30/10/2019 13:46
Nếu không nói những điều lạc quan thì nên im lặng
Đó là chia sẻ TS Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên ĐH An ninh nhân dân, tại tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội”.
Người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng cần thận trọng trước lời nói của mình
Theo TS Lê Hoàng Việt Lâm, độ tương tác của mạng xã hội rất lớn chỉ cần một thông tin sai sự thật đưa lên mạng, thì chỉ vài giây nó có thể tiếp cận hàng triệu người. Nên việc bạn like, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng đúng sai và thể hiện quan điểm chính kiến của mình có thể vi phạm pháp luật.
Vì vậy nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị tôn trọng người khác bởi những gì chia sẻ trên mạng xã hội là một sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn. Bạn cũng không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bản thân lên mạng xã hội và cuối cùng là biết nhận diện, kiểm chứng thông tin, tuyệt đối không nên tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng.
Ông Lâm nhấn mạnh câu chuyện của Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đăng một status nếu ai "dạy dỗ" được người cha bạo hành con nhỏ, thì sẽ trao thưởng với số tiền lớn, và hậu quả là có rất nhiều người đã kéo đến nhà của người cha để hành hung. Đó là một hành động vi phạm pháp luật. Sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng rất lớn, nên họ cần thận trọng trước những phát ngôn, chia sẻ của mình.
TS Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân. |
Ông Lâm cũng nhấn mạnh, các bạn trẻ là đối tượng dễ bị những phần tử xấu tiêm nhiễm những sản phẩm phi văn hóa làm thay đổi đạo đức và lối sống của người Việt. Một số thế lực thù địch và các đối tượng xấu đã lợi dụng mạng xã hội để kích động dụ dỗ lôi kéo để tung tin, đưa thông tin sai lệch đến với cộng đồng để tiến hành hoạt động chống phá.
Và Người trẻ có một số đặc điểm cơ bản khiến cho các đối tượng chống phá lợi dụng: Thứ nhất là số lượng người trẻ rất đông và là trụ cột của đất nước. Thứ hai là họ rất trẻ còn hạn chế về kinh nghiệm sống và đang ở độ tuổi giữa dậy thì và trưởng thành nên tâm sinh lý rất dễ thay đổi và kích động.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM - chia sẻ câu chuyện: Có thông tin thầy giáo hiếp dâm học sinh được đăng tải trên mạng. Nhiều người chưa kiểm chứng đã vội vàng chia sẻ, thậm chí lôi các thông tin về nhân thân, gia đình của thầy giáo ra để nói. Thế nhưng, khi cơ quan điều tra kết luận không có chuyện thầy giáo hiếp dâm, không một lời xin lỗi nào được đưa ra.
Luật đã có quy định rõ mức xử phạt hành vi việc xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống người khác trên mạng xã hội, nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị xúc phạm, vu khống có thể khởi kiện. Tuy nhiên mức xử phạt hiện nay còn khá nhẹ so với hậu quả gây ra nên chưa đủ sức răn đe. Bản thân người dùng mạng xã hội cũng ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình.
Nút like facebook tác động tâm lý người dùng
Còn theo ông Đào Lê Hòa An, mạng xã hội là nơi các bạn trẻ thể hiện bản sắc cá nhân, nơi bù đắp những gì thiếu hụt mà các bạn không thể hiện được ngoài đời sống xã hội. Ai cũng nói mạng xã hội là ảo nhưng thật ra nó phản ánh một cách khá chân thực những diễn biến và tâm lý của người chơi.
Có một nghiên cứu cho thấy rằng, đối với những người nhận được nhiều lượt truy cập thì sẽ tự tin về bản thân rất nhiều, còn đối với những tài khoản nhận ít lượng quan tâm chủ nhân của nó sẽ có xu hướng mặc cảm, tự ti về bản thân do không nhận được nhiều được yêu thích.
Vi thế việc Facebook ẩn nút like sẽ khiến thông tin thật hơn, bình đẳng hơn, thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội sạch hơn rất nhiều. Và hạn chế những hệ lụy những người dựa vào nó để có hạt động câu like. Sẽ không còn những câu chuyện bạn trẻ đưa ra thử thách trên Facebook của mình như đủ 2.000 like sẽ cởi, đủ 5.000 like sẽ mang xăng đi đốt trường…
Tiến sĩ Đào Lê Hòa An. |
Việc ẩn like bước đầu sẽ có những sự khó chịu cho người dùng, vì theo những nghiên cứu những người được nhiều lượt like để sản sinh ra một loại Hóc Môn tích cực khiến cho cơ thể cảm thấy hưng phấn, hạnh phúc. Việc ẩn like Facebook sẽ hạn chế độ thu hút mạng xã hội, nhưng về lâu dài thì nó sẽ có những mặt tích cực đến với người dùng.
Với con số 436 mạng xã hội được cấp phép hoạt động tại Việt Nam trong đó facebook chiếm thị phần đông đảo với khoảng 55 triệu tài khoản chiếm 57% dân số và là một trong 10 nước có số lượng người sử dụng mạng facebook lớn nhất thế giới.
Mạng xã hội trở thành một thế giới ảo giữa thế giới thật vô cùng rộng lớn của con người. Trong đó, đáng chú ý là lượng người học đang bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội quá lớn, với hơn 22 triệu học sinh sinh viên.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội như gắn kết cộng đồng, cung cấp thông tin, giải trí… thì nhiều mặt trái khác cũng đang ngày làm thay đổi con người chẳng hạn như tuyên truyền văn hóa đồi trụy, câu like để bán hàng, làm người nổi tiếng…
Nhiều người dùng mạng xã hội thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ share, bình luận, like theo số đông, dân dần số đông quyết định nên chuẩn mực xã hội hội, đạo đức bị thay đổi trên thế giới ảo bất chấp luật An ninh mạng đã có hiệu lực… Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra từ thế giới ảo của mạng xã hội.
Bác sĩ điều trị bệnh lý học Hồ Nhật Quang cho rằng nghiện mạng xã hội là một loại bệnh lý, sử dụng quá nhiều gây ra bệnh hoang tưởng. Nếu nghiện mạng xã hội, người dùng cần cai bằng cách ngưng sử dụng một thời gian để quay lại lối sống, suy nghĩ thực tế, các mối quan hệ thực ngoài xã hội để xây dựng lại lối sống của mình.
Còn theo ông Đào Lê Hòa An, mạng xã hội có nhiều thông tin và hoạt động vô cùng phong phú, hấp dẫn nên thu hút người chơi vì thế để lôi kéo các bạn trẻ quay về với cuộc sống thực tế thì cần có nhiều sân chơi, nhiều hoạt động hấp dẫn để các bạn trẻ được tham gia, trải nghiệm khám phá và khẳng định bản thân ngoài đời thật.
Tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” do Báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức.
Advertisement
Advertisement