13/05/2019 11:29
Ngã rẽ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Trung Quốc "đặt cược" vào Joe Biden
Suốt tuần qua, không chỉ các thị trường tài chính mà giới hoạch định chính sách toàn cầu đều theo dõi đến "nghẹt thở" cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Kết cục đến 12h đêm rạng sáng 10/5 vẫn chưa có kết quả gì rõ rệt, khiến lệnh tăng thuế từ 10% lên 25% của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Trong khi đó, các nỗ lực thương lượng giữa hai bên vẫn tiếp tục vào buổi sáng cho đến chiều 10/5 nhưng không đạt được kết quả cụ thể nào.
Theo BBC, lý do Trung Quốc thay đổi các cam kết trước đó là đến giờ chót, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nghe tin đồn đoán rằng Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hiện nay là ứng cử viên đảng Dân chủ sáng giá và có thể thắng Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Như vậy, nếu Trung Quốc kiên trì đợi Biden thắng cử, thể hiện chính sách "quen nhường nhịn" từ thời cựu Tổng thống Barack Obama với việc để Trung Quốc "lấn sân" Mỹ trên trường quốc tế, cả về chính trị lẫn kinh tế, thì Trung Quốc sẽ không phải "nhường nhịn" nhiều.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đặt cược" vào Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. |
Thêm vào đó, báo giới Mỹ cũng đưa ra lý luận khác là có thể Trung Quốc suy đoán sai về tình hình kinh tế vĩ mô Mỹ. Từ nhiều tháng nay, Trump đã không ngớt chỉ trích Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell suy đoán sai về tình hình lạm phát của Mỹ nên tăng lãi suất 6 lần từ khi Trump cầm quyền (cho tới tháng 12/2018) và có thể gây khó khăn cho mức tăng trưởng kinh tế đang đà mạnh của Mỹ, nhất là chỉ còn khoảng một năm nữa là chính thức bắt đầu cuộc tranh cử tổng thống tại nước này.
Giới tiên đoán "mò" ở Trung Quốc đã dựa vào điểm này để cho rằng Trump nhận thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu nên tăng áp lực để FED giảm lãi suất và từ đó cho rằng Trump dễ nhường Tập Cận Bình hơn để nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại mới. Mặc dù đương đầu với các công kích nội bộ quen thuộc của các thành viên đảng Dân chủ thông qua một loạt vấn đề bê bối nhưng Trump dường như vẫn giữ được bản lĩnh của mình.
Do những vấn đề trên, nhất là do suy đoán thiếu căn cứ của Trung Quốc về nền kinh tế Mỹ, nên người ta cần tìm hiểu thêm tình trạng bế tắc thương lượng giữa Mỹ và Trung Quốc đang xảy ra trong tình hình kinh tế Mỹ thực sự ra sao cũng như tương quan lực lượng và mối quan ngại về nhau ra sao?
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2019 đã đạt mức cao đáng ngạc nhiên là 3,2% và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,6%- mức thấp kỷ lục trong gần 50 năm qua. Thêm vào đó, các thống kê cũng cho thấy năng suất công việc và mức lương người Mỹ tăng cao, khi mức lạm phát được kiềm chế hiệu quả. Các con số này đã ghi nhận kết quả chương trình của chính quyền Trump sau hơn 2 năm nắm quyền và được báo chí bàn luận nhiều.
Điều đáng nói nhất về thành công của chính sách kinh tế Mỹ trong 27 tháng qua (từ quý I/2016 đến quý I/2019) là độ tăng trưởng của đầu tư kinh doanh đã bù đắp sự chững lại của khu vực bất động sản tư nhân (do chính sách thuế mới), thường được coi là "xương sống" của tăng trưởng kinh tế Mỹ. Điều này cũng nói lên sự thành công đáng kể của chính sách giảm thuế được chính quyền Trump ban hành hồi năm 2017, khác với lo ngại của nhiều chuyên viên theo khuynh hướng Dân chủ.
Việc tăng nhanh đầu tư khu vực tư nhân là thành công nổi bật của Trump, tương phản với mức đầu tư yếu kém làm chậm tăng trưởng dưới thời Obama. Trong khi đó, chính sách tăng thuế của Mỹ từ hơn 10 tháng qua đã gây tác động không nhỏ đối với nền kinh tế và chính trị Trung Quốc.
Tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc bất ổn, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ còn ở mức 6%, chứng khoán đã giảm 25% trong năm 2018, mức dự trữ ngoại hối giảm từ 4.000 tỷ USD xuống mức thấp 2.600 tỷ USD trong tháng 9-10/2018 và hiện mới phục hồi lên mức 3.100 tỷ USD, tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ đã giảm 6-8% do các hãng và tư nhân rút tiền tháo chạy…
Chính sách tăng thuế đợt hai của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc vừa được áp dụng sẽ gây nhiều ảnh hưởng nặng nề hơn. Khi Trung Quốc trả đũa Mỹ, GDP của Mỹ ước tính sẽ giảm khoảng 0,3-0,5% trong năm 2019. Nếu Mỹ áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại trị giá 325 tỷ USD thì sẽ gây ảnh hưởng, khiến khoảng 40% mặt hàng tiêu thụ ở Mỹ tăng giá.
Nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2020, quan hệ giữa hai cường quốc sẽ căng thẳng hơn nữa. |
Tác động này cũng không nghiêm trọng vì Mỹ có thể thay thế bằng hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác. Việc bù lỗ cho xuất khẩu nông sản, nhất là đậu nành, ở một vài tiểu bang chính của Mỹ có thể thực hiện dễ dàng như nước này đã làm từ gần một năm qua.
Thế "cờ vây" của Trung Quốc còn được áp dụng ngoài Biển Đông với các đoàn tuần hành tự do hàng hải được luật pháp quốc tế cho phép. Trung Quốc có thể đe dọa các nước láng giềng nhỏ lân cận hay Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với "sức mạnh hải quân" của nước này. Tuy nhiên, khi phải đương đầu với liên minh quân sự Mỹ-Anh-Australia-Nhật Bản, sức mạnh của một hàng không mẫu hạm cũ mà Trung Quốc mua của Nga để sửa chữa lại và một đoàn tàu tuần duyên hay tàu ngầm mới trang bị của Trung Quốc có lẽ không đủ để đối phó.
Sau tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, kinh tế Trung Quốc chậm hẳn lại và rơi vào khủng hoảng trong nước khi mức dự trữ ngoại tệ xuống thấp báo động, các hãng rút khỏi Trung Quốc, ngay cả các hãng trong nước cũng đang chuyển sang Việt Nam. Tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng hiện nay tại nước này là vấn đề hàng đầu đối với Tập Cận Bình.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm từ 4.000 tỷ USD xuống còn 3.000 tỷ USD. Trung Quốc không còn đủ vốn để theo đuổi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) dù họ kêu gọi sự đóng góp từ các đối tác "chiến lược", bắt đầu từ các nước láng giềng "dễ bảo".
Các nước này thấy hấp dẫn bởi chiêu bài giá rẻ lúc đầu của các nhà thầu Trung Quốc, sau đó tăng vốn để tạo ra "bẫy nợ" và chiếm một số cảng quan trọng như trường hợp của Sri Lanka. Các dự án lúc đầu được khai trương long trọng với du lịch rẻ tiền và sòng bài để hấp dẫn khách châu Á nhưng sau đó rơi vào tình trạng ế ẩm. Những thất bại ê chề đã xảy ra ở hai khu du lịch ở Lào và Campuchia. BRI chắc chắn sẽ phá sản.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp