16/07/2017 07:10
Ngả mũ trước cách làm nông nghiệp sạch của người Nhật
Công ty Nhật Bản này thuê 1.500 mẫu đất canh tác tại Trung Quốc, nhưng lại bỏ hoang tới 5 năm và bị người dân địa phương chê cười. Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, người ta đã phải ngả mũ thán phục công nghệ của người Nhật.
Năm 2006, 3 doanh nghiệp hàng đầu ở Nhật Bản là Asahi Breweries, Sumitomo Chemical và Itochu cùng thuê một khu đất canh tác rộng 1.500 mẫu ở Lai Dương, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Trong đó, hợp đồng thuê đất có ghi rõ thời hạn lên tới 20 năm.
Thế nhưng, 5 năm sau đó, phần lớn khu đất được thuê đều bị bỏ hoang... Ngay cả khi cây dại và cỏ mọc cao quá đầu người, chủ đầu tư Nhật Bản vẫn không ngó ngàng tới.
Thời hạn thuê dài, cộng với diện tích thuê lớn... nhưng lại không làm gì, rất nhiều người dân địa phương đã tỏ ra ngán ngẩm với cách đầu tư của người Nhật. Một số cho rằng đây là sự phí phạm, số khác thì nghi ngờ về động cơ thuê đất, và có người còn loan tin công ty Nhật Bản tới đây để đào kho báu?!
Câu hỏi được đặt ra đó là, tại sao đất Trung Quốc rộng lớn tới vậy, mà những công ty như Asahi Breweries, Sumitomo Chemical và Itochu nhất quyết phải chọn mảnh đất Lai Dương này?
Sau cùng, người ta mới vỡ lẽ, khu đất ở Lai Dương thực ra là một vùng đất cực kì màu mỡ. Họ không biết rằng, trước khi quyết định thuê 1.500 mẫu đất canh tác, người Nhật đã có một thời gian dài tìm hiểu nhiều nơi ở Trung Quốc, nhưng không đâu được như vùng Lai Dương.
Khi so sánh với những mảnh đất khác, nơi đây có địa thế cực kì thuận lợi, như vị trí cách xa các khu công nghiệp, nguồn nước đảm bảo, ít bị ô nhiễm và đặc biệt là "chất đất" phù hợp cho việc trồng và phát triển các loại thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những lý giải này trên chưa thể trả lời cho câu hỏi, tại sao phải bỏ hoang mảnh đất "quý" tới 5 năm liền...
Hóa ra, đây vừa là công nghệ, vừa là triết lý nông nghiệp của người Nhật: "Trước khi trồng cây cần chăm đất, trước khi chăm sóc đất cần giáo dục con người".
Cụ thể, 5 năm đầu tiên bỏ hoang mảnh đất chính là khoảng thời gian công ty Nhật Bản muốn để cho mảnh đất này được "thở" và nghỉ ngơi. Họ nhận ra rằng, sau một thời gian dài bị xuống cấp vì thuốc trừ sâu và phân bón, mảnh đất cần thải độc trong ít nhất 5 năm.
Sau 5 năm bỏ hoang, người Nhật mới chính thức bắt tay vào cải tạo đất. Ban đầu, họ chăn thả một đàn bò số lượng lớn trên 1.500 mẫu ở Lai Dương.
Nhưng cách người Nhật nuôi bò cũng rất lạ lùng...
Có người dân địa phương chứng kiến, bò được người Nhật chăn nuôi còn được "ăn ngon hơn người". Thậm chí, mỗi xuất ăn cho bò còn được chủ đầu tư kiểm soát rất kĩ, sữa thành phẩm làm ra không đạt chuẩn cũng phải đổ đi rất phí phạm.
Tới mãi sau này, người ta mới hiểu ra, công ty Nhật thực chất đang hoàn thiện một quy trình nông nghiệp chất lượng cao, mà ở đó từng khâu phải chắc chắn, chính xác ngay từ bước đầu.
Quy trình này bắt đầu từ việc nuôi bò. Chỉ có chăm bò tốt, thì bò mới cho ra phân đảm bảo. Phân này chính là yếu tố giúp cải thiện chất lượng đất. Đất tốt, không bị ô nhiễm sẽ cho ra những cây trồng chất lượng cao. Tiếp tục như vậy, đàn bò lại được ăn những cây trồng sạch này, và cho ra nguồn sữa đảm bảo nhất.
Tương tự như vậy, công ty Nhật đã áp dụng quy trình nông nghiệp "sạch" với việc trồng cây ăn quả, các loại củ, các dòng lương thực phổ biến trên mảnh đất Lai Dương này.
Đặc biệt, ngay từ khi thuê canh tác 1.500 mẫu đất, người Nhật nhất quyết nói không với thuốc trừ sâu, cũng như các hóa chất giúp tăng năng suất. Điều này thậm chí còn khiến họ bị người dân địa phương chê là "ngốc nghếch" và chẳng biết gì.
Bởi làm nông nghiệp sạch như vậy đồng nghĩa sản lượng thấp và tốn kém rất nhiều chi phí.
Thế nhưng, sau 5 năm không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, thành quả đã đến với công ty Nhật Bản
Các thành phẩm nông nghiệp "sạch" thu về từ mảnh đất Lai Dương như sữa bò, hoa quả và rau củ đều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. So với thị trường, giá các thành phẩm này đem về giá trị cao hơn tới 1,5 lần.
Họ sản xuất ra mỗi lít sữa bò có giá 22 tệ (khoảng 70.000VND), hay mỗi cân dâu tây do người Nhật trồng cũng có giá lên tới 120 tệ/kg (khoảng 400.000 VNĐ).
Tuy nhiên, tới 90% nguồn hàng này được công ty Nhật Bản đem đi xuất ngoại, hoặc đưa về nước Nhật. Và chỉ chưa đầy 10% lượng nông sản sạch được đưa đến các thị trường như Thượng Hải và Bắc Kinh.
Nhờ tuân thủ nguyên tắc nói không với thuốc trừ sâu, hóa chất, cách làm nông nghiệp của người Nhật đã giúp bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời, thu lại lợi nhuận tốt, nâng cao đời sống của người dân.
Có thể nói, cách làm việc của người Nhật Bản luôn khiến cả thế giới bất ngờ và phải ngả mũ nể phục. Đúng với triết lý được người Nhật truyền tụng qua bao đời: "Trước khi trồng cây cần chăm đất, trước khi chăm sóc đất cần giáo dục con người".
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp