua việc thị trường địa ốc vẫn giữ được sự ổn định, cho dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh suốt 2 năm qua.

Dòng tiền đầu cơ sẽ vẫn hướng đến đất đai

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á

Với bối cảnh hiện tại, dòng tiền đầu cơ có xu hướng chuyển dịch sang bất động sản, chứng khoán, thay vì để ở các kênh có lãi suất thấp. Thực tế, mục tiêu của Chính phủ rất rõ ràng là muốn dòng tiền này đi vào sản xuất - kinh doanh để tạo ra giá trị thặng dư nhiều hơn và ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tuy nhiên, vẫn sẽ có một phần chảy vào tài sản đầu cơ, mà điển hình là đất đai.

Thậm chí, kể cả với kịch bản dòng tiền được đi đúng hướng, nhưng khi các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì vẫn có một tỷ lệ nhất định nguồn lực được cơ cấu cho các tài sản đầu cơ như đất.

Vì thế, tôi cho rằng, đất nền sẽ vẫn hấp dẫn dòng tiền trong năm 2022. Ngoài ra, trong trường hợp dịch bệnh được khống chế tốt thì các sản phẩm bất động sản du lịch cũng sẽ bật mạnh.

Việt Dương - Đức Thành - Trọng Tín - Việt Dũng
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement