26/02/2022 19:37
Nga tuyên bố không cần quan hệ ngoại giao với phương Tây
Ngày 26/2, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố như trên, động thái coi nhẹ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan cuộc tấn công Ukraina.
Đăng tải trên mạng xã hội VK của Nga, ông Medvedev cho rằng các lệnh trừng phạt đã cho Nga một lý do chính đáng để rút khỏi đối thoại về ổn định chiến lược (hạt nhân) và có thể là cả Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) đã ký với Washington vào năm 2010 và gia hạn vào năm 2021.
Cựu Thủ tướng Nga nhấn mạnh: "Chúng ta thực sự không cần đến quan hệ ngoại giao (với phương Tây)", đồng thời cho rằng các lệnh trừng phạt "tuyệt vời của phương Tây dĩ nhiên sẽ không thay đổi điều gì".
Theo ông Medvedev, Moskva sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho tới khi đạt được mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin, đó là "phi quân sự hóa" và "phi quốc xã hóa" Ukraine.
Ông Medvedev còn chỉ trích quyết định của Hội đồng châu Âu về việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga, xem đây là quyết định "thực sự không công bằng". Tuy nhiên, ông Medvedev khẳng định quyết định này tạo cơ hội cho Nga khôi phục bản án tử hình đối với các tội phạm nguy hiểm.
Nga thông báo biện pháp tài chính đáp trả phương Tây
Hãng thông tấn RIA ngày 26/2 dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga sẽ đáp trả việc các nước phương Tây phong tỏa tiền của công dân và các công ty Nga, theo đó sẽ phong tỏa tiền của người nước ngoài và các công ty nước ngoài tại Nga.
Ông Medvedev cho biết thêm rằng Moskva không loại trừ khả năng quốc hữu hóa tài sản của các công ty đăng ký kinh doanh tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và "các thể chế không thân thiện" khác.
Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Điện Kremlin cho biết Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, song nước này sẽ vẫn ứng phó được.
Trong khi đó, Bộ Kinh tế Nga cho biết một trong số các biện pháp của Moskva đối phó với các lệnh trừng phạt được cho là sẽ mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với khu vực châu Á.
Trước đó, ngày 24/2, tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU về khủng hoảng Nga-Ukraina, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua một gói trừng phạt đối với Nga do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải và thương mại.
Một quan chức EU cùng ngày cho hay khối này đang lên kế hoạch áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Nga, trong đó có việc đóng băng các tài sản tại châu Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Trong một diễn biến mới nhất, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 26/2 thông báo các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 821 mục tiêu hạ tầng quân sự ở Ukraina.
Người phát ngôn trên nêu rõ trong số các mục tiêu bị phá hủy có 14 sân bay quân sự, 19 điểm kiểm soát và trung tâm thông tin liên lạc, 24 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Osa, 48 trạm radar.
Ngoài ra, 7 trực thăng và 9 máy bay không người lái đã bị bắn hạ; 87 xe tăng và thiết bị bọc thép, 28 hệ thống phóng tên lửa đa nòng và 118 phương tiện quân sự đặc biệt đã bị phá hủy. Ông Konashenkov cho biết: "Hải quân Nga đã phá hủy 8 tàu quân sự của Hải quân Ukraina".
Trong khi đó, đăng tải trên trang Facebook, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraina cho biết Ukraina đã bắn hạ một máy bay vận tải IL-76 của Nga gần thị trấn Vasylkiv ở Kiev.
Advertisement
Advertisement