29/09/2020 10:01
New York Times: Ông Trump đối mặt hàng loạt khoản nợ lớn
Các mối đe dọa cùng ập đến với tổng thống: kinh doanh thua lỗ, cuộc kiểm toán chưa hoàn tất của Cơ quan Thuế vụ Mỹ, các khoản nợ sắp đến hạn.
Khi ông Trump đi xuống trên chiếc thang cuốn mạ vàng ở Tháp Trump để tuyên bố chiến dịch tranh cử tổng thống vào tháng 6/2015, tài chính của ông cần một cú hích.
Các hoạt động kinh doanh cốt lõi của ông đang báo lỗ ngày càng tăng - hơn 100 triệu USD trong hai năm trước đó. Dòng thu nhập của các doanh nghiệp này, vốn sống dựa vào người nổi tiếng, đang trở nên khô cạn.
Nếu ông Trump hy vọng ít nhất việc ra tranh cử của ông có thể làm hồi sinh thương hiệu mang tên mình, thì hàng loạt bình luận xúc phạm về người nhập cư đã nhanh chóng khiến ông mất hai nguồn thu lớn nhất và dễ dàng nhất - hợp đồng bán tên với các nhà sản xuất quần áo và nệm từng mang lại cho ông hơn 30 triệu USD.
Ông Trump từng kiếm được rất nhiều tiền nhờ những chương trình truyền hình như The Apprentice (Nhân viên tập sự). Ảnh: Zuma Press. |
NBC, đối tác của ông tại Hoa hậu Hoàn vũ - nguồn mang về gần 20 triệu USD - thông báo sẽ không tiếp tục phát sóng cuộc thi này; ông Trump đã bán bản quyền cuộc thi ngay sau đó.
Giờ đây, hồ sơ thuế của ông cho thấy rõ rằng ông đang phải đối mặt với một loạt mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh và túi tiền của chính mình, New York Times cho hay.
Khoản nợ 421 triệu USD sắp tới hạn
Theo bài báo điều tra chấn động liên quan đến hồ sơ thuế của ông Trump, trong thập kỷ qua, ông dường như đã lấp đầy khoảng trống dòng tiền bằng hàng loạt cú đánh một phát ăn ngay mà nay có thể không còn nữa.
Năm 2012, ông đã cầm cố không gian thương mại ở Tháp Trump với 100 triệu USD. Ông đã lấy gần như toàn bộ số tiền như một khoản chi trả, hồ sơ thuế cho thấy. Công ty của ông đã trả hơn 15 triệu USD tiền lãi cho khoản thế chấp, nhưng chưa đả động gì đến số tiền gốc. Toàn bộ 100 triệu USD sẽ đáo hạn vào năm 2022.
Năm 2013, ông đã rút 95,8 triệu USD từ tài khoản đối tác Vornado của mình.
Và vào tháng 1/2014, ông đã bán 98 triệu USD cổ phiếu và trái phiếu, tháng bán ra nhiều nhất của ông trong ít nhất hai thập kỷ. Ông đã bán thêm 54 triệu USD cổ phiếu và trái phiếu vào năm 2015, và 68,2 triệu USD vào năm 2016. Tiết lộ tài chính của ông hồi tháng 7 cho thấy ông chỉ còn lại 873.000 USD chứng khoán để bán.
Các doanh nghiệp của ông Trump báo cáo tiền mặt sẵn có là 34,7 triệu USD trong năm 2018, giảm 40% so với 5 năm trước đó, theo bài báo được đăng trên New York Times hôm 27/9.
|
Ông Trump từng có 30% cổ phần trong 2 tòa nhà văn phòng giá trị cao đồng sở hữu với Vornado, một ở San Francisco (trái) và một ở Manhattan, New York (phải). Ảnh: New York Times. |
Hơn nữa, hồ sơ thuế cho thấy ông Trump đã một lần nữa làm những gì ông nói ông hối tiếc khi nhìn lại cuộc khủng hoảng đầu những năm 1990 của mình: đảm bảo với tư cách cá nhân cho hàng trăm triệu USD trong các khoản vay, quyết định khiến những người cho vay đe dọa buộc ông phải tuyên bố phá sản cá nhân.
Khoảng thời gian này, ông chịu trách nhiệm cá nhân về các khoản vay và các khoản nợ khác với tổng giá trị 421 triệu USD, với hầu hết số nợ sẽ đến hạn trong vòng 4 năm. Nếu ông tái đắc cử, những người cho ông vay có thể được đặt vào vị trí chưa từng có để cân nhắc xem liệu có nên tịch thu tài sản của một tổng thống đương nhiệm hay không.
Tuy nhiên, có lợi ích về thuế đối với ông Trump. Trong khi chủ doanh nghiệp có thể sử dụng khoản lỗ để tránh thuế, họ chỉ có thể làm như vậy với số tiền đầu tư vào doanh nghiệp. Song bằng cách chịu trách nhiệm cá nhân về khoản nợ 421 triệu USD đó, ông Trump có thể tuyên bố số tiền đó là khoản thua lỗ trong những năm tới.
Kinh doanh thua lỗ, nợ chồng nợ
Dư nợ từ các khoản vay đó vẫn chưa được thanh toán vào cuối năm 2018. Và các doanh nghiệp gánh phần lớn nợ - khu nghỉ dưỡng chơi golf Doral (125 triệu USD) và khách sạn Washington (160 triệu USD) - đang gặp khó khăn. Điều này có thể dẫn đến việc khó tìm được người cho vay sẵn sàng tái cấp vốn.
Quá trình kiểm toán vẫn chưa hoàn tất đối với khoản tiền hoàn thuế trị giá 72,9 triệu USD đang treo lơ lửng trên đầu ông Trump.
Lối vào Trump Tower (Tháp Trump) ở New York. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Nền kinh tế nhìn chung cho thấy triển vọng phục hồi thấp. Trên khắp đất nước, số cửa hàng truyền thống đang giảm dần, và chúng rất quan trọng đối với Tháp Trump, nơi lại rất quan trọng đối với ông Trump. Nike, doanh nghiệp đã thuê mặt bằng cho cửa hàng hàng đầu của họ trong một tòa nhà nối với Tháp Trump và đã trả 195,1 triệu USD tiền thuê từ những năm 1990, đã rời đi vào năm 2018.
Tiết lộ tài chính gần đây nhất của tổng thống cho thấy mức tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2019. Song đó là trước khi đại dịch xảy ra. Các tài sản vốn đang gặp khó khăn của ông đã bị đóng cửa trong vài tháng đầu năm nay.
Khu nghỉ mát Doral đã yêu cầu Deutsche Bank cho phép hoãn thanh toán khoản vay của mình. Các nhà phân tích dự đoán rằng hoạt động kinh doanh khách sạn sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến cuối năm 2023.
Ông Trump vẫn còn tài sản để bán. Song làm như vậy có thể gây ra những thiệt hại, cho cả tài chính lẫn khao khát của ông Trump rằng ông luôn phải được xem là người chiến thắng. Năm 2019, gia đình Trump cho biết họ đang xem xét bán khách sạn ở Washington, nhưng không phải vì làm ăn thua lỗ.
Theo cách nói của ông Trump, bất kỳ khó khăn nào của ông về tài chính đều do là do ông hy sinh cho công việc hiện tại ở Nhà Trắng.
"Họ nói 'Trump đang làm giàu từ đất nước chúng ta'", ông nói tại một cuộc mít tinh ở Minneapolis vào tháng 10/2019. "Tôi mất hàng tỷ USD khi trở thành tổng thống, và tôi không quan tâm. Giàu thì tốt chứ, nhưng tôi mất tiền tỷ".
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp